Đảng viên có phải là quần chúng nhân dân?

18-02-2012 09:34 | Văn hóa – Giải trí
google news

Có một thuật ngữ “đảng viên và quần chúng nhân dân” thường được sử dụng khiến tôi băn khoăn.

Có một thuật ngữ “đảng viên và quần chúng nhân dân” thường được sử dụng khiến tôi băn khoăn.

Trước hết là chữ “và” (hoặc dấu phẩy) nằm giữa đã tách đảng viên với quần chúng nhân dân ra làm hai vế, nghĩa là quần chúng nhân dân thì không phải là đảng viên và đảng viên thì không phải là quần chúng nhân dân. (Cũng như “bát và đũa”, “bát, đũa” là hai khái niệm độc lập nhưng “bát đũa” lại là một khái niệm chung chỉ phương tiện để ăn). Vậy những việc như “quần chúng nhân dân phát hiện, tố giác tội phạm” hay sự ủng hộ của “quần chúng nhân dân” trước chính sách của Nhà nước hay “Quần chúng nhân dân tham gia  phong trào xanh sạch đẹp của thành phố” chẳng hạn lại toàn là người ngoài Đảng và không có đảng viên tham gia?

Đấy là góc độ ngôn ngữ. Nhìn ở góc độ hành chính thì “đảng viên” cũng như “đoàn viên”, “đội viên”, “hội viên”, “xã viên”… là những người đứng trong một tổ chức cụ thể còn “quần chúng nhân dân” là khái niệm đông đảo nhân dân vậy không lẽ đảng viên không nằm trong đông đảo quần chúng nhân dân?

Thực ra, “đảng viên” cũng là bộ phận của “quần chúng nhân dân” thì sự nghiệp của Đảng, mục tiêu của Đảng mới có thể là sự nghiệp do dân, vì dân, của dân được chứ. Hình như có sự nhầm lẫn giữa “Đảng lãnh đạo” với “đảng viên là lãnh đạo” nên có khái niệm này chăng. Đảng là một tổ chức tiên phong lãnh đạo nhân dân có cương lĩnh, đường lối rõ ràng, còn đảng viên là cá nhân quần chúng nhân dân đứng trong tổ chức Đảng, nếu có chức vụ thì là người đại diện cho Đảng trong từng lĩnh vực cụ thể để thực hiện đường lối, cương lĩnh, lý tưởng của tổ chức Đảng.
 
Trong lịch sử, Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh là phong trào của quần chúng nhân dân nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Đảng (chứ không phải của “đảng viên”). Và trong quần chúng nổi dậy của Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh rõ ràng là có nông dân, công nhân và đảng viên! Khi nói “Đảng và dân” là đúng bởi hai vế này chỉ rõ đối tượng “tổ chức” đứng ra gánh vác sứ mệnh lãnh đạo và đối tượng những người được lãnh đạo. Nhưng khi nói “Đảng viên và quần chúng nhân dân” thiết nghĩ nên xem lại chăng bởi thành viên một tổ chức không phải là một tổ chức.
 
Hơn nữa, tách đảng viên ra khỏi quần chúng nhân dân dù chỉ trong thói quen ngôn ngữ cũng dễ gây hiểu lầm khiến một số đảng viên có chức quyền ngộ nhận mình là đối tượng không phải dân, có thể sống khác dân, trên dân và từ đó có thể quên mất nguyên tắc Đảng, quên mất luật pháp chỉ biết mình như không ít trường hợp bị xử lý mà tiêu biểu gần đây nhất là một số đảng viên có chức vụ ở huyện Tiên Lãng, ở xã Vinh Quang (Hải Phòng) quên dân, tưởng mình không phải là dân nên hành động bừa bãi, nói năng bất nhất, tùy tiện,…

Mỗi một người có nhiều vị trí khác nhau được gọi danh xưng theo nhiều góc độ khác nhau. Gọi ông A từ góc độ có tác phẩm văn học là nhà văn nhưng vẫn ông A ấy đi xe máy thì là người tham gia giao thông và ông ấy công tác ở bệnh viện thì gọi là thầy thuốc. Đảng viên cũng vậy, khi bà B dù chỉ là một công nhân vào Đảng thì là đảng viên nhưng bà B ấy tham gia bắt trộm cướp cùng cộng đồng ở khối phố thì đấy là quần chúng nhân dân truy bắt tội phạm chứ đâu cần phải nói cho tách bạch là đảng viên và quần chúng nhân dân truy bắt tội phạm.

Khái niệm tách bạch “đảng viên” và “quần chúng nhân dân” không chỉ đơn thuần là vấn đề ngôn ngữ bởi ngôn ngữ là sản phẩm của  tư duy, nhận thức. Có thể cách nói “đảng viên và quần chúng nhân dân” chỉ là một thói quen nhưng thói quen chưa đúng không sửa, để lâu sẽ thành một nếp nghĩ trong xã hội dễ thành nguy cơ khiến Đảng và dân dần xa nhau khi mà đảng viên của Đảng không còn là dân. Hơn nữa, trong bất cứ  một quốc gia nào cũng chỉ có những nhà lãnh đạo đất nước và nhân dân, mọi quần chúng nhân dân đều bình đẳng, thành một khối sao có thể phân biệt nhóm công dân này và nhóm công dân kia…

Lê Quý Hiền


Ý kiến của bạn