Đánh thức nghệ thuật hát bội

14-07-2017 15:45 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong xã hội hiện đại, các loại hình văn hóa nghệ thuật như điện ảnh, sân khấu ca nhạc, kịch nói, truyền hình, internet...

Trong xã hội hiện đại, các loại hình văn hóa nghệ thuật như điện ảnh, sân khấu ca nhạc, kịch nói, truyền hình, internet... ngày càng thể hiện những ưu điểm thuyết phục nhưng đây cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung, hát bội nói riêng. Nhưng nếu không biết giữ gìn, hát bội sẽ trôi vào quên lãng.

Bảo tồn trên diện rộng

Kể từ năm 2016, chủ trương tái hiện nguyên vẹn vở tuồng có giá trị về mặt nghệ thuật, góp phần chuẩn mực hóa nghệ thuật hát bội cho đời sống cộng đồng đã được các hội đình và nghệ sĩ quan tâm. Đây là tín hiệu vui mang thông điệp tốt đẹp cho sự sống còn của bộ môn nghệ thuật dân tộc vốn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động.

Trên phạm vi cả nước, nghệ thuật hát bội ở TP. Hồ Chí Minh ra đời sau so với ở miền Bắc, miền Trung, nó vừa mang bản sắc gốc của văn hóa truyền thống Việt Nam, song vẫn có nét riêng của văn hóa thành phố, của vùng đất Nam Bộ. Hát bội TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Nam Bộ nói chung vừa là nghệ thuật biểu diễn, vừa gắn với văn hóa tín ngưỡng cung đình trong những lễ kỳ yên (lễ cầu an). Vì thế, đất diễn dành cho hát bội không quá hiếm. Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP. Hồ Chí Minh vừa có địa điểm mới, ngay trung tâm sầm uất quận 5. Chắc chắn đây sẽ là điểm hẹn yêu thích của những khán giả yêu nghệ thuật truyền thống.Dù đã qua thời hoàng kim, nghệ thuật hát bội vẫn đang được giữ gìn và phát triển.

Dù đã qua thời hoàng kim, nghệ thuật hát bội vẫn đang được giữ gìn và phát triển.

Cùng quyết tâm bảo tồn nghệ thuật hát bội, tại các địa phương khác, những đình, chùa nổi tiếng như: Thắng Tam, Thắng Nhì (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bình Thủy (Cần Thơ), Điều Hòa (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), đình Thuận Hóa và chùa ông Bổn (Sóc Trăng), miếu Quốc Công (Vĩnh Long)... cũng đã tái hiện các vở: Trưng nữ vương, Nam quốc sơn hà, Bạch Đằng Giang, Hào khí Lam Sơn, Trống đồng Ngọc Lũ... Người xem nô nức đi cổ vũ. Trước đó, Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP. Hội An cũng mở lớp truyền vai hát bội cho thiếu nhi. Dù ban đầu mới chỉ triển khai cho 15 em ở khối Nam Diêu, phường Thanh Hà nhận vai nhưng hoạt động này là một “tín hiệu” mới để gìn giữ, bảo tồn hay nói cách khác là làm thức dậy một loại hình nghệ thuật truyền thống của xứ Quảng và dải đất miền Trung nói chung.

Tại Bình Định - nơi có truyền thống hát bội từ lâu đời và phát triển thành phong trào mạnh mẽ với nhiều tên tuổi đào, kép lừng danh cả nước - các nghệ sĩ cũng đang ráo riết tìm đất sống cho môn nghệ thuật này. Chính vì vậy ở Bình Định có rất nhiều làng hát bội, nhiều gánh hát bội ra đời.

Hiện nay làng hát bội cổ truyền ở Phước An đã có những bước phát triển mới, đã dàn dựng, biểu diễn một số vở tuồng tiểu thuyết, tuồng truyện bên cạnh các vở tuồng đồ, tuồng thầy, tuồng pho, làm phong phú loại hình biểu diễn trong các tầng lớp khán giả. Do vậy, khán giả đến với nghệ thuật sân khấu hát bội không chỉ để tìm những hồi ức quá khứ, tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của một vùng, của một dân tộc mà còn bị thuyết phục bằng chính những nét đẹp tự thân được hun đúc bao đời nay, những giá trị đỉnh cao của nghệ thuật cổ truyền.

Sống bằng đam mê

Từng là một trong những bộ môn nghệ thuật rất thịnh một thời ở miền Nam, chính sân khấu hát bội đã sản sinh ra cải lương, song theo thời gian, khán giả ít dần. Cuộc sống của những nghệ sĩ hát bội đây đó cũng trở nên bấp bênh với nhiều lối rẽ nhưng vẫn có người bám trụ với nghề vì niềm đam mê, dù có khi phải làm thêm một việc khác để kiếm sống. Quả là “cái nghề trót đeo mang” như cách nói của nhiều nghệ sĩ hát bội, bởi không ngại khó khăn, gian khổ, thu nhập thấp, chỉ cần được hát, đứng trên sân khấu với vài chục khán giả thôi cũng làm họ cảm thấy vui. Theo những người trong cuộc, để lôi kéo khán giả, nghệ sĩ hát bội phải luôn làm mới trong từng điệu bộ và cả cách hát. Một số đoàn hát bội hiện nay có khi hát theo hình thức cải lương để thu hút người nghe. Dù cuộc sống khó khăn, nhưng chính sự yêu nghề đã giúp các nghệ sĩ cố gắng bám trụ. Dưới ánh đèn sân khấu, tiếng vỗ tay của một bộ phận khán giả lớn tuổi, dù không nhiều như xưa song cũng đủ làm ấm lòng những người con đang cống hiến vì nghiệp tổ.

Chắc chắn rằng, chặng đường “làm thức dậy” nghệ thuật hát bội còn rất dài. Thăng hay trầm sẽ phụ thuộc vào tâm huyết của những người làm văn hóa và niềm đam mê, quyết tâm học hỏi, lĩnh hội, nhập vai của những người theo nghề. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc nói chung và của quê hương nghệ thuật hát bội nói riêng.


Quang Hưng
Ý kiến của bạn