Dành hơn 2 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn

17-11-2013 9:33 PM | Xã hội

Tuần làm việc thứ 5, Kỳ họp thứ 6 (từ ngày 18 - 23/11), Quốc hội tiếp tục làm việc với nhiều nội dung quan trọng, như: thảo luận về việc chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013);

Tuần làm việc thứ 5, Kỳ họp thứ 6 (từ ngày 18 - 23/11), Quốc hội tiếp tục làm việc với nhiều nội dung quan trọng, như: thảo luận về việc chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013); thảo luận về Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Đặc biệt, Quốc hội sẽ dành hơn 2 ngày để các Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Dành hơn 2 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn  1Đại biểu Quốc hội tiến hành bỏ phiếu về công tác nhân sự.

Nhiều nội dung quan trọng đa được Quốc hội quyết định

Trước đó, Quốc hội đã thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó, đáng chú ý là những nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2014, công tác nhân sự và một số dự án luật được các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua.

Liên quan đến công tác nhân sự, sáng ngày 16/11, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội. Đầu phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội. Ngay sau đó, Quốc hội thảo luận và thông qua danh sách để Quốc hội tiến hành bỏ phiếu.

Quốc hội cũng phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương giữ chức Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Về phân bổ ngân sách, Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn bộ Dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014 với 87,75% đại biểu tán thành. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách Trung ương năm 2014 là 495.189 tỷ đồng, tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 287.511 tỷ đồng, tổng số chi cân đối ngân sách Trung ương là 719.189 tỷ đồng, bao gồm cả 211.585 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương.

Cũng trong phiên làm việc ngày 16/11, các đại biểu Quốc hội đã bấm nút biểu quyết thông qua hai dự án luật là Luật Việc làm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng với tỷ lệ tán thành lần lượt là 84,34% và 85,34.

Cần quy định mọi người dân bắt buộc phải tham gia BHYT

Thảo luận tại tổ về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đại biểu Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, dự án luật cần quy định mọi người dân bắt buộc phải tham gia BHYT, bởi vì đây là loại bảo hiểm do Nhà nước tổ chức thực hiện, được Nhà nước bảo hộ, với mức mệnh giá không cao, nhằm bảo đảm cho mọi người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế tối thiểu, cơ bản, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng đến BHYT toàn dân. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, áp dụng nguyên tắc bắt buộc là điều kiện để thực hiện thành công BHYT toàn dân. Về vấn đề thanh toán khám chữa bệnh, BHYT trái tuyến, vượt tuyến, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) kiến nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu theo hướng xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân, cho phép người dân được đăng ký khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân, có cơ sở vật chất bảo đảm theo quy định. Với điều kiện quá tải tại các cơ sở y tế hiện nay, người dân có mong muốn tham gia BHYT và đăng ký khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn.

Thảo luận về Dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), liên quan đến quy định về việc mang thai hộ, các đại biểu Nguyễn Thị Nhung (đoàn Khánh Hòa), Vũ Thị Hương Sen (đoàn Hải Dương) tán thành với việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con, góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng dự án luật cần quy định chặt chẽ, cụ thể vấn đề này. Cùng đó, quy định về việc kết hôn giữa hai người đồng tính cũng được nhiều đại biểu quan tâm góp ý kiến. Nhiều đại biểu nhất trí với việc bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 nhằm giúp những người đồng tính thực hiện quyền cơ bản của mình; giảm thiểu sự phân biệt kỳ thị đối với những người cùng giới.

ANH TUẤN - VĂN HẬU

4 bộ trưởng, trưởng ngành đăng đàn tại các phiên chất vấn

Bên hành lang Quốc hội, liên quan đến vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) Nguyễn Hạnh Phúc đa có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, tại kỳ họp này sẽ có bao nhiêu bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội?

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc: Tại Kỳ họp thứ 6 sẽ có 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn. Cụ thể là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình. Bên cạnh đó, theo thông lệ tại kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ có báo cáo về những vấn đề nổi lên được tập hợp trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội nếu có.

PV: Việc lựa chọn các vị bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn được dựa theo những nguyên tắc nào, thưa ông?

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc: Nguyên tắc thứ nhất có nhiều ý kiến đề nghị của các đại biểu Quốc hội; thứ hai là những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội căn cứ vào Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; thứ ba ưu tiên cho các vị bộ trưởng, trưởng ngành từ đầu nhiệm kỳ 6 chưa có điều kiện trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

PV: So với các kỳ họp trước, phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này có điểm gì mới thưa ông?

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc: Điểm mới lần này là trong 3 ngày diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ngày 19, 20, 21/11), Quốc hội sẽ dành một buổi để Phó Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các Kỳ họp thứ 3, 4 và 5. Sau đó, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về báo cáo này.

PV: Xin cảm ơn ông!

PV (thực hiện)




Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH