Dành cả tuổi thanh xuân cho nghiệp Quần đùi áo số

25-01-2020 15:36 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - 2019 vừa qua là năm thành công rực rỡ của bóng đá Việt Nam ở cấp độ đội tuyển cả nam và nữ.

Nhìn các cô gái thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, lăn xả và thậm chí rớm máu trên sân cỏ SEA Games 30, cùng những giọt nước mắt chảy dài vì hạnh phúc chiến thắng... đã chạm đến sâu thẳm trái tim người hâm mộ. Để có được thành công và vinh quang ấy, các cô gái đã dành cả thanh xuân cho trái bóng tròn.

Đội tuyển nữ Việt Nam lần thứ 6 vô địch SEA Games.

Đội tuyển nữ Việt Nam lần thứ 6 vô địch SEA Games.

“Em chỉ được chứ không mất”

Trong đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam những năm trở lại đây, hình ảnh một cô gái đeo băng đội trưởng, vóc dáng mảnh khảnh, với chiếc băng-đô trên đầu mỗi khi ra sân đã trở nên quen thuộc với người hâm mộ. Đó chính là Cù Thị Huỳnh Như, nữ tiền đạo chủ lực của tuyển Việt Nam hội tụ nhiều phẩm chất: tốc độ, khéo léo, mạnh mẽ, thông minh và cả xinh đẹp. Kỹ thuật, nhãn quan chiến thuật tốt và khả năng di chuyển thông minh, chọn vị trí chính xác là những điểm mạnh của thủ quân tuyển nữ Việt Nam. Thi đấu ở vị trí tiền đạo, Huỳnh Như cho thấy khả năng săn bàn tuyệt vời từ các pha bứt tốc, đột phá kỹ thuật cá nhân, băng cắt, đánh đầu... Đâu chỉ có thế, cô còn cho thấy thái độ ung dung, thong dong mỗi khi bóng đến để biến sự thất thế thành lợi thế cho mình và đồng đội. Nhìn cách chơi bóng trên sân cỏ của nữ tiền đạo này, giới mộ điệu như thấy một “nghệ sĩ” đang phiêu cùng trái bóng tròn.

Quả bóng Vàng nữ 2016 cho biết, cô yêu bóng đá và đến với bóng đá từ ngày học lớp 5. Ngày nhỏ vì không có sân đá bóng, Huỳnh Như cùng bạn bè biến khu chợ quê gần nhà mình ở thành sân bóng và các sạp trong chợ hóa khung thành. Những “trận đấu” ngày ấy đầy ắp niềm vui, trở thành kỷ niệm tuổi ấu thơ đẹp đẽ luôn được Huỳnh Như mang theo trong hành trình của cuộc đời. “Em đến với bóng đá sớm,  nhưng thi đấu chuyên nghiệp từ lúc 17 tuổi” - Huỳnh Như cho biết. Cũng từ đó, bảng vàng thành tích của cô gái sinh ra và lớn lên ở tỉnh Trà Vinh dày dặn theo năm tháng. Nổi bật phải kể đến HCV SEA Games 2017 và 2019, chức vô địch AFF Cup 2019 cùng nhiều giải thưởng cá nhân khác ở cấp độ đội tuyển quốc gia và CLB TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, Huỳnh Như đang là sinh viên năm thứ 4 Khoa Giáo dục thể chất - Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

Chăm chỉ và tài năng, tròn 10 năm trước, Huỳnh Như được lựa chọn và thi đấu ở CLB bóng đá nữ TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù thể hình nhỏ con với chiều cao 1m58, song Huỳnh Như lại chơi nổi bật, luôn thi đấu bùng nổ và là chân sút chủ lực khi ghi được nhiều bàn thắng quan trọng. Đó là khoảnh khắc Huỳnh Như ra chân đầy tinh tế trong vòng vây của đối thủ, ghi bàn thắng duy nhất trận chung kết AFF Cup nữ 2019, giúp Việt Nam hạ tuyển nữ Thái Lan ngay tại “xứ Chùa Vàng”. Ít ai biết rằng, trận đấu ấy Huỳnh Như chưa hoàn toàn bình phục chấn thương cơ mông, nhưng trong khí quản cô gái Trà Vinh tuôn trào khát khao chiến thắng, và vì thành tích chung nên đội trưởng tuyển nữ Việt Nam đã nén đau xỏ giầy vào sân, xuất sắc lập công làm nức lòng giới mộ điệu.

Huỳnh Như ( áo trắng)

Huỳnh Như ( áo trắng)

Hơn một thập niên theo nghiệp quần đùi áo số, thanh xuân dần trôi qua, nhan sắc ít nhiều giảm sút, nhưng khi hỏi “Huỳnh Như được gì, mất gì khi theo đá bóng?”, nhà vô địch AFF 2019 trả lời quyết đoán: “Em chỉ được chứ không mất. Đó là được chơi bóng mỗi ngày, được sống trọn vẹn với đam mê. Mỗi lần tập trung đội tuyển cho em những cảm xúc riêng, nhưng em vui nhất là toàn đội luôn đoàn kết và yêu thương nhau. Mỗi ngày trôi qua cùng các bạn đều là kỷ niệm đẹp nhất”. Khi các giải đấu kết thúc, ngoài thời gian tập luyện thì Huỳnh Như dành thời gian bên gia đình hoặc có thể đi phượt. Đã có lần cô một mình bắt xe vi vu đến Ninh Thuận, Buôn Mê Thuột... để có thêm những trải nghiệm và khám phá những vùng đất mới.

