Danh tính “thuốc” phòng sốt xuất huyết hiệu quả mà không mất tiền

14-09-2016 07:31 | Dược
google news

SKĐS - Không phải thuốc diệt muỗi, thuốc xịt da chống muỗi hay vợt muỗi… mà ý thức mới là loại “thuốc” hiệu quả nhất giúp người người, nhà nhà chống lại sốt xuất huyết Dengue (SXHD) trong thời điểm bệnh dễ bùng phát thành dịch như hiện nay. Quan trọng hơn là loại “thuốc” này bất cứ ai cũng có thể tạo ra và hoàn toàn không mất tiền để mua.

Nâng cao nhận thức về phòng chống SXHD

Muốn phòng ngừa SXHD, trước hết, trong hồ lô của mỗi người phải ý thức triệt để việc nâng cao nhận thức về tất cả những vấn đề xoay quanh bệnh dịch. Ngoài một số kiến thức cơ bản về bệnh như cơ chế phát sinh, triệu chứng lâm sàng, mức độ nghiêm trọng, phương pháp phòng và điều trị, chúng ta còn cần theo sát, cập nhật diễn biến, tình hình dịch bệnh đang diễn ra trên địa bàn của mình nhằm chủ động ứng phó.

SXHD là bệnh lý cấp tính do virus Dengue gây ra thông qua trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Biểu hiện của bệnh khá rõ ràng nên không khó phát hiện, để ý một chút sẽ dễ dàng phân biệt với sốt virus và sốt phát ban. SXHD ít dẫn đến tử vong, trừ khi xuất hiện các biến chứng như sốc Dengue, suy phủ tạng, xuất huyết nặng mà không thể cấp cứu kịp thời.   

Nếu nắm bắt được những kiến thức về bệnh cũng như diễn biến của dịch bệnh, chúng ta sẽ chủ động hơn trong phòng ngừa và điều trị bệnh, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm, ngăn không cho dịch bệnh bùng phát, đồng thời hạn chế được đáng kể số ca tử vong do SXHD.

Chủ động và phối hợp phòng ngừa SXHD


Khi đã nâng cao được nhận thức của bản thân, mỗi người trong chúng ta cần có ý thức hành động chống lại bệnh dịch có khả năng xảy ra ở địa phương mình bằng cách chủ động phòng ngừa và tích cực phối hợp với chính quyền sở tại cùng các ngành chức năng.

Do chưa nghiên cứu thành công vắc-xin ngừa SXHD nên biện pháp phòng ngừa tốt nhất tính đến thời điểm này vẫn là diệt trừ muỗi vằn Aedes aegypti – vật chủ trung gian truyền bệnh và phòng ngừa muỗi đốt.

* Chủ động phòng ngừa bệnh dịch:


- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:


Úp ngược các dụng cụ chứa nước khi chưa dùng tới

Đậy kín các dụng cụ chứa nước đang sử dụng để muỗi không thể lọt vào đẻ trứng

Thả cá bảy màu vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy

Thường xuyên thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…)

Đều đặn thay nước bình hoa, chậu kiểng, bể cá cảnh, hòn non bộ…

Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát

Thu gom, tiêu hủy các vật dụng phế thải trong và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp xe hỏng, hốc tre, bẹ lá...

Sắp xếp đồ đạc gọn gàng, không để muỗi có nơi trú đậu.

- Phòng ngừa muỗi đốt bằng cách:

Mặc quần áo dài tay

Buông màn khi ngủ (kể cả ban ngày)

Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

Sử dụng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

* Tích cực phối hợp để phòng ngừa bệnh dịch:


- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch

- Tham gia tích cực vào các cuộc vận động cộng đồng dân cư làm sạch môi trường sống như khơi thông cống rãnh, ao tù, nước đọng; vớt rác khỏi cống rãnh, ao hồ; thu gom, tiêu hủy rác thải gây hại, bảo vệ môi trường…

- Khi phát hiện người bị sốt xuất huyết cần thông báo cho cơ sở y tế gần nhất để kịp thời có biện pháp khống chế và ngăn ngừa bệnh lây lan.

Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ trong vòng 8 tháng đầu năm 2016, cả nước đã có hơn 50.000 ca mắc SXHD, gần 20 ca trong số đó đã tử vong do biến chứng đột ngột. Bên cạnh những nhân tố khách quan như El Nino kéo dài, mùa mưa đã đến… thì lỗ hổng trong nhận thức của người dân về căn bệnh, sự chủ quan, lơ là, thiếu ý thức phòng ngừa cũng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy dịch bệnh gia tăng.

Ngành y tế dự báo tháng 9 hoặc tháng 10 có thể là đỉnh dịch sốt xuất huyết năm nay. Vào lúc này, nếu chúng ta sớm nắm trong tay liều “thuốc” ý thức, cho dù không loại trừ được bệnh, ta cũng sẽ góp phần ngăn chặn được nguy cơ bệnh tiến triển thành dịch, giảm bớt số ca mắc và tử vong do SXHD.


Ý kiến của bạn