Hà Nội

Đánh dấu vết lũ tại các điểm bị ngập sâu, lũ lịch sử

15-10-2020 18:47 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 15/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông và tình hình mưa lũ do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì.

Các tỉnh miền Trung hiện đang tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo tại các công điện của Thủ tướng và Ban chỉ đạo. Tiếp tục công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người chết, người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất. Rà soát, đánh giá thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ.

Đồng thời, triển khai đánh dấu vết lũ tại các điểm bị ngập sâu, lũ lịch sử. Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát việc vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương và Vu Gia - Thu Bồn.

Khắc phục 2 đoạn còn ách tắc giao thông tại nhánh Tây đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 49 vào Thừa Thiên - Huế (các quốc lộ khác và đường sắt đã thông tuyến).

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực còn bị ngập sâu và kể cả người dân ở vùng lũ đã rút, tránh tâm lý chủ quan.

Ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông và tình hình mưa lũ.

Ban chỉ đạo Trung ương cũng yêu cầu triển khai ngay các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới. Tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn tàu thuyền trên biển di chuyển trú, tránh áp thấp nhiệt đới và tại các khu neo đậu, tránh để lặp lại các sự cố về tàu, thuyền những ngày vừa qua, đặc biệt lưu ý tàu vận tải, neo đậu nơi cửa sông khi có lũ.

Cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, khi bão vào không được để người trên tàu. Kiểm tra khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở, lũ quét kể cả các khu đô thị (như Khánh Hòa, Bình Định). Kiểm tra chuẩn bị các phương án, biện pháp ứng phó với mưa, lũ lớn tại các khu vực Trung Trung bộ, đặc biệt là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt mưa lũ vừa qua.

Ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão

Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã cử 02 đoàn công tác chỉ đạo hiện trường ứng phó với bão tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 31.096 tàu cá/115.607 LĐ và 759 tàu vận tải di chuyển tránh trú; 07 tỉnh từ Quảng Ninh – Nghệ An đã thực hiện cấm biển; 04 tỉnh/TP từ Hải Phòng đến Ninh Bình đã sơ tán 8.748 người trên lồng bè, chòi canh, nhà yếu đến nơi an toàn; thu hoạch 18.299 ha lúa.

Ban chỉ đạo Trung ương đề nghị các địa phương ở miền Bắc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa. Điều hành hệ thống hồ chứa, nhất là 4 hồ chứa lớn: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Thu hoạch lúa đã chín, tiếp tục tiêu nước đệm đề phòng mưa lớn…

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 16/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 360km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ).

Đến chiều ngày 17/10 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Trung Bộ. Bão có khả năng gây mưa lớn cho các tỉnh Trung Bộ, khu vực vừa xảy ra lũ lớn.


L.Nguyên
Ý kiến của bạn