Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật chấn thương chung, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận điều trị cho nam bệnh nhân 45 tuổi, gặp chấn thương khi đánh bóng chuyền. Sau chấn thương, bệnh nhân nhận thấy khả năng kiễng lên để đánh bóng chân trái yếu hơn, nhưng không đi khám và điều trị.
Một thời gian sau thấy tình trạng không đỡ, bệnh nhân mới vào viện, được các bác sĩ chẩn đoán đứt gân Achilles đến muộn. Ngay lập tức, người bệnh được chỉ định phẫu thuật. Trong mổ, sau khi cắt lọc hết, 2 đầu co rút 3cm, bệnh nhân được phẫu thuật nối gân Achilles trực tiếp.
Hiện sau phẫu thuật 4 ngày, vết mổ khô, bệnh nhân ổn định và được ra viện.
Theo BS. Lê Mạnh Sơn - Trưởng Khoa Phẫu thuật chấn thương chung cho biết, đứt gân Achilles được chia làm 4 mức độ dựa vào độ rộng của vết rách và sự co rút của gân. Mức độ 1 là rách bán phần <= 50%, thường điều trị bảo tồn; mức độ 2 là rách toàn phần, co rút gân <=3cm; mức độ 3 là rách toàn phần, co rút từ 3-6cm, thường phẫu thuật bằng V-Y, hoặc chuyển gân; ở mức độ 4 là rách toàn phần và co rút >6cm, thường ghép gân.
Dựa theo thời gian thì đứt gân Achilles được chia làm 2 loại là đứt gân Achilles mới < 6 tuần và đứt gân Achilles cũ > 6 tuần.
BS. Sơn khuyến cáo, nhiều người bệnh đến bệnh viện muộn sau 1 khoảng thời gian chấn thương. Điều này gây ra không ít khó khăn đối với phẫu thuật viên khi tiến hành phẫu thuật. Chấn thương thể thao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ trở thành mạn tính, khó phục hồi. Khi gặp chấn thương hoặc có các dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến ngay cơ sở chuyên khoa uy tín để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Thành Công Ghép Ngón Tay Cái Từ Ngón Chân Cho Bệnh Nhân Bị Tai Nạn Lao Động I SKĐS