Dành tiền đóng bảo hiểm trong mức thu nhập thấp cũng là cả vấn đề!

23-08-2017 20:54 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bỏ tiền túi ra ít nhất trong chăm sóc sức khỏe và điều trị, ai cũng hiểu rằng, phải tham gia bảo hiểm. Nhưng làm sao dành dụm khoản tiền của mình trong khi mức thu nhập còn thấp, như Việt Nam, để đóng bảo hiểm cũng là một vấn đề.

Phát biểu khai mạc Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về y tế và kinh tế trong khuôn khổ Hội nghị SOM3 – APEC, Theo Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam, với người dân, vào viện điều trị với suy nghĩ rất đơn giản, bác sĩ giỏi, thuốc tốt, thiết bị hiện đại và được chữa khỏi bệnh nhanh nhất và với một ước muốn bỏ tiền túi ra ít nhất.

“Bỏ tiền túi ra ít nhất, ai cũng hiểu rằng, phải tham gia bảo hiểm. Nhưng làm sao dành dụm khoản tiền của mình trong khi mức thu nhập còn thấp, như Việt Nam, để đóng bảo hiểm cũng là một vấn đề. Tất cả các nước đều duy trì mức độ chi cho ngành y tế. Việt Nam dành 6,6% GDP cho y tế, tuy nhiên do trình độ phát triển của các nước khác nhau, cho nên dù tỷ lệ đó có thể là cao, nhưng giá trị tuyệt đối vẫn còn thấp, hơn thế nữa thiết bị, vật tư, dược phẩm đều theo mặt bằng chung của quốc tế, đây là một khó khăn rất lớn cho các nước đang phát triển,” Phó Thủ tướng cho biết.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Cuộc họp APEC cao cấp về Y tế và Kinh tế lần thứ 7

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từ thói quen sinh hoạt hàng ngày, từ ăn uống, rèn luyện hay kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể giúp người dân tiết kiệm không ít chi phí cho chăm sóc sức khỏe.

Thực tế, Phó Thủ tướng Đam cho rằng, người dân chỉ khi có bệnh mới nghĩ đến các cơ sở y tế, mà không biết rằng từ thói quen sinh hoạt hàng ngày, từ ăn uống, rèn luyện hay kiểm tra sức khỏe định kỳ là yếu tố vô cùng quan trọng giúp tiết kiệm cho bản thân và cho xã hội.

Cũng trong lễ khai mạc này, PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, khẳng định, đảo đảm các nguồn tài chính đủ và bền vững cho y tế là rất quan trọng, nhưng đó không phải là một điều kiện tiên quyết duy nhất để đạt được bao phủ toàn dân. Việc kêu gọi bao phủ y tế toàn dân dựa trên nguyên tắc chăm sóc sức khỏe ban đầu, cung cấp dịch vụ y tế công cộng và thiết yếu có tính tiếp cận, an toàn, hiệu quả và trong khả năng chi trả của mỗi người dân.

Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về y tế và kinh tế trong khuôn khổ Hội nghị SOM3 – APEC 2017 không chỉ đơn thuần là phiên họp cấp cao về y tế, đây còn là hành động rất cụ thể nhằm thực hiện cam kết của lãnh đạo cấp cao APEC vì mục tiêu xây dựng châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh, một khu vực năng động, tạo ra nhiều động lực phát triển cho toàn thế giới.

Cuộc họp APEC cao cấp về Y tế và Kinh tế lần thứ 7

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các đại biểu tại Cuộc họp APEC cao cấp về Y tế và Kinh tế lần thứ 7

“Với nhà nước, không chỉ là cơ chế để người dân có điều kiện chữa bệnh một cách tốt nhất, mà còn phải hướng làm sao để huy động mọi người dân cùng với nhà nước lo về y tế dự phòng, phòng chống bệnh tật. Bên cạnh đó, nhà nước còn phải có chính sách y tế nhằm tăng cường cho vùng sâu, vùng xa, chăm sóc cho các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, khuyết tật, người nghèo…,” Phó Thủ tướng Đam chia sẻ.

Theo ông, hiện nay thế giới có rất nhiều thay đổi, một trong những đặc trưng lớn nhất là chưa bao giờ thấy là thế giới trở nên nhỏ bé, và được kết nối ngày càng chặt chẽ. Khoa học công nghệ đã lại rất nhiều cơ hội cho chúng ta, nhưng cũng đặt ra rất nhiều thách thức vì con người và sức khỏe con người. Đặc biệt, quá trình già hóa dân số và sức ép của cuộc sống xã hội hiện đại, bên cạnh những mặt tích cực, cũng đã đem lại không ít nguy cơ gây tổn thương cho sức khỏe.

Tỷ lệ mắc các bệnh nghề nghiệp và các bệnh liên quan đến thần kinh như suy giảm trí nhớ, trầm cảm, tự kỷ ở trẻ em… Trẻ em suy dinh dưỡng vẫn còn nhiều ở các nước đang phát triển, đồng thời cũng không thiếu trẻ lâm vào tình trạng thừa cân béo phì.


An Quý
Ý kiến của bạn