Ngày 13/12, Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) và Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị đánh giá công nghệ y tế với nội dung nâng cao hiệu quả sử dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng gói quyền lợi bảo hiểm y tế (BHYT).
Ứng dụng công nghệ y tế trong xây dựng gói quyền lợi BHYT tại Việt Nam
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới, đánh giá công nghệ y tế đã và đang được coi là công cụ quan trọng đối với quá trình thiết lập ưu tiên và hoạch định chính sách y tế, đặc biệt trong việc xây dựng các gói quyền lợi BHYT.
Ở Việt Nam, nguồn lực dành cho y tế còn hạn chế, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao. Điều này, đòi hỏi quỹ BHYT cần phải bao phủ nhiều dịch vụ y tế một cách hiệu quả hơn.
"Đánh giá công nghệ y tế đã trở thành công cụ cần thiết được phát triển và ứng dụng trong quá trình hoạch định chính sách y tế, chính sách BHYT. Trong đó, một trong những nội dung cần tập trung là ứng dụng công nghệ y tế trong xây dựng gói quyền lợi BHYT tại Việt Nam và kế hoạch phát triển trong thời gian tới"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ nhiệm vụ quan trọng của hệ thống y tế là "Xây dựng các tiêu chuẩn và triển khai công tác đánh giá công nghệ y tế để xác định các can thiệp y tế có hiệu lực, hiệu quả, chi phí thấp, bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế", trong những năm vừa qua, Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng các chính sách trong đó ứng dụng các bằng chứng về đánh giá công nghệ y tế như đàm phán giá với các đơn vị cung ứng, lựa chọn các can thiệp y tế để xây dựng Danh mục thuốc BHYT…
Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Nghị quyết số WHA67.23 của Tổ chức Y tế Thế giới về đánh giá công nghệ y tế, thúc đẩy thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân khẳng định: "Vai trò quan trọng của đánh giá công nghệ y tế trong cung cấp bằng chứng phục vụ quá trình xác định ưu tiên, lựa chọn, sử dụng và quản lý các can thiệp và công nghệ y tế cho dự phòng, nâng cao sức khỏe, chẩn đoán, điều trị bệnh tật và nâng cao sức khỏe".
Theo các chuyên gia, việc xây dựng gói quyền lợi chăm sóc sức khỏe chính là hiện thực hóa mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, cả về chiều cao và chiều sâu (bao phủ dịch vụ và bao phủ bảo vệ tài chính.
Công cụ quan trọng để kiểm soát chi tiêu của quỹ BHYT
Tại hội nghị, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và các đại biểu trong và ngoài nước đã thảo luận về những kết quả trong đánh giá công nghệ y tế; chia sẻ kinh nghiệm, chính sách quốc tế về ứng dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong việc xây dựng gói quyền lợi. Cùng với đó, giới thiệu quy trình, phương pháp, kỹ thuật và dữ liệu để thực hiện nghiên cứu đánh giá công nghệ y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam trao chứng nhận cho các diễn giả và các đơn vị tham dự, đồng hành cùng hội nghị.
ThS Vũ Nữ Anh - Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết, các đánh giá công nghệ y tế được thực hiện nhằm đưa ra bằng chứng để từ đó có các quyết định về chính sách.
"Đây là công cụ quan trọng để kiểm soát hiệu quả chi tiêu y tế. Sử dụng bằng chứng để lựa chọn mua sắm, chi tiêu y tế phù hợp, từ đó giảm chi từ tiền túi của người dân"- ThS Vũ Nữ Anh nói.
Hiện nay, chi từ tiền túi của người dân ở nước ta vẫn còn khá (45%) so với các quốc gia trong khu vực. Ngoài ra, trong cơ cấu chi của quỹ BHYT, tỷ lệ chi cho tiền thuốc đã giảm qua các năm nhưng vẫn chiếm cao nhất hơn 33%, tiếp theo phẫu thuật thủ thuật, giường bệnh.
Vì thế, vấn đề kiểm soát chi tiêu đặc biệt là thuốc rất quan trọng. Việt Nam đã ứng dụng đánh giá công nghệ y tế xây dựng danh mục thuốc BHYT, trong đàm phán giá (thuốc đàm phán có nghiên cứu chứng minh chi phí – hiệu quả tại Việt Nam và đã được công bố trên các báo, tạp chí, tài liệu).
"Đánh giá công nghệ y tế là công cụ quan trọng để kiểm soát chi tiêu của quỹ BHYT, liên quan đến vấn đề tăng nguồn thu của quỹ và giảm chi để chống mất cân bằng. Hiện nay biện pháp can thiệp để tăng thu rất khó khăn nên chúng ta tập trung vào biện pháp đổi mới các phương thức chi trả (định suất, chi trả theo trường hợp bệnh) để lựa chọn chi phí y tế hiệu quả"- ThS Nữ Anh nhấn mạnh.
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó tỷ lệ bao phủ của BHYT không ngừng được mở rộng qua các năm. Hiện tỷ lệ bao phủ BHYT là 92% dân số, quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được đảm bảo và mở rộng, được tiếp cận thêm nhiều thuốc, vật tư y tế tốt, dịch vụ kỹ thuật cao trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT.
Cũng theo đại diện Vụ BHYT, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị định hướng phát triển hệ thống HTA- tăng cường ứng dụng vào quá trình xây dựng chính sách BHYT gồm 5 yếu tố, bao gồm: chính sách, quy định; nhân lực; cơ sở dữ liệu; nguồn kinh phí; các yếu tố khác (nhận thức, hợp tác của các bên,…).
Đối với chính sách, quy định pháp luật cần Quy định ứng dụng HTA trong xây dựng gói quyền lợi BHYT; xây dựng nguyên tắc tiêu chí, quy trình xét duyệt, hồ sơ và ban hành dưới dạng Thông tư; xây dựng báo cáo hướng dẫn thực hiện đánh giá công nghệ y tế.
TS Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) cho biết thêm, theo kinh nghiệm quốc tế, phạm vi đánh giá công nghệ y tế gồm 3 đối tượng phổ biến nhất là thuốc, trang thiết bị y tế, can thiệp y tế khác (quy trình chuyên môn kỹ thuật, chương trình y tế).
Các bằng chứng đánh giá công nghệ y tế được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như lập kế hoạch, phân bổ ngân sách, xây dựng hướng dẫn thực hành lâm sàng, mua sắm thuốc, đàm phán giá thuốc…
Theo bà, hoạt động đánh giá công nghệ y tế cần được thể chế hóa là yếu tố quan trọng nhất. Trong đó yêu cầu sử dụng đánh giá công nghệ y tế trong ra quyết định chính sách về quyền lợi, chi trả BHYT. Theo đó cần có hội đồng cấp quốc gia, cấp bộ về đánh giá công nghệ y tế.