Thông tin từ Phòng Công tác xã hội, BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang, đó là trường hợp của bệnh nhân D.T.H (58 tuổi, trú tại Tiền Phong, Yên Dũng, Bắc Giang). Gia đình chị H kinh doanh cửa hàng ăn uống nên có sử dụng thang máy để vận chuyển đồ ăn.
Ngày 21/5, do thang máy hỏng nên chị H. có gọi thợ về sửa, không may trong lúc nghển cổ nhìn vào trong buồng thang máy để xem tình hình sửa chữa thì bỗng thang rơi xuống trúng đầu khiến phần đầu cổ bị kẹt vào cánh cửa thang. Ngay sau đó, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu.
Tại bệnh viện, các bác sĩ nhận định, tình trạng của người bệnh vô cùng nghiêm trọng: hôn mê, kích thích xoắn vặn, suy hô hấp, tím môi đầu chi, thở yếu, SPO2 88%, phía trước cổ có vết hằn tím tái như bị dây thắt. Người bệnh được chẩn đoán hôn mê, suy hô hấp do tai nạn sinh hoạt.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã thực hiện cấp cứu người bệnh, bóp bóng qua nội khí quản, thở máy xâm nhập để kiểm soát hô hấp đồng thời chống sốc, bù dịch cho người bệnh. Người bệnh được làm các cận lâm sàng để đánh giá, tiên lượng tình trạng và tiếp tục theo dõi các chỉ số sinh tồn.
Sau 10 giờ đồng hồ, người bệnh đã tỉnh táo, có thể tự thở, được rút ống nội khí quản. Hiện tại, người bệnh đã ổn định và đã được ra viện.
Bs.CKII Phạm Tùng Sơn, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết:" Đây là một tai nạn hy hữu, hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm. Mọi người trong quá trình sinh hoạt, lao động cần hết sức cẩn thận, không đứng xem, đứng gần thang máy đang trong quá trình sửa chữa".
Qua đây, bác sĩ cũng khuyến cáo: Nếu gặp phải các trường hợp suy hô hấp do tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động cần lập tức giải cứu người bị nạn và hỗ trợ hô hấp bằng hà hơi, thổi ngạt rồi đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.