Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi chúng ta tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, virus hoặc chất độc có hại. Ngộ độc thực phẩm có thể gây ra một loạt các triệu chứng, phổ biến nhất là đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, chán ăn. Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già, người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm cao hơn.
Một số loại thực phẩm có nhiều khả năng gây ngộ độc thực phẩm hơn những loại khác, đặc biệt nếu chúng được bảo quản, chế biến hoặc nấu chín không đúng cách.
1. Một số thực phẩm dễ gây ngộ độc nếu chế biến, bảo quản sai
Gia cầm
Các loại gia cầm sống và nấu chưa chín kỹ như thịt gà, vịt, ngan, ngỗng... có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao. Điều này chủ yếu là do hai loại vi khuẩn Campylobacter và Salmonella thường được tìm thấy trong ruột và lông của những loài gia cầm này.
Những vi khuẩn này thường làm ô nhiễm thịt gia cầm tươi trong quá trình giết mổ và chúng có thể tồn tại nếu không được nấu chín kỹ.
Để giảm thiểu rủi ro, hãy đảm bảo thịt gia cầm được nấu chín hoàn toàn, không nên rửa thịt gia cầm sau khi đã làm sạch, chỉ cần lấy khăn khô đảm bảo vệ sinh thấm khô thực phẩm và đảm bảo rằng thịt sống không tiếp xúc với đồ dùng, bề mặt bếp và các thực phẩm khác, vì điều này có thể dẫn đến lây nhiễm chéo.
Rau củ quả
Rau là nguồn gây ngộ độc thực phẩm phổ biến, đặc biệt là khi ăn sống, ví dụ như rau diếp, rau bina, bắp cải, cần tây và cà chua.
Rau củ quả có thể bị nhiễm vi khuẩn có hại, chẳng hạn như E.coli, Salmonella và Listeria. Điều này xảy ra ở nhiều giai đoạn khác nhau của chuỗi cung ứng. Ô nhiễm có thể xảy ra do nước bị nhiễm và dòng chảy bẩn, thấm vào đất nơi trồng trái cây, rau quả hoặc do thiết bị chế biến bẩn, cách chế biến thực phẩm không hợp vệ sinh. Vì thế các loại rau, củ quả ăn sống có nhiều nguy cơ hơn.
Để giảm thiểu rủi ro, hãy luôn rửa kỹ lá rau, củ quả dưới vòi nước sạch trước khi ăn. Không mua các túi hỗn hợp salad có lá bị hư hỏng, nhão, không nên ăn các loại salad đã chuẩn bị sẵn và để ở nhiệt độ phòng.
Cá, động vật có vỏ
Cá và động vật có vỏ là nguồn gây ngộ độc thực phẩm phổ biến. Cá không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp có nguy cơ cao bị nhiễm histamine, một loại độc tố do vi khuẩn trong cá tiết ra. Histamine không bị phá hủy bởi nhiệt độ nấu thông thường và dẫn đến một loại ngộ độc thực phẩm được gọi là ngộ độc scombroid, gây ra một loạt triệu chứng bao gồm buồn nôn, thở khò khè, sưng mặt, lưỡi…
Một loại ngộ độc thực phẩm khác do cá bị ô nhiễm là ngộ độc cá ciguatera. Điều này xảy ra do một loại độc tố gọi là ciguatoxin, chất này chủ yếu được tìm thấy ở vùng nước nhiệt đới. Giống như histamine, nó không bị phá hủy bởi nhiệt độ nấu thông thường và do đó các chất độc có hại sẽ xuất hiện sau khi nấu.
Động vật có vỏ như nghêu, trai, hàu và sò điệp cũng có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Tảo được động vật có vỏ tiêu thụ tạo ra nhiều độc tố và những chất này có thể tích tụ trong thịt của động vật có vỏ, gây nguy hiểm cho con người khi ăn động vật có vỏ.
Động vật có vỏ mua ở cửa hàng thường an toàn. Tuy nhiên, động vật có vỏ đánh bắt từ những khu vực không được giám sát an toàn do bị ô nhiễm từ nước thải, cống thoát nước mưa...
Để giảm thiểu rủi ro, hãy mua hải sản ở cửa hàng và đảm bảo giữ lạnh trước khi nấu. Hãy chắc chắn rằng cá được nấu chín và nấu nghêu, trai, hàu cho đến khi vỏ mở ra. Vứt bỏ những con mà vỏ không mở được.
Cơm
Gạo là loại thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm. Gạo chưa nấu chín có thể bị nhiễm bào tử Bacillus cereus, một loại vi khuẩn sản sinh ra chất độc gây ngộ độc thực phẩm. Những bào tử này có thể sống trong điều kiện khô ráo và tồn tại trong gạo chưa nấu chín. Vi khuẩn này cũng có khả năng sống sót trong quá trình nấu nướng.
Nếu cơm đã nấu chín để ở nhiệt độ phòng, những bào tử này sẽ phát triển thành vi khuẩn phát triển và sinh sôi trong môi trường ấm áp, ẩm ướt. Cơm càng để lâu ở nhiệt độ phòng thì càng có nhiều khả năng không an toàn khi ăn.
Để giảm thiểu rủi ro, hãy ăn cơm ngay khi nấu chín và làm lạnh phần cơm còn thừa càng nhanh càng tốt sau khi nấu. Khi hâm nóng cơm đã nấu chín, hãy đảm bảo cơm nóng hoàn toàn.
