Đành phải gây ô nhiễm?!

09-04-2012 13:07 | Xã hội
google news

Túi nilon được làm từ những chất khó phân hủy, khi thải ra môi trường phải mất từ hàng chục năm cho tới một vài thế kỷ mới được phân hủy hoàn toàn trong tự nhiên.

Túi nilon được làm từ những chất khó phân hủy, khi thải ra môi trường phải mất từ hàng chục năm cho tới một vài thế kỷ mới được phân hủy hoàn toàn trong tự nhiên. Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, qua đó ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi ngấm vào nguồn nước sẽ xâm nhập vào cơ thể người gây rối loạn chức năng và dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Chuyện ô nhiễm nhiều người biết, nhưng chẳng ai biết làm sao để khắc phục…

Dùng vì… buộc phải dùng!

Ở nước ta, việc sử dụng tràn lan các loại túi nilon trong các hoạt động sinh hoạt xã hội, chủ yếu và đặc biệt là loại túi siêu mỏng, thể hiện sự dễ dãi của cả người cung cấp cũng như người sử dụng; người bán sẵn sàng hay nói đúng hơn là chẳng còn cách nào khác là bọc đồ cho khách vào túi nilon; người mua thì ngày càng ngại mang theo túi, chỉ thích dùng túi nilon treo buộc vào giỏ xe.

 Túi nilon đã qua sử dụng vứt bừa bãi cùng với rác thải gây ô nhiễm sông, hồ... Ảnh: Bích Lộc

Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng túi nilon được sử dụng ở Việt Nam nhưng ấn tượng chung là rất lớn và chưa được quản lý ở hầu hết tất cả các khâu của vòng đời túi nilon: từ sản xuất, lưu thông phân phối, sử dụng cho đến thải bỏ, thu gom, xử lý. Theo khảo sát của cơ quan môi trường, trung bình một người Việt Nam trong 1 năm sử dụng ít nhất 30kg các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa. Từ 2005 đến nay, con số này là 35kg/người/năm.

Đã có những đề xuất: cấm sử dụng; áp dụng các công cụ kinh tế (thuế, phí…); công cụ giáo dục, nâng cao nhận thức nhưng cũng từ bài học kinh nghiệm sử dụng các biện pháp đó ở các nước cho thấy, hiệu quả của các biện pháp này không cao mà nguyên nhân chính yếu là sự tiện dụng cao và giá cả thấp của túi nilon. Chính điều này đã làm cho sản phẩm túi nilon hiện diện ở khắp nơi trong đời sống xã hội. Sự tiện dụng cao làm cho túi nilon trở thành vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân. Giá thành, giá cả thấp không chỉ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng mà còn làm cho việc hạn chế, giảm thiểu, thu gom, sử dụng lại và tái chế túi nilon ít mang ý nghĩa về kinh tế, không có động cơ thúc đẩy.

Hại cũng đành chịu

Với nhiều bà nội trợ, thói quen tiết kiệm khiến họ thường giữ lại những chiếc túi nilon còn sạch sau khi đi chợ về để dùng khi cần thiết. Lâu ngày chất đống đầy trong ngăn tủ bếp. Nhẩm tính, nếu trung bình 1 tháng mỗi gia đình xả ra 60 gram túi nilon, thì mỗi tháng riêng ở Hà Nội đã chất chồng vài chục tấn loại rác khó phân hủy này, còn nếu tính trên cả nước thì khối lượng lớn hơn rất nhiều.

Theo các kỹ sư nghiên cứu vật liệu polyme, hiện nay trên thế giới nhiều quốc gia không chấp nhận sử dụng bao bì polyme mà ở ta quen gọi là “nilon” hay “túi bóng” để bao gói thực phẩm. Ở Việt Nam, vấn đề này rất khó vì mức sống chưa cao và cũng chưa có một loại bao bì nào có đủ sức thuyết phục về mặt thuận tiện và đảm bảo sự an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng khiến họ bỏ thói quen sử dụng túi nilon.

Có nhiều loại túi nilon khiến người dùng sởn gai ốc, cầm lên tay cảm giác có lớp bột dính chặt vào tay khiến tay rít bí. Còn màu sắc cũng như sự đồng đều của lớp nhựa thể hiện sự nham nhở, chỗ màu nhạt, nơi màu đậm, chỗ nhựa dày, chỗ nhựa mỏng, cầm không đều tay. Nguyên nhân của hiện tượng trên là do các cơ sở sản xuất sử dụng loại nhựa phế thải sinh hoạt như nhựa y tế, nhựa từ chai lọ, giày dép… dùng đi dùng lại nhiều lần. Mà bản thân nhựa dẻo đòi hỏi phải có sự gia nhiệt sau đó gia công lại mới tạo màng mỏng. Lúc này nhựa tái chế sẽ bị phân hủy nhiều lần gây mất chất lượng.

Ngoài ra, mùi hôi của túi nilon chính là mùi dầu chống dính trong sản xuất, khi sử dụng chất này sẽ bị thôi ra, dầu để chống dính các loại túi trên không thể là dầu đạt chuẩn mà có thể là dầu phế thải, thậm chí là dầu nhớt xe máy đã bị bỏ đi khi màu đen quện.

Người dân có thể nhận biết bằng cảm quan túi nilon tương đối an toàn cho mục đích đựng thực phẩm tươi sống hàng ngày bằng cách: túi nilon tốt sẽ làm bằng nhựa PP hoặc PE, khi kéo sẽ giãn ra nhiều, vò không sột soạt, mùi thơm nhẹ như mùi kem nẻ vì có sử dụng dầu chống dính parapin.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng muốn giải quyết vấn đề sử dụng tràn lan túi nilon thì cần có những biện pháp thay thế túi nilon bằng những loại túi giấy với chất lượng và giá cả tương đương, chứ không chỉ bằng cách vận động.  

Đức Lê


Ý kiến của bạn