Trên thực tế, cân bằng độ pH đóng vai trò thiết yếu đối với sức khỏe tổng thể của âm đạo. Khi độ pH âm đạo giảm, chị em sẽ nhận thấy mùi khó chịu hoặc thậm chí hơi ngứa, đó có thể là dấu hiệu cho thấy nhiễm trùng nấm men hoặc viêm âm đạo do vi khuẩn xâm nhập.
1. Nồng độ pH âm đạo là gì?
Theo ThS. BSCKII. Diêm Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa khám sản tự nguyện - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Nồng độ pH là nồng độ ion H+ ở trong một môi trường nhất định. Nồng độ pH quy định hằng định nội môi trong cơ thể mang tính acid hay bazơ (toan hay kiềm). Nếu nồng độ pH cao đồng nghĩa với môi trường có tính acid, và ngược lại nồng độ pH thấp thì môi trường có tính bazơ cao hơn.
BS. Thủy cho biết: Nồng độ pH quy định hằng định nội môi của 1 cơ quan trong cơ thể. Ví dụ như pH của máu hằng định là 7,4 và có rất ít chênh lệch. Mức độ pH tiêu chuẩn nhất trong âm đạo là khoảng 3,8-4,5. Độ pH âm đạo hằng định là pH acid để đảm bảo vấn đề chuyển hóa và bảo vệ cơ thể.
2. Tại sao cân bằng pH âm đạo lại quan trọng với sức khỏe phụ nữ?
BS Diêm Thị Thanh Thủy cho biết: Độ pH cân bằng làm cho môi trường âm đạo có tính acid. Trong âm đạo có những vi khuẩn có lợi giúp chuyển hóa glycogen thành acid lactic làm cho môi trường âm đạo luôn giữ được tính acid. Bất cứ khi nào môi trường âm đạo vượt qua mức 3,8-4,5 thì các vi khuẩn xấu (tồn tại sẵn trong âm đạo) sẽ phát triển. Khi mất cân bằng pH thì vi khuẩn có lợi không sinh sôi được và mất acid lactic. Môi trường âm đạo khỏe mạnh sẽ chống lại viêm nhiễm rất tốt.
Nói chung, độ cân bằng pH âm đạo chạy trên thang điểm từ 0-7. Độ pH hơi acid này cho phép âm đạo của bạn chống lại nhiễm trùng một cách tự nhiên. Nhưng nếu sự cân bằng mỏng manh của độ pH của bạn bị nghiêng theo bất kỳ hướng nào, vi khuẩn không lành mạnh có thể phát triển gây nhiều bất lợi.
3. Các yếu tố ảnh hưởng tới pH âm đạo
Các yếu tố có thể khiến mức độ pH âm đạo trở nên mất cân bằng:
- Thời kỳ kinh nguyệt sẽ khiến cho môi trường âm đạo thay đổi do máu có pH là 7,4.
- Quan hệ tình dục: Tinh dịch có độ pH từ 7,1-8. Đó là lý do tại sao quan hệ tình dục thâm nhập thực sự có thể làm thay đổi độ pH của âm đạo và cho phép vi khuẩn xấu phát triển.
- Thuốc được kê đơn: Một số loại thuốc kháng sinh được kê đơn có thể đóng vai trò chính trong việc thay đổi nồng độ pH âm đạo. Sử dụng thuốc kháng sinh dài ngày cũng dẫn đến tình trạng mất cân bằng pH tồi tệ hơn vì chúng có xu hướng tiêu diệt tất cả vi khuẩn, kể cả vi khuẩn "tốt". Đó là một tác dụng phụ khá thường gặp của thuốc kháng sinh và là điều cần lưu ý nếu bạn bắt buộc phải dùng chúng.
4. Một số biện pháp tự nhiên tốt nhất để khôi phục cân bằng pH âm đạo
Khi nghi ngờ độ pH âm đạo thay đổi hoặc gặp phải những triệu chứng như viêm, ngứa, tiết dịch, tiểu rát, tiểu buốt hoặc những dấu hiệu viêm nhiễm âm đạo khác, việc đầu tiên là bạn nên đến cơ sở y tế hoặc bác sĩ uy tín để thăm khám cụ thể. Một số biện pháp tự nhiên được sử dụng song song với hướng điều trị của chuyên gia có thể hỗ trợ tăng tốc độ phục hồi và ngăn ngừa các vấn đề về cân bằng độ pH trong tương lai.
Cắt giảm tối đa thực phẩm chứa nhiều đường
Thực phẩm chịu trách nhiệm cho sự mất cân bằng pH âm đạo thường là những có nhiều đường. Khi bị mất cân bằng pH âm đạo, việc cắt giảm lượng đường trong chế độ ăn hàng ngày sẽ giúp cải thiện hiệu quả những khó chịu do viêm nhiễm.
Tránh thụt rửa âm đạo
Nhiều người khi thấy ngứa ngáy do viêm nhiễm thường có ý nghĩ rửa thật sạch âm hộ, âm đạo bằng mọi cách. Tuy nhiên đây là một sai lầm lớn cần tránh khi nói đến việc kiểm soát độ pH âm đạo của bạn. Việc thụt rửa quá sâu không những không có tác dụng, mà các nghiên cứu còn cho thấy điều đó càng gây mất cân bằng pH nghiêm trọng và thậm chí có thể để lại một số hậu quả lâu dài.
Cân nhắc việc bổ sung men vi sinh
Probiotic giúp duy trì độ pH âm đạo cân bằng và mức độ lành mạnh của nấm men và vi khuẩn âm đạo. Đây là một giải pháp khá đơn giản nhưng có tác dụng tốt để duy trì mức độ lành mạnh của nấm men và vi khuẩn âm đạo, cũng như cân bằng độ pH âm đạo.
Giải tỏa căng thẳng
Bạn có biết rằng căng thẳng ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của cơ thể con người bao gồm cả sức khỏe "vùng kín"? Trên thực tế, một nghiên cứu uy tín đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa mức tăng đột biến của cortisol (một loại hormone gây căng thẳng) và sự mất cân bằng pH âm đạo.
Có một số cách lành mạnh để quản lý căng thẳng nhằm ngăn chặn các hormone ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể và cả độ pH âm đạo, ví dụ như tập thể dục, đi bộ nhẹ nhàng, tập yoga, thiền tĩnh, xem một chương trình khiến bạn thích thú hoặc dành thời gian cho một sở thích cá nhân nào đó.
Xem thêm video đang được quan tâm
Chuyên gia tiết lộ những bệnh phụ khoa thường gặp ở nữ giới.