Tại cuộc họp của Hội đồng thể thao Đông Nam Á ngày 4/5 tại Phnom Penh (Campuchia), danh tính các tuyển thủ dính doping ở SEA Games 31 đã được thông báo. Trong đó có 5 tuyển thủ Việt Nam và đều thuộc đội tuyển điền kinh.
Theo đó, 5 tuyển thủ điền kinh của Việt Nam dính doping gồm: Quách Thị Lan (huy chương vàng 400m rào, huy chương vàng tiếp sức 4x400m, huy chương đồng 400m), Khuất Phương Anh (huy chương vàng 800m, huy chương bạc 1.500m), Vũ Ngọc Hà (huy chương vàng nhảy xa, huy chương bạc nhảy 3 bước), Hoàng Thị Ngọc (huy chương vàng tiếp sức 4x400m) và Lê Ngọc Phúc (huy chương bạc 400m, huy chương bạc tiếp sức 4x400m).
Theo kết quả các mẫu thử được lấy tại SEA Games 31, ngoài 5 tuyển thủ điền kinh của Việt Nam thì còn 2 trường hợp VĐV của Thái Lan, 2 trường hợp VĐV của Myanmar và 1 trường hợp VĐV của Indonesia dính doping.
Các vận động viên này bị tước huy chương. Theo đó, đoàn Thể thao Việt Nam mất 2 huy chương vàng ở nội dung tiếp sức 4x400m nữ và 800m nữ. Ở nội dung nhảy xa và 400m rào nữ, huy chương vàng được trao cho VĐV xếp thứ hai cũng là đại diện của đoàn Việt Nam (Bùi Thị Thu Thảo ở nội dung nhả xa và Nguyễn Thị Huyền ở nội dung chạy 400m rào).
Việc công bố những VĐV dương tính với doping ở SEA Games 31 ngay trước thềm lễ khai mạc SEA Games 32 là đúng quy định. Đây là một trong những nội dung để chuyển giao từ SEA Games 31 sang SEA Games 32.
Tất cả những gương mặt bị xác định dương tính doping nói trên đã không được dự SEA Games 32 và chịu án phạt cấm thi đấu từ 1 đến 3 năm từ Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, sau đó có thể nhận thêm án phạt từ Liên đoàn Điền kinh thế giới. Trước khi có án phạt chính thức, thể thao Việt Nam đã loại những gương mặt này, không cho tranh tài ở Đại hội thể thao toàn quốc 2022 và SEA Games 32.
Còn nhớ ở Đại hội thể thao toàn quốc 2022 diễn ra vào tháng 12, 5 VĐV của điền kinh Việt Nam không được tham dự. Trước đó, đã xuất hiện thông tin xác nhận họ có kết quả mẫu A dương tính với doping ở SEA Games 31.
Nhằm tránh tình trạng tương tự xảy ra ở SEA Games 32, tại cuộc họp hôm 18/4 vừa qua, bác sĩ Nguyễn Văn Phú – Giám đốc Trung tâm doping và y học thể thao cho biết, công tác phòng chống doping đã được triển khai từ đầu năm 2023.
Các vận động viên tại 4 Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia đã trải qua các đợt tập huấn, giáo dục về công tác phòng chống doping.
Tổng cục Thể dục Thể thao cũng đã có văn bản gửi các Sở, Trung tâm, nhà trường đào tạo vận động viên chuẩn bị SEA Games về việc vận động viên phải thực hiện một số quy định, luôn sẵn sàng lấy mẫu, khai báo thông tin, thực hiện công tác kiểm tra theo yêu cầu.
Trong quá trình tập luyện tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao trước khi SEA Games 32 khởi tranh, vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ y tế phải kiểm soát thuốc sử dụng, phải khai báo và kiểm soát chặt chẽ, phải chuẩn bị hồ sơ một cách chỉn chu.
Tại SEA Games 32 tổ chức ở Campuchia, các vận động viên đạt thành tích cao đều phải kiểm tra doping.