Đánh giá sự tăng trưởng về thể chất và dinh dưỡng phòng ngừa còi xương

16-10-2023 14:00 | Dinh dưỡng
google news

Cha mẹ cần theo sát các chỉ số phát triển thể chất của trẻ để đánh giá sự tăng trưởng, phát hiện sớm tình trạng còi xương, thiếu vi chất… để có biện pháp xử lý sớm.

Đánh giá sự tăng trưởng về thể chất và dinh dưỡng phòng ngừa còi xương - Ảnh 1.

Đánh giá sự tăng trưởng của trẻ

Để đánh giá sự tăng trưởng thường dựa vào các chỉ số cân nặng, chiều cao, vòng đầu, vòng ngực, vòng cánh tay và tỷ lệ các phần của cơ thể:

Tăng trưởng về cân nặng: Cân nặng trung bình của trẻ sơ sinh đủ tháng lúc mới đẻ là 2800 – 3000g. Con trai lớn hơn con gái, con dạ thường nặng hơn con so. Cân nặng của trẻ tăng nhanh trong 6 tháng đầu, cân nặng gấp đôi khi trẻ được 4 – 5 tháng tuổi và đến cuối năm cân nặng tăng gấp 3 lúc đẻ. Từ năm thứ hai trở đi cân tăng chậm hơn, trung bình mỗi năm tăng 1,5kg. Có thể ước tính cân nặng của trẻ trên 1 tuổi: Cân nặng (kg) = 9 + 1,5 (N – 1); N: là tuổi của trẻ tính theo năm.

Tăng trưởng chiều cao: Chiều cao của trẻ sơ sinh trung bình 48 – 50 cm, con trai cao hơn con gái. Trong năm đầu chiều cao của trẻ tăng rất nhanh nhất là trong những tháng đầu sau đẻ. Trong 3 tháng đầu mỗi tháng tăng lên 3 – 3,5cm. 3 tháng tiếp theo mỗi tháng tăng lên 2cm. 6 tháng cuối trung bình mỗi tháng tăng được 1 – 1,5cm. Lúc 12 tháng chiều cao của trẻ đạt được 75cm. Trên 1 tuổi trung bình mỗi năm tăng 5cm.

Có thể ước tính chiều cao của trẻ trên 1 tuổi: Chiều cao (cm) = 75 + 5N. N: là số tuổi của trẻ tính theo năm.

Tăng trưởng vòng đầu, vòng ngực, vòng cánh tay: Vòng đầu của trẻ sơ sinh là 32 – 34 cm, lúc 1 tuổi là 44 – 46 cm, 2 tuổi là 48cm và đến 5 tuổi vòng đầu là 50 cm. Vòng ngực lúc mới đẻ nhỏ hơn vòng đầu là 1 – 2cm, khoảng 30 – 31 cm. Đến 6 tháng tuổi vòng ngực đuổi kịp vòng đầu và sau đó vòng ngực phát triển nhanh hơn vòng đầu. Vòng cánh tay lúc 1 tháng tuổi khoảng 11cm và đạt được 13,5cm lúc trẻ tròn 1 tuổi. Trẻ từ 1 – 5 tuổi vòng cánh tay tăng chậm, đến 5 tuổi là 14 – 16cm.

Phòng còi xương cho trẻ bằng cách khi người mẹ mang thai cần bổ sung sắt và canxi. Đồng thời khi mang thai cần ăn uống đầy đủ nghĩa là ăn tăng hơn bình thường ăn nhiều chất đạm động vật, ăn nhiều chất có hàm lượng canxi cao như trứng, sữa, tôm, cua, cá…ăn nhiều thực phẩm giàu sắt như gan, lòng đỏ trứng gà, thịt bò, cá…các loại rau, đặc biệt là rau có màu xanh sẫm như rau muống, rau dền, ngót… thì canxi và sắt có thể đủ cho sự phát triển của trẻ.

Mặt khác khi trẻ ra đời cũng cần được nuôi dưỡng đúng, được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và ăn bổ sung hợp lý. Mẹ và trẻ thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì có thể phòng tránh được bệnh còi xương cho trẻ. Con bạn 9 tháng tuổi có dấu hiệu rụng tóc vành khăn, có thể cháu đã bị còi xương, bạn nên cho cháu uống vitamin D, canxi kết hợp tắm nắng.

