Đây được cho là cuộc khủng hoảng lớn nhất của Apple từ trước đến nay. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ngay lập tức vào cuộc và xác nhận họ đang truy tìm kẻ phát tán hình ảnh bôi nhọ cá nhân, được xem là một tội ác không thể dung thứ.
FBI cho biết, phải xác minh lại thông tin iCloud đã bị tấn công như thế nào vì đây không chỉ là trường hợp của hơn 100 nhân vật nổi tiếng mà còn liên quan đến hàng triệu khách hàng khác của Apple. Không phải lần đầu tiên FBI vào cuộc truy tìm kẻ âm mưu và thực hiện hành vi phá hoại hình tượng những ngôi sao tiếng tăm. Nữ diễn viên (DV) Scarlett Johansson, ca sĩ Christina Aguilera, vợ chồng ca sĩ Jay Z và Beyonce, nam DV Mel Gibson, Ashton Kutcher cũng từng nhờ đến FBI “sờ gáy” và khởi tố bọn trộm “xấu xí” này.
Ở vụ việc lần này, các chuyên viên bảo mật xác định hai nhân vật có liên quan. Một trong số đó là kỹ sư phần mềm Bryan Hamade (26 tuổi). Hamade nói, mình đã phát hiện hàng loạt ảnh của những người nổi tiếng trên mạng và rao bán chúng bằng đồng tiền điện tử bitcoin trên diễn đàn 4chan.
Hamade khẳng định mình không đánh cắp chúng từ tài khoản của những “sao” trên. “Tôi đã không ngủ suốt gần 40 giờ qua. Tôi nhận các cuộc gọi và thư hăm dọa sẽ tấn công tất cả tài khoản cá nhân. Họ còn nói sẽ tấn công thông tin riêng tư của mẹ tôi nữa. Quả thật tôi đang trải qua ác mộng. Tôi quá ngu ngốc và hối hận lắm rồi khi nghĩ mình có thể kiếm tiền bằng cách xấu hổ và nhục nhã như thế”.
Một nhân vật khác có tên tài khoản là “Original Guy” cũng có hành vi tương tự. Người này chia sẻ trên diễn đàn 4chan rằng mình chỉ được 120 USD khi bán một số trong hàng trăm tấm ảnh nhạy cảm. “Original Guy” còn cho biết, có lẽ mình đang bị theo dõi và cần tạm ngưng hoạt động. Hiện cơ quan chức năng Mỹ vẫn điều tra danh tính của nhân vật thứ hai này.
Nữ DV đoạt giải Oscar Jennifer Lawrence cũng có trong danh sách nạn nhân. Ngay sau khi hình ảnh riêng tư bị phát tán, nữ DV 24 tuổi đã liên hệ với cơ quan chức năng ở Mỹ và khẳng định cô sẽ đề nghị truy tố bất cứ ai đánh cắp cũng như phát tán ảnh của mình. Siêu mẫu Kate Upton, được tạp chí Elle hai năm liên tiếp phong tặng danh hiệu “Người phụ nữ đẹp nhất thế giới” cũng phản ứng quyết liệt: “Chúng tôi sẽ kiện bất cứ ai góp tay vào hành động dơ bẩn, bao gồm cả sao chép và phát tán ảnh của tôi”.
Truyền thông thế giới đã góp phần không nhỏ định hướng được dư luận trong việc đánh giá bản chất của vụ việc, nhằm giảm tối đa việc phát tán trên cộng đồng mạng. Trang Twitter chủ động đăng dòng thông báo khi bất cứ ai cố ý phát tán hình ảnh nhạy cảm của các sao bị rò rỉ: “Bạn không có quyền đăng bất cứ thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác mà không có sự đồng ý của cá nhân người ấy hoặc chính quyền”.
Phóng viên tự do Clementine Ford của Australia là một trong những người có bài viết sắc bén để kêu gọi mọi người có hành vi đúng đắn trước vụ việc. Cô cho rằng, đây không đơn giản là một cuộc khủng hoảng của ngành giải trí mà phải gọi đúng tên là “tội ác”, là sự xâm phạm thô bạo đến hình ảnh, danh dự của hàng loạt cá nhân.
Clementine Ford cho rằng, người có lỗi, đáng bị xã hội chỉ trích không phải nạn nhân mà là tất cả ai có hành vi tiếp tay, phát tán hình ảnh. Cô gọi, chính hành vi nhấp chuột vào xem hình, xét cho cùng, cũng là ác không kém vì đó không khác gì sự đồng lõa.
Vụ việc trên lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo với mọi người trong việc quản lý hình ảnh cá nhân. Nhà nghiên cứu về an ninh mạng Ken Westin cho biết: “Một khi tải hình ảnh riêng tư lên các dịch vụ mạng, ứng dụng miễn phí thì chúng ta khó kiểm soát được chúng sẽ thuộc về ai”.