Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhân nam giới bị nhồi máu não giờ thứ I.
Cụ thể, bệnh nhân là V.V.C (sinh năm 1968, trú tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) nhập viện trong tình trạng liệt hoàn toàn 1/2 người bên phải, không nói được, méo miệng, huyết áp 180/100 mmHg.
Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho hay, khi đang trên đường trở về nhà thì bệnh nhân bị ngã ra đường, không nói được kèm liệt nửa người bên phải. Sau khi chụp CT sọ não, các bác sĩ chẩn đoán nhồi máu não cấp giờ thứ I. Ngoài ra, bệnh nhân còn có tiền sử bị viêm tụy cấp, thường xuyên sử dụng rượu bia.
Sau khi đánh giá toàn diện, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch (tiêu sợi huyết) và kiểm soát huyết áp, đường máu. Khoảng 1 giờ sau khi dùng thuốc, bệnh nhân cải thiện tình trạng, chân tay đã cử động được.
Một ngày sau đó, bệnh nhân C. có thể vận động được, đi lại được, nói chuyện bình thường, gần như không để lại di chứng.
BSCKI. Nguyễn Văn Học - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, bệnh nhân vào khoa lúc 20 giờ 30 phút, đến 21 giờ 15 phút các bác sĩ sử dụng dùng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch (tiêu sợi huyết) điều trị.
"Điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch trong thời gian 4,5 giờ là điều trị chuẩn với bệnh nhân nhồi máu não cấp, làm giảm tỉ lệ tử vong cũng như giảm mức độ tàn tật. Tỉ lệ tái thông mạch não sau tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch chỉ xấp xỉ 30%" - BS. Học thông tin.
Các bác sĩ cho biết hiện nay, đột qụy não là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch, ung thư và là nguyên nhân thường gặp nhất gây tàn tật tại các nước phát triển. Do vậy, gánh nặng của bệnh đột quỵ não để lại cho gia đình và xã hội rất lớn, trong đó đột quỵ nhồi máu não chiếm 80% - 85%.
Can thiệp nội mạch đã được sử dụng trong nhiều năm qua để điều trị nhồi máu não. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng tỉ lệ tái thông mạch não của can thiệp nội mạch cao hơn điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch đơn thuần.