"Hãy chung sức cứu lấy đại dương"
Đó là dòng chia sẻ từ đáy lòng mình mà huấn luyện viên Nguyễn Văn Đức gửi kèm theo phần 1 của bài viết này trên Báo Sức khỏe và Đời sống đến những người đã, đang và sẽ đồng hành với anh.
Giữa những trận mưa gió ầm ào, phía biển cuồn cuộn những dòng sóng dữ, ánh mắt Nguyễn Văn Đức lại như suy tư, ngẫm nghĩ nhiều điều. Anh thổ lộ rằng: "Việc mình làm cũng nhỏ thôi, vì cái chung mà. Chỉ mong qua đi những ngày tháng mưa gió bập bùng này để lại ngụp lặn, lăn lộn nhặt rác. Mình rất trân trọng nhiều bạn đầy nhiệt huyết cũng đang làm những việc thầm lặng để lan tỏa thông điệp vì môi trường biển. Có thể kể ra như: Quý Phạm và các bạn nước ngoài Matthew, Jeremy, Michael...".
Ấn tượng buồn nhất với những người mê nhặt rác ở biển cũng chính là mùa mưa. Thời tiết bất thường sẽ không nhặt được nhiều rác. "Nhưng rồi, qua đi ngày bão gió, sẽ sang mùa xuân, mùa hè thật yên bình, thời điểm lý tưởng để khu rạn san hô, các khu vực đáy biển sinh động, kỳ diệu được nghỉ ngơi và hồi sinh trở lại" - Anh Nguyễn Văn Đức tự tin.
Năm tháng cần mẫn cùng bạn bè lặn biển nhặt rác, anh Đức cũng nghiệm ra rằng: "Có vô vàn loài vật có thực mà nhìn vào người ta cứ nghĩ là tranh vẽ hay chỉ có ở phim ảnh. Nhưng thực tế những loài ấy vẫn bình yên, sinh sôi ở các vùng biển không có ô nhiễm. Điển hình như loài cá ếch. Cá này là bậc thầy về ngụy trang, chúng sử dụng nhiều kiểu ngụy trang khác nhau để lẩn trốn kẻ săn mồi. Chúng cũng có thể thay đổi màu sắc để hòa hợp với môi trường. Cá ếch còn có một thủ thuật khác khi sử dụng chiếc vây nhỏ trên đầu đưa về phía trước để bảo vệ mình và nhử mồi…".
Hành động của huấn luyện viên Nguyễn Văn Đức như một mạch nguồn mát lành. Một trong những người yêu thích thiên nhiên, mê tuyên truyền bảo vệ môi trường biển là chị Xuân Dịu. Sau khi đọc bài về anh Đức trên Báo Sức khỏe và Đời sống, chị đã thổ lộ: "Những hình ảnh về cuộc sống dưới đại dương được anh Đức ghi lại thật tuyệt đẹp. Đó là những chú sên biển, những con cá hề, rạn san hô đầy màu sắc… Trong quá trình dạy lặn anh Đức thấu hiểu hơn ai hết nhiều chai nhựa, ni-lon, lưới hoặc phế phẩm có nguy cơ gây hại cho hệ sinh thái biển. Anh luôn nhắc nhở, miệt mài kêu gọi mọi người hãy cố gắng nhặt rác mang lên bởi đó là nguồn đe dọa đến sự sống của những rạn san hô và sinh vật biển đáng yêu, vô tội.
Một anh Đức thì nhỏ nhưng thêm nhiều người như anh Đức sẽ tạo ra thay đổi đúng nghĩa, giúp ích cho đại dương. Hãy thay đổi thói quen xả rác và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường để biển Việt Nam được mãi bền vững…"
Lan tỏa rộng rãi việc nhặt rác
Ở vùng biển mênh mông của Khánh Hòa còn có một cặp đôi đặc biệt "mê rác" đó là Trịnh Đại Minh Anh và Đào Thị Long (ở Vạn Giã, Vạn Ninh, Khánh Hòa).
Một lần ra khu vực Điệp Sơn (Vạn Ninh) chị Long và Minh Anh không khỏi ngỡ ngàng thấy giữa những hòn đảo lại có con đường nổi lên giữa đại dương (con đường giữa biển) khi nước rút xuống thấp nhất. Nhưng chính lúc con đường nổi lên cũng là sự phơi bày đủ thứ rác nhựa bám nơi đáy biển. Ý tưởng phải nhặt bằng hết các loại rác này lóe lên và hai người quyết tâm thực hiện.
