Dư luận đang xôn xao và tranh luận việc một trường đại học có thể công nhận giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) cho cán bộ giảng dạy trong trường. Bên đồng tình cho rằng đấy là bổ nhiệm như một dạng chức vụ chứ không phải là “phong”! Bên phản đối cho rằng như thế lẫn với chức danh mà Nhà nước “phong”. Thế nhưng hình như cả hai bên đều chỉ tranh luận xem việc công nhận ấy được hay không được, so với luật quy định hiện hành ra sao chứ chưa thấy ai bàn về chuyện dù “phong” hay “bổ nhiệm” thì chất lượng thực của sự công nhận ấy thế nào?
Đúng luật, chả ai kêu về chuyện cấp bằng tiến sĩ, thạc sĩ (TS, ThS) nhưng dư luận thì kêu về chuyện lạm phát học vị này. Chuyện học hàm GS, PGS cũng không ít nhưng nước ta có bao nhiêu GS, PGS được mời đi giảng dạy ở nước ngoài và có bao nhiêu nghiên cứu khoa học từ đội ngũ hùng hậu GS, TS đầy tự hào và kiêu hãnh?
Chưa nói chuyện “phong” hay “bổ” GS, PGS, nhỏ hơn là việc đào tạo TS, ThS ở ta cũng đang vô địch Asean với gần 25.000 tiến sĩ và hơn 110.000 thạc sĩ. Số thành viên chính phủ Việt Nam có bằng tiến sĩ hơn gấp đôi Mỹ, gấp 5 Nhật. Số lãnh đạo các tỉnh thành Việt Nam có bằng tiến sĩ càng áp đảo thế giới. Thế nhưng số bài báo công bố quốc tế và phát minh khoa học của gần 25.000 tiến sĩ Việt Nam, chưa bằng một trường đại học ở Thái Lan. Và khoảng 40% tiến sĩ đang tham gia giảng dạy; 60% còn lại là viên chức nhà nước, đoàn thể. Đơn giản nhất là quy định GS, PGS, TS, ThS phải biết ngoại ngữ nhưng nếu làm cuộc tổng sát hạch ngoại ngữ không biết có bao nhiêu % dịch được một trang tiếng nước ngoài!
Giữa danh và thực trong đào tạo và cấp học hàm học vị của ta có thể đem đến niềm vui cho một số người nhưng là nỗi buồn của đất nước khi bằng cấp giáo dục Việt Nam chưa được quốc tế công nhận!
Trong sự phát triển và hội nhập của đất nước, chúng ta đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực có chất xám thực sự. Từ thể thao, văn hóa nghệ thuật đến các doanh nghiệp đều thấy còn phải thuê chuyên gia nước ngoài với chi phí cao vậy sự “nở rộ” những học hàm học vị có nguy cơ thành hoa giấy, hoa nhựa đang góp phần làm đất nước tụt hậu. Đó là logic của quy luật bởi có danh ắt có chế độ hưởng thụ và thăng tiến nhưng cái thực trong danh đó sẽ cản bước tiến của xã hội khi có thể phán xét, đánh giá, chỉ đạo những sáng tạo, đóng góp có giá trị thật của người chưa có danh. Dễ hiểu nhất ai cũng thấy như trong bóng đá. Quan chức VFF bao năm nay không có định hướng chiến lược chỉ duy ý chí muốn thắng thắng thắng, đã thay không biết bao nhiêu HLV ngoại nhưng BĐ VN vẫn dậm chân tại chỗ. Các lĩnh vực khác có tương tự?
Khi học hàm học vị không phải là sự công nhận trình độ, sự cống hiến với giá trị thật của danh mà chỉ là phương tiện mưu cầu những mục đích ngoài yếu tố khoa học thì chắc học hàm học vị ở ta còn lạm phát hơn nữa. Có cung ắt có cầu nên chuyện học hộ, thi hộ, viết hộ luận án không thiếu. Lại có chuyện có người rất chịu khó đăng ký tham gia những hội thảo KH quốc tế tại VN với bản tóm tắt tham luận mươi dòng nhưng khi Hội thảo diễn ra thì bận! Chương trình Hội thảo tất nhiên có ghi và cứ cầm vài cái “chương trình có ghi tóm tắt” để đòi thành GS quả là không khó. Cũng vì có cung nên cần có cầu mà có trường đại học, mỗi năm bảo vệ tốt nghiêp hơn 5.000 thạc sĩ, tiến sĩ và biểu đồ mỗi năm đều theo chiều đi lên rất hoành tráng. Và, để rồi không ít TS, ThS khi đi xin việc phải giấu cái bằng của mình đi...
Đã đến lúc cần thực tế hơn khi trả công và cất nhắc theo kết quả công việc và năng lực thật sự và học hàm học vị chỉ như một giấy chứng nhận hẳn “phong trào” “phấn đấu” học hàm học vị sẽ triệt tiêu để danh xưng khoa học được trở về với giá trị thật của nó.
Lê Đức Trí