Đáng thương và đáng trách...

03-11-2018 13:48 | Y tế
google news

SKĐS - Trời se lạnh, cuối thu đầu đông, người có tuổi như tôi thường ít ngủ, cứ lan man suy nghĩ những chuyện nhân tình thế thái. Rồi nghĩ tới lớp trẻ ngày nay mà thấy lòng xót xa, buồn sâu lắng. Có một cái gì đó gặm nhấm tâm hồn lại càng cảm thấy một nỗi buồn lan tỏa thầm kín và sâu sắc.

Nhiều ngày nay, dư luận xã hội xôn xao bàn luận về trường hợp nữ sinh viên 21 tuổi ném con mới sinh qua cửa sổ tầng 31 tại một chung cư ở Linh Đàm - Hà Nội. Hầu như chẳng có một ý kiến nào cảm thông mà gần như tất cả đều phản đối, lo lắng, lên án... Cũng phải thôi, bởi hành động đó kinh khủng quá, tàn nhẫn quá, thậm chí mấy anh có tuổi như tôi bảo không dám đọc những tin về vụ này bởi nó làm đau xót tâm hồn, bởi đạo đức trong lớp trẻ bị băng hoại quá. Rồi những câu hỏi tại sao một sinh viên mới 21 tuổi mà thay người yêu xoành xoạch như thay áo, tại sao bạn trai mới của em lại không phân biệt nổi bụng phụ nữ có thai gần sinh với cái bụng béo, chính vì thế, hậu quả của sinh hoạt tình dục (với điều kiện khách quan và kiểu người như các nhân vật trong sự việc thì chắc chắn là không thể không có chuyện này) mới kích thích tử cung co bóp gây chuyển dạ, rồi trong lúc khủng hoảng hoang mang tột độ đã dẫn đến hành động tội lỗi làm chấn động dư luận.

Lớp trẻ rất cần được giáo dục về sức khỏe sinh sản.

Lớp trẻ rất cần được giáo dục về sức khỏe sinh sản.

Nhưng với một nhà giáo đã có 50 năm kinh nghiệm chuyên ngành sản khoa và chăm sóc sức khỏe sinh sản, tôi cứ day dứt và suy nghĩ mãi. Bởi gác lại những tội lỗi về mặt pháp luật mà cô gái phải trả giá cho hành động dại dột của mình thì trong tôi lại dậy lên nỗi thương cảm, xót xa cho hành động dại dột của em, là sự trăn trở về cuộc sống của em và của gia đình em sau cú “sốc” khủng hoảng này bởi đây không chỉ là nỗi đau về thể xác mà còn là sự tổn thương tinh thần lớn lao, lâu dài.

Tôi chỉ biết em qua các thông tin trên báo chí, truyền thông, trách em là sinh viên mà sao lại thiếu nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản như thế, khi không biết việc quan hệ tình dục khi mang thai đặc biệt là những động tác mạnh bạo là nguyên nhân gây sinh non. Có thể do cái thai không quá lớn cho nên mới đẻ nhanh như vậy trong nhà vệ sinh. Trách em không biết giữ gìn sức khỏe bản thân và giọt máu của mình. Trách em liều lĩnh sinh con tại nhà mà không biết “chửa cửa mả” đối diện với nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng sau sinh nếu không được chăm sóc chu đáo. Rất may là em không bị chấn thương đường sinh dục do đẻ quá nhanh hoặc đờ tử cung gây chảy máu chết người, nhưng ngoài những chấn thương tinh thần chắc chắn là em bị tổn thương về sức khỏe rất nhiều.

Và cũng vì trách em nhiều thế nên tôi lại càng thương cảm với nỗi đau tâm hồn mà em đang phải chịu đựng. Năm nay em mới 21 tuổi, cuộc sống của em mới bắt đầu, còn cả tương lai phía trước và trong những năm tháng đó, ngoài những niềm vui, nỗi buồn, sự lo toan bộn bề còn có cả nỗi ân hận, day dứt tận trong sâu thẳm tâm hồn ám ảnh và mặc cảm tội lỗi về việc làm ngày hôm nay. Người ta nói vết thương lòng sẽ thành sẹo phôi phai cùng năm tháng, nhưng với kinh nghiệm nghề nghiệp và cảm nhận của bản thân, tôi nghĩ chấn thương này sẽ đi theo em cả cuộc đời. Rồi em có an tâm mà học tập, mà làm việc và xây dựng chăm sóc gia đình em trong tương lai? Hơn lúc nào hết, giờ đây, ngoài việc của pháp lý, em rất cần nhận được sự thông cảm của mọi người và rất cần một bác sĩ tâm lý để sẻ chia và nắm bắt được những diễn biến tâm lý, phát hiện sớm những nguy cơ có thể diễn ra.

Với gia đình, tôi hoan nghênh và cảm động với lòng yêu thương con vô bờ của cha mẹ em đã không hắt hủi con dù trong thâm tâm chắc cũng mắng mỏ, trách cứ em rất nhiều. Nhưng vượt lên tất cả, họ đã dang rộng tay ôm đứa con gái tội lỗi nông cạn vào lòng, làm những việc cần thiết và nhân đạo để giảm bớt nỗi đau do con gái để lại.

Tôi lại nhớ khoảng năm 1991 -1992, tôi có giải quyết cho một cháu gái mới 13 tuổi bị “nhỡ nhàng” nên có thai (rất may là tuổi thai còn bé). Em rất sợ hãi nên chúng tôi để mẹ em bên cạnh để em an tâm dù mặt mẹ em đầy bực bội và giận dữ trách cứ. Rồi khi sợ hãi, em khóc và run lên bần bật, nước mắt giàn dụa thì bà ôm lấy con gái vừa xoa đầu con và thủ thỉ: “Mẹ đây, mẹ đây, mẹ vẫn yêu con nhiều mà, cố gắng một tí thôi con” mà ầng ậng nước mắt buồn tủi và xót xa nhưng cũng yêu thương vô bờ.

Những ồn ào rồi cũng sẽ qua đi nhưng dư chấn của con gái sẽ để lại nỗi đau gặm nhấm trong lòng họ. Những mặc cảm xấu hổ với họ mạc hàng xóm âm ỉ trong lòng cũng là một yếu tố làm giảm chất lượng sống của họ và giúp cho những bệnh tật có thể khởi phát hoặc nặng lên. Giờ đây, họ cần được thông cảm, được động viên an ủi sẻ chia để vơi đi nỗi đau. Cần có những bác sĩ tâm lý hoặc những người công tác xã hội giải thích, tư vấn giúp cha mẹ em có thể không phải đối diện với những nguy cơ bệnh tật của tuổi già vì sự suy sụp tinh thần là cội rễ cho những bệnh lý thực thể xuất hiện.

Pháp luật sẽ phán xét về việc em tự tay vứt bỏ đứa con của mình nhưng nỗi đau tinh thần em mang sẽ ngày càng lớn, càng sâu nếu dư luận xã hội hay báo chí cứ khoét vào vết thương ấy như một điển hình của sự thiếu hiểu biết, ngu muội hay lối sống buông thả... Trách em nhiều mà cũng cảm thông với em nhiều, người con gái trẻ tuổi mà lầm lỡ và mong lắm có nhiều hơn nữa sự quan tâm của xã hội, giúp lớp trẻ có lối sống lành mạnh hơn...


GS.TS. Vương Tiến Hòa
Ý kiến của bạn