Nghĩ là làm, gần 7 năm trước, hai người khăn gói từ TP. Nha Trang ra đảo Điệp Sơn thuê đất sinh sống và nhặt rác. Anh Minh Anh chia sẻ: "Môi trường sinh thái ở đây rất tốt. Con đường giữa đại dương kia, một ngày chỉ nổi lên một lần. Đó là cơ hội để chúng ta có thể chạy trên nền đáy biển cũng là lời cảnh báo đừng xả rác nữa. Bởi có những hôm, lớp rác dày cộm bám trên con đường giữa biển, vợ chồng tôi phải thuê thêm nhiều người nữa cào lên hàng tấn rác. Lẫn trong đó là nhiều xác các loài vật quý chết thảm. Rất xót xa".
Khao khát muốn cải tạo nơi đây thành điểm thăm quan sinh thái đặc biệt, sau bao ngày chật vật, vợ chồng anh Minh Anh đã gom nhặt được một "núi rác thải" từ đại dương. Nhìn khối lượng rác tích lại từ nhiều năm, chị Đào Thị Long tâm tình: "Do điều kiện ở đảo nên rác được chúng tôi tập kết lên các bãi đá cao, nước biển không bao giờ lan tới. Loại rác nào độc hại thì nghiên cứu xử lý, loại nào không độc hại thì phủ ít đất lên trồng hoa giấy và cỏ cây thích hợp. Mê công việc này nên mỗi khi nghĩ đến những người vì đại dương như huấn luyện viên Nguyễn Văn Đức chúng tôi thấy cần cố gắng thêm nữa".
Vác những bao tải rác từ đại dương đến chai sần đôi vai, vợ chồng Trịnh Đại Minh Anh mua thêm vài chiếc xe máy cà tàng để thồ rác. Nhưng thời tiết ngoài đảo khắc nghiệt, xe dở chứng liên tục. Anh Minh Anh bộc bạch: "Cứ nước rút đến đâu mình "thần tốc" cào, bốc… rác bám đáy biển đến đó, đưa vào bờ. Sau đó dùng xe máy chuyên chở đến điểm tập kết để phân loại, xử lý. Gió biển mang theo hơi mặn, xe sơn cỡ nào cũng chỉ được mấy tháng là bị ăn mòn, gỉ sét".
Không chỉ nhặt rác bám nơi đáy biển khi nước rút mà rác dạt vào phía bờ, nổi lềnh phềnh trên mặt nước cũng được vợ chồng Minh Anh cần mẫn gom nhặt. "Rất nhiều khách ở đô thị ra thăm đảo Điệp Sơn, đảo Phật Nằm… thấy hành động của chúng tôi họ cũng sắn tay xông vào nhặt rác thải luôn. Có hôm vài chục người cùng nhặt rất rôm rả và cảm nhận trực tiếp được tác hại của rác với đại dương" - Trịnh Đại Minh Anh tâm tình.
Nhặt rác, giảm rác, giảm nguy cơ bệnh tật
Rác thải nói chung, rác thác nhựa nói riêng không chỉ gây nên sự tàn phá đối với môi trường sống, vạn vật ở đại dương mà còn dẫn đến nguy cơ bệnh tật với những người dân sống ở các vùng ven biển, các làng chài.
Thấu hiểu điều này, từ những con người say mê nhặt rác đại dương, nhiều vùng ven biển ở Khánh Hòa cũng hình thành thói quen làm cho "biển sạch, nhà sạch thì người khỏe".
Điển hình như thôn Bá Hà 1 (Ninh Thủy, Ninh Hòa, Khánh Hòa) hàng loạt ngư dân, nhất là lớp trẻ đều nuôi dưỡng bầu nhiệt huyết nhặt rác thải, làm sạch môi trường. Cả thôn Bá Hà 1, phần lớn gắn với nghề đi biển nên bảo vệ môi trường biển còn là trách nhiệm của mỗi người. Để một mẫu chất thải rớt xuống biển cũng áy náy không yên.
Nhìn những bãi cát nối tiếp nhau sạch đẹp trong nắng chiều, nhiều ngư dân nơi đây cho biết: Trước kia vẫn có người xả rác, chất thải. Nhưng rồi, có những trận bão, biển cuồng nộ, nước dâng cao, chính chất thải, rác thải nhựa mình đổ ra lại trôi ngược về thôn hoặc các thôn lân cận. Nguy cơ bệnh tật phát sinh khi biển ô nhiễm. Từ đó, người nọ nói với người kia giữ cho biển sạch nhất có thể. Ai có nhiều thời gian thì nhặt rác nhiều, ai có ít thì nhặt ít, không tị nạnh.
Không chỉ các ngư dân, thanh niên mà các cấp Hội phụ nữ ở thị xã Ninh Hòa còn đẩy mạnh việc làm sạch biển, xóa bỏ rác thải nhựa thành các phong trào ở địa phương. Những mô hình "Làng chài không rác" hay các câu lạc bộ, đội/nhóm thanh niên dọn rác rất đáng được nhân rộng và khuyến khích vì xưa nay, ô nhiễm ở các làng chài vẫn là bài toán khó giải nên cần chung tay của nhiều người.
Con đường giữa biển ở Điệp Sơn