Sữa chưa tiệt trùng
Thanh trùng là quá trình đun nóng chất lỏng hoặc thực phẩm để tiêu diệt các vi sinh vật có hại. Các nhà sản xuất thực phẩm thanh trùng các sản phẩm sữa bao gồm sữa và phô mai để đảm bảo an toàn khi tiêu thụ. Quá trình thanh trùng tiêu diệt các vi khuẩn và ký sinh trùng có hại như Brucella, Campylobacter, Cryptosporidium, E.coli, Listeria và Salmonella.
Sữa chưa tiệt trùng có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao hơn ít nhất 150 lần và nguy cơ phải nhập viện cao gấp 13 lần so với các sản phẩm sữa tiệt trùng.
Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ sữa chưa tiệt trùng, hãy chỉ mua các sản phẩm đã tiệt trùng. Bảo quản tất cả các loại sữa ở nhiệt độ dưới 5°C và vứt bỏ sữa đã quá hạn sử dụng.
Trứng
Mặc dù trứng cực kỳ bổ dưỡng và đa năng, nhưng chúng cũng là nguồn gây ngộ độc thực phẩm khi ăn sống hoặc nấu chưa chín. Điều này là do trứng có thể mang vi khuẩn Salmonella, vi khuẩn này làm nhiễm bẩn cả vỏ trứng và bên trong trứng.
Để giảm thiểu rủi ro, không ăn trứng có vỏ nứt hoặc bẩn. Nên chọn trứng tiệt trùng trong các công thức nấu ăn yêu cầu trứng sống hoặc nấu chín nhẹ. Tốt nhất nên ăn trứng được làm chín.
Trái cây
Một số sản phẩm trái cây bao gồm quả mọng, các loại dưa bò trên mặt đất như dưa hấu, dưa lê, dưa gan, dưa chuột và salad trái cây chế biến sẵn có liên quan đến bùng phát ngộ độc thực phẩm.
Các loại trái cây trồng trên mặt đất có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Listeria có thể phát triển trên vỏ và rất dễ lây lan vào phần thịt của qua nếu không rửa sạch dưa trước khi bổ dưa.
Các loại quả mọng tươi và đông lạnh (quả mâm xôi, dâu tây, quả việt quất) cũng là nguồn gây ngộ độc thực phẩm phổ biến do virus, vi khuẩn có hại, đặc biệt là virus viêm gan A.
Các nguyên nhân chính gây ô nhiễm quả mọng bao gồm trồng trong nước bị ô nhiễm, thực hành vệ sinh kém của người hái quả và lây nhiễm chéo với quả bị nhiễm bệnh trong quá trình chế biến.
Rửa sạch trái cây trước khi ăn có thể làm giảm rủi ro. Ăn trái cây ngay khi vừa cắt hoặc để trong tủ lạnh. Tránh các món salad trái cây đóng gói sẵn chưa được làm lạnh.
Rau mầm
Bất kỳ loại mầm sống nào (đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành)… đều có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm. Điều này chủ yếu là do sự hiện diện của vi khuẩn bao gồm Salmonella, E.coli và Listeria.
Hạt giống cần điều kiện ấm, ẩm và giàu dinh dưỡng để mầm phát triển. Những điều kiện này là lý tưởng cho sự phát triển nhanh chóng của vi khuẩn.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ khuyên phụ nữ mang thai nên tránh tiêu thụ bất kỳ loại rau mầm sống nào. Điều này là do phụ nữ mang thai đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, nấu rau mầm giúp tiêu diệt mọi vi sinh vật có hại và giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
2. Làm thế nào để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm?
Dưới đây là một số cách đơn giản giúp giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm:
Thực hành vệ sinh tốt: Rửa tay bằng xà phòng và nước nóng trước khi chuẩn bị thức ăn. Luôn rửa tay ngay sau khi chạm vào thịt sống và thịt gia cầm.
Rửa thịt và gia cầm sống đúng cách: Nên đeo găng tay khi rửa, bảo đảm nước từ vòi rửa và thịt gia cầm không bắn ra mặt bàn bếp, các thực phẩm khác... Rửa sai cách làm tăng nguy cơ lây lan vi khuẩn sang các thực phẩm khác, dụng cụ nấu ăn và bề mặt nhà bếp.
Tránh lây nhiễm chéo: Sử dụng thớt và dao riêng biệt, đặc biệt đối với thịt và gia cầm sống.
Đừng bỏ qua hạn sử dụng: Vì lý do sức khỏe và an toàn, không nên ăn thực phẩm quá hạn sử dụng. Thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng trên thực phẩm của bạn và vứt nó đi sau khi hết hạn, ngay cả khi thực phẩm nhìn bình thường, không có mùi vị lạ.
Nấu chín kỹ thịt: Đảm bảo các loại thịt được nấu chín đến tận giữa. Nước phải trong sau khi nấu.
Rửa sản phẩm tươi: Rửa rau, củ quả và trái cây trước khi ăn, ngay cả khi chúng được đóng gói sẵn.
Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn: 5 – 60°C là nhiệt độ lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Đừng để thức ăn thừa ở nhiệt độ phòng mà nên bảo quản trong tủ lạnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cảnh giác trước những yếu tố tiềm ẩn dẫn tới ngộ độc thực phẩm.