Nếu trên sân cỏ Huỳnh Như mạnh mẽ và tài năng thì khi xa trái bóng, cô là một người nữ tính, vô tư như bao cô gái khác. Cô thường thư giãn bằng việc chơi đàn mặc dù “em đàn rất là dở”. Bạn bè cùng trang lứa hầu hết đã lập gia đình, hoặc đã có con nhỏ nhưng Huỳnh Như lúc này, buồn vui với cô cũng đều xoay quanh bóng đá. Có lúc “nhạc trưởng” tuyển nữ Việt Nam nghĩ đến chuyện tình cảm nhưng vì còn nhiều việc phải làm, “bản thân suốt ngày đi đá bóng nên em... không vội”.

“Lá cờ Tổ quốc ở trong tim không cho phép em chùn bước”

Người em và cũng là đồng đội của Huỳnh Như trong đội tuyển quốc gia, CLB là Chương Thị Kiều. Sinh năm 1995 và lớn lên ở Gò Quao (tỉnh Kiên Giang), Kiều là người dân tộc Khmer. Năm nay 25 tuổi và có hơn 8 năm theo nghiệp “quần đùi áo số”, chừng ấy thời gian đã giúp Chương Thị Kiều tạo lập được nhiều thành tích đáng nể, trở thành niềm tự hào của ba mẹ và vùng quê Gò Quao xa xôi cực Tây của Tổ quốc. Hai lần cùng đồng đội vô địch AFF Cup (2012, 2019), 2 Huy chương Vàng SEA Games (2017, 2019) và nhiều giải thưởng cá nhân khác đã phần nào cho thấy Chương Thị Kiều là nữ cầu thủ “không phải dạng vừa đâu”.

Là con út trong gia đình có 3 anh chị em, cô gái trẻ người Khmer rời miền quê sông nước, xa ba mẹ và bắt đầu hành trình với trái bóng tròn khi mới 11 tuổi. Không lâu sau đó, Chương Thị Kiều đã được gia nhập đội nữ TP. Hồ Chí Minh và có tên trong đội hình thi đấu. Tiếp xúc sớm với bóng đá chuyên nghiệp, lại chăm luyện tập và sẵn có năng khiếu, Chương Thị Kiều đã có những bước tiến thần tốc. Ngay lần đầu “chào sân” quốc tế trong màu áo đội tuyển Quốc gia, cô gái trẻ người Khmer đã cùng đồng đội đăng quang AFF Cup đầy ấn tượng. Tưởng chừng con đường sẽ trải đầy hoa hồng thì biến cố ập đến, trong  một pha va chạm với tiền đạo đối phương tại vòng loại U19 châu Á năm 2012, Chương Thị Kiều đã bị đứt dây chằng chéo trước kèm theo vỡ sụn. Chấn thương này được đánh giá rất nghiêm trọng, Kiều phải phẫu thuật và có thể khiến cô bé tuổi 17 phải từ giã sân cỏ.

Tình yêu lớn với trái bóng tròn cùng niềm tin, tích cực điều trị và được sự động viên, quan tâm của gia đình và đồng đội, Chương Thị Kiều đã vượt qua chấn thương ấy để trở lại sân cỏ vào cuối tháng 5/2013. Kiều xỏ giầy để lấy lại cảm giác chơi bóng song kỳ diệu hơn, dù xa sân cỏ thời gian dài nhưng cô vẫn giữ được những tố chất, tài năng của mình. Khoác áo Đội tuyển Quốc gia với lá cờ đỏ sao vàng trước ngực, Chương Thị Kiều trở thành nữ trung vệ được ví như “lá chắn thép” khiến đối phương khó có thể khoan thủng. Cách chơi bóng của Chương Thị Kiều toát lên phẩm chất của một cầu thủ dùng đầu óc, khả năng phán đoán, nền tảng kỹ thuật, không ngại va chạm và tinh thần thi đấu nhiệt huyết. Minh chứng cụ thể nhất, trong trận chung kết SEA Games 30 với các cầu thủ nữ Thái Lan có thể hình tốt hơn, đá rát, dù bị xước mảng lớn ở chân trái đến ứa máu, nhưng Kiều vẫn nén đau để sát cánh cùng đồng đội, thi đấu lăn xả, ngăn chặn hầu hết các tình huống lên bóng đối thủ tạo ra. “Lúc đó em rất đau nhưng lá cờ Tổ quốc ở trong tim không cho phép em chùn bước” - Chương Thị Kiều tâm sự.

Theo nghiệp quần đùi áo số nên cô có rất ít thời gian về thăm gia đình, mỗi năm chỉ về với ba mẹ được khoảng 2 - 3 lần. Những khi ấy Kiều lại quấn quýt bên ba mẹ, người thân để bù lại những tháng ngày xa cách. Mong muốn ba mẹ có điều kiện sống tốt hơn, Chương Thị Kiều đã tích cóp, chi tiêu tiết kiệm để dành tiền làm một ngôi nhà mới cho ba mẹ. Dù không nói thành lời nhưng cũng đủ hiểu, đó là sự báo hiếu và tỏ lòng biết ơn với bậc sinh thành của cô gái trẻ người Khmer.

Chia sẻ mong ước nơi sân cỏ khi mùa xuân đã tràn ngập nơi nơi, Tết Canh Tý đã len lỏi vào từng nếp nhà, Chương Thị Kiều cười hiền: “Nếu được tin tưởng lựa chọn, em vẫn sẽ cháy hết mình trong các trận đấu, sẽ cống hiến hết thanh xuân cho bóng đá Việt Nam. Em và đồng đội sẽ cố gắng góp mặt ở Olympic Tokyo 2020, hiện thực hóa giấc mơ World Cup nữ trong tương lai gần để đáp lại sự kỳ vọng của người hâm mộ nước nhà”.


Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn