Hà Nội

Đảo chiều “mềm” các tuyến đường vào giờ cao điểm để sử dụng hết công năng và giảm ùn tắc

18-01-2017 09:43 | Thời sự
google news

SKĐS - LTS: Ùn tắc giao thông là vấn nạn của Hà Nội và các thành phố lớn, liên quan đến vấn đề này, sáng 16/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội và các bộ ngành về các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.

LTS: Ùn tắc giao thông là vấn nạn của Hà Nội và các thành phố lớn, liên quan đến vấn đề này, sáng 16/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội và các bộ ngành về các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn. Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định những ngày gần đây, tình hình ùn tắc giao thông đang gây bức xúc cho người dân, “đưa con đi học cũng mất mấy tiếng đồng hồ”. Theo Thủ tướng, biết tình hình xấu như vậy mà không có biện pháp thì không có trách nhiệm với nhân dân, đồng thời nhấn mạnh Hà Nội cần coi đây là nhiệm vụ quan trọng để phát triển Thủ đô bền vững.

Cũng liên quan đến giải pháp chống ùn tắc giao thông, sáng 12/1, Sở GTVT Hà Nội, UBND TP. Hà Nội tổ chức công bố cuộc thi tuyển “Ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là ý tưởng rất đáng hoan nghênh, nhưng chỉ mời các đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế thì rất lãng phí vì tắc đường là chuyện của toàn dân và nhân dân là người thông minh nhất. Vì vậy, với mục đích nhằm chia sẻ những giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô, không xáo trộn đến đời sống của nhân dân, tận dụng tối đa mặt bằng, hạ tầng đường mà không tốn kém, dễ thực hiện. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu ý tưởng nhằm giảm ùn tắc giao thông của nhà báo Trần Sĩ Tuấn.

Tắc đường vì không sử dụng hết công năng

Vào các giờ cao điểm, Hà Nội và các thành phố lớn khác như TP.HCM thường xuyên tắc ở tất cả các con đường vào thành phố, còn ở trung tâm thành phố rất ít khi tắc vì có nhiều đường nhánh. Bên cạnh đó, với sự gia tăng chóng mặt của các phương tiện cá nhân khiến hệ thống giao thông ở các thành phố bị quá tải. Tình trạng này phổ biến ở tất cả các con đường ra vào TP. Hà Nội và TP.HCM.

Đảo chiều  “mềm” các tuyến đường vào giờ cao điểm để sử dụng hết công năng và giảm ùn tắc

Buổi sáng trên các con đường đổ vào thành phố bị tắc do người vào trung tâm thành phố làm việc, buổi chiều các con đường đổ ra thành phố bị tắc do người dân đi làm về. Nhiều khi do tắc quá lâu, lượng người quá đông nên đã tràn sang đi cả vào làn đường thoáng bên kia hay đi vào các đường nhánh gây ra tình trạng tắc đôminô, dẫn đến không những tắc cục bộ các tuyến đường nhánh mà còn tắc cả các tuyến đường chính.

Ở đây có sự bất hợp lý khi trên cùng một trục đường ở Hà Nội và TP.HCM, bên này ùn tắc còn bên kia thì thông thoáng. Theo quan sát của chúng tôi, buổi sáng (từ 6h30 đến 9h) lưu lượng tham gia giao thông vào thành phố chiếm 75%, trong khi chiều ra chỉ chiếm 25% và ngược lại, buổi chiều (từ 17h đến 19h) lưu lượng tham gia giao thông từ thành phố đi ra chiếm 75% và chiều vào chỉ chiếm 25%. Các thành phố có rất nhiều con đường vào và đường ra, chúng ta chỉ quy định lại cho hợp lý trong giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều để làm sao cũng vẫn với hệ thống giao thông này, giảm lưu lượng giao thông chiều bên này và nâng mật độ giao thông chiều bên kia nhằm tận dụng tối đa công năng của các con đường. Chính vì thế, tôi xin đề xuất giải pháp quy định từ 6h30 đến 9h sáng ưu tiên cho đường vào thành phố, biến một số con đường 2 chiều thành 1 chiều và buổi chiều thì ngược lại. Áp dụng đảo chiều “mềm” một cách hợp lý ở tất cả các con đường, cả chiều vào lẫn chiều ra, cả những con đường 1 chiều.

Giải pháp chống ùn tắc

Để dễ hình dung, tôi xin lấy ví dụ từ Hà Đông về Hà Nội có 3 trục đường là đường Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương; đường Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn - Nguyễn Trãi; đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng đều là đường 2 chiều. Buổi sáng thường xuyên tắc chiều vào thành phố trên cả 3 trục đường, còn chiều từ trong thành phố đi ra thì thông thoáng. Vì vậy, để giải quyết tình trạng tắc đường một cách hợp lý, đề xuất toàn bộ tuyến đường  Giảng Võ - Láng hạ - Lê Văn Lương từ ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương về thành phố là đường một chiều từ 6h30 đến 9h sáng. Và buổi chiều từ 17h đến 19h là đường một chiều để người dân và các phương tiện đi ra thành phố. Đường Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn - Nguyễn Trãi và đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng là hai đường song song để cho người tham gia giao thông trong giờ cao điểm muốn đi ra hoặc vào thành phố có thể rẽ sang các đường nhánh để ra các trục đường này đỡ mất thời gian di chuyển. Sau giờ cao điểm, từ 9h sáng đến 17h chiều và từ 19h đến 6h30 sáng, hoạt động giao thông tại tuyến đường Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương trở lại hai chiều như cũ (xem hình minh họa).

Chọn tuyến đường Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương để áp dụng đảo chiều “mềm” một cách hợp lý vì đây là trục đường trung tâm nằm chính giữa. Hai bên song song có trục đường Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn - Nguyễn Trãi; đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng để người tham gia giao thông dễ dàng di chuyển.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả của tuyến đường đảo chiều “mềm” Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương, cơ quan chức năng có thể dỡ bỏ dải phân cách cứng và làm các dải phân cách di động (có thể dễ dàng di chuyển trong khung giờ cao điểm để tận dụng tối đa diện tích và công năng của đường).

Từ tuyến đường trên có thể áp dụng cho nhiều nơi, nhiều tuyến đường khác của các thành phố lớn, quy định linh hoạt kể cả đường 1 chiều và 2 chiều để giảm tải.

Ưu điểm của việc áp dụng giải pháp này là tạo ra nhiều con đường rộng mới, thông thoáng mà không tốn kém mở thêm đường, mở rộng hạ tầng cơ sở giao thông khi quỹ đất không còn, nếu mở đường tốn kém hàng nghìn tỷ đồng trong nội đô mà không giải quyết triệt để vấn nạn ùn tắc. Việc áp dụng giải pháp này không gây xáo trộn tới sinh hoạt, hoạt động hàng ngày của người dân và các phương tiện tham gia giao thông. Quan trọng nhất là sử dụng hết công năng của tuyến đường.

Trên đây là một ví dụ cụ thể để chúng ta dễ hình dung, mong rằng lãnh đạo các thành phố lớn như Hà nội, TP.HCM và các thành phố khác thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiên cứu áp dụng một cách hợp lý để giải bài toán ùn tắc giao thông hiện nay.

Song song với đó là áp dụng các biện pháp khác như giảm mật độ xây dựng các chung cư cao tầng dày đặc trên một tuyến đường; Phát triển hệ thống xe công cộng; Nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng gấp các trục đường lớn (xuyên tâm, hướng tâm, tiếp tuyến, vành đai, đường nối các đô thị vệ tinh); Xây dựng cầu vượt; Xây dựng các thành phố vệ tinh, kéo giãn, giảm áp lực mật độ dân cư khu vực trung tâm thành phố; Tăng cường giáo dục, tuyên truyền luật lệ giao thông, ý thức cho người dân tham gia giao thông, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý...


Nhà báo Trần Sĩ Tuấn
Ý kiến của bạn