Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng đánh thuế nhà ở, đất ở sẽ góp phần hạn chế, điều chỉnh hành vi đầu cơ, tích trữ nhà, đất chủ yếu nhằm mục đích chờ thời cơ mua bán lại kiếm lời chứ không phải đưa đất đai vào trong hoạt động sản xuất. Nguồn thuế thu được từ tài sản là nhà ở, đất ở sẽ góp phần tăng thu ngân sách. Đồng thời, góp phần điều tiết việc sử dụng đất đai của cá nhân, tổ chức và khuyến khích sử dụng nhà ở tiết kiệm, có hiệu quả.
Ngoài ra, việc đánh thuế tài sản, trong đó đối tượng chịu thuế là nhà ở, đất ở không phải được hiểu đơn thuần là tài sản của cá nhân mà đất đai là tài sản quốc gia nên việc đánh thuế những người sử dụng tài sản quốc gia để điều tiết một phần nhỏ thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất và khuyến khích sử dụng nhà ở tiết kiệm, có hiệu quả, góp phần đảm bảo công bằng xã hội là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, hiện nay, chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước nên việc mở rộng những cơ sở thu hợp pháp để đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách trong việc thực hiện những nhiệm vụ của Nhà nước là yêu cầu tất yếu. Đề xuất có luật thuế về tài sản nếu được xây dựng và ban hành sẽ có nhiều tác động tích cực. Trước hết, việc thi hành một sắc thuế mới, mở rộng cơ sở thu mới, nhất là thuế nhà ở, đất ở được đánh giá là một loại thuế có nguồn thu ổn định, sẽ góp phần tăng thu ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ chi của Nhà nước, đặc biệt là có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai.
Hơn nữa, việc áp dụng luật thuế sẽ hạn chế được đầu cơ, giúp thị trường bất động sản (BĐS) minh bạch và người dân sẽ dễ dàng tiếp cận với các loại hình BĐS hơn. Tuy nhiên, hiện chưa có một thống kê chính thức nào về tỷ lệ nhà đầu tư mua nhà đất ở Việt Nam. Nếu thuế đánh vào BĐS được áp dụng sẽ tác động lớn đến thị trường. Mức độ lớn nhỏ thế nào phụ thuộc vào thuế suất và hình thức đánh thuế. Số liệu thống kê của các đơn vị nghiên cứu thị trường vừa qua cho thấy, dù giá BĐS đã giảm khá mạnh so với lúc đỉnh nhưng vẫn còn quá cao so với thu nhập người dân và tình trạng đầu cơ tràn lan vẫn rất phổ biến.
Cụ thể, hiện có khoảng 60 - 70% người mua nhà tại Việt Nam là các nhà đầu tư. Điều đó có nghĩa là phần lớn những người mua nhà ở không phải là người có nhu cầu thực. Tuy nhiên, nếu chính sách này được áp dụng cũng sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường BĐS. Trước mắt, tình trạng đầu cơ sẽ giảm làm cho giá nhà giảm theo. Các doanh nghiệp BĐS sẽ càng thêm khó khăn. Về dài hạn, chính sách này sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế, Nhà nước sẽ thu được lượng ngân sách khá, giá nhà sẽ giảm và phù hợp với nhu cầu thực của người dân hơn. Bên cạnh đó, để hạn chế đầu cơ, Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ giao dịch nhà đất.
Mục đích của sắc thuế này một phần để tăng thu ngân sách, nhưng điều quan trọng hơn, chính sách thuế trước hết có thể góp phần điều chỉnh được thị trường BĐS hoạt động minh bạch, phát triển bền vững và điều chỉnh quá trình phát triển đô thị. Tuy vậy, tính hợp lý và thuyết phục khi đưa một chính sách vào cuộc sống cần được coi trọng đầu tiên trong khi xây dựng.
Theo các chuyên gia phân tích thị trường, một thực trạng là những người sở hữu nhiều nhà đất là những người có tiềm lực tài chính nên không chịu tác động nhiều của dự thảo luật thuế này. Thế nên, biệt thự bỏ hoang vẫn bỏ hoang, đất mua để dự trữ vẫn còn đó. Đầu cơ nhà đất cứ thị trường nóng lên là bùng phát. Vậy mục đích đánh thuế để tránh đầu cơ, cần phải xem xét, tính toán từ góc độ thực tế này.