Phòng còi xương bằng dinh dưỡng

Còi xương di chứng là những dấu hiệu để lại của bệnh còi xương do không được điều trị sớm, theo quy luật thì bệnh còi xương sẽ ảnh hưởng tới xương nào phát triển mạnh trong giai đoạn trẻ bị bệnh. Trẻ có chuỗi hạt sườn là do trẻ bị còi xương ở giai đoạn 6 tháng tuổi, lúc này xương lồng ngực phát triển nhanh, trẻ đang trong giai đoạn biết ngồi, di chứng này chỉ làm lồng ngực của trẻ không được đẹp, sau này lớn lên lồng ngực không được nở nang chứ không ảnh hưởng gì đến phát triển trí não cũng như cân nặng chiều cao của trẻ, khi lớn lên nếu cơ ngực phát triển tốt sẽ che lấp phần này đi.

Tuy nhiên trẻ đang trong giai đoạn biết đi, nếu bị còi xương không được điều trị thì lại bị di chứng ở xương cẳng chân (chân vòng kiềng, chân chữ X) ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Tuy nhiên để trẻ phát triển bình thường bạn cần lưu ý chế độ ăn, ăn thức ăn giàu đạm, canxi, sắt, kẽ và vitamin D….

Thời kỳ cơ bản để xây dựng khung xương là từ giai đoạn bắt đầu tuổi dậy thì đến cuối tuổi vị thành niên. Vào tuổi 20 thì tất cả xương đã hoàn thiện công việc xây dựng, từ đó cả cuộc đời còn lại chỉ dựa trên nguồn vốn xương này. Bộ xương của người từ lúc sơ sinh chỉ có xấp xỉ 25g canxi và ở người phụ nữ trưởng thành có 1000-1200g canxi. Tất cả sự khác nhau này chắc chắn là do cách ăn uống.

Lượng canxi giữ lại cho cơ thể thì luôn thấp hơn so với lượng tiêu hoá. Điều này là do hiệu quả hấp thu đạt tương đối thấp trong giai đoạn phát triển. Canxi bị mất hàng ngày qua da, móng, tóc, và mồ hôi cũng như qua nước tiểu và các bài tiết qua đường tiêu hóa không được tái hấp thu. Đối với người trưởng thành chỉ khoảng 4-8% canxi tiêu hóa được giữ lại, với trẻ nhỏ là : 40%, thanh niên 20 %. Trẻ đẻ non với màng ruột sơ sinh và nhu cầu chất khoáng hóa tương đối lớn nên sự hấp thu tới 60%.

Khẩu phần canxi thấp có thể không hạn chế sự phát triển chiều dài và bề rộng của xương. Nhưng một khẩu phần canxi không đầy đủ, vỏ xương sẽ mỏng và ít hơn, độ chất khoáng trong xương giảm đi, làm xương dễ gãy. Để xây dựng được khung xương tốt, cơ thể rất cần canxi. Khối lượng xương càng lớn khi thức ăn hàng ngày càng đầy đủ canxi.

Có nhiều yếu tố dinh dưỡng ảnh hưởng đến nhu cầu và hấp thu canxi. Các chất dinh dưỡng tương tác đó chính là natri (Na), protein, cafein và chất xơ. Chất xơ và cafein ảnh hưởng đến hấp thu canxi: Na và protein ảnh hưởng đến bài tiết canxi nước tiểu, chúng có ý nghĩa rất lớn đối với canxi.

Ảnh hưởng của chất xơ với hấp thu canxi có thể thay đổi, phụ thuộc vào bản chất nguồn gốc chất xơ. Nhiều loại chất xơ không ảnh hưởng tới hấp thu canxi như các chất xơ mịn màng từ các loại rau xanh, đậu quả, quả có màu vàng, chuối.... Ngược lại chất xơ trong vỏ lúa mạch, vỏ ngũ cốc lại làm giảm hấp thu của canxi trong bữa ăn thử nghiệm, nhưng nhìn chung việc giảm hấp thu là tương đối thấp. Chất xơ kết hợp các thành phần khác của thức ăn như phytat, oxalat, hoặc cả 2 làm giảm hấp thu canxi trong bất kỳ thức ăn nào.



PV
Ý kiến của bạn