Đang sửa đổi Nghị định 146 để hộ dân tộc thiểu số khó khăn tiếp tục thụ hưởng chính sách BHXH

06-06-2023 16:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thông tin: Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam và các cơ quan đang sửa Nghị định 146 , đưa các đối tượng thuộc diện không ở các xã đặc biệt khó khăn, nhưng vẫn là hộ dân tộc thiểu số khó khăn vào diện tiếp tục thụ hưởng chính sách BHXH.

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 6/6, Quốc hội bước vào chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực dân tộc. Trách nhiệm trả lời chất vấn thuộc về Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Trước nghị trường Quốc hội, ĐBQH Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Đồng thời đại biểu đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Đang sửa đổi Nghị định 146 để hộ dân tộc thiểu số khó khăn tiếp tục hưởng các chính sách - Ảnh 1.

Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện theo Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, lúc đó thực hiện phân định theo miền núi, vùng cao; Giai đoạn 2, thực hiện phân định theo trình độ phát triển, xác định các thôn, xã đặc biệt khó khăn để làm địa bàn đầu tư tập trung trọng tâm trọng điểm.

Trong quá trình phân định thuộc 2 giai đoạn này, Ủy ban Dân tộc được giao chủ trì, tham mưu Chính phủ xác định các tiêu chí. Từ 1996 đến nay, các chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng trên tinh thần đầu tư ở vùng đặc biệt khó khăn nhất theo tiêu chí phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển.

Đang sửa đổi Nghị định 146 để hộ dân tộc thiểu số khó khăn tiếp tục hưởng các chính sách - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn.

Gần đây nhất, Nghị quyết 120 của Quốc hội đã giao Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể để xác định địa bàn trọng tâm, trọng điểm. Trên tinh thần đó, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 33 để xác định tiêu chí phân định theo 3 khu vực theo trình độ phát triển. Trên cơ sở tiêu chí được ban hành, Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ ban hành Quyết định số 861, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc được Thủ tướng ủy quyền ban hành Quyết định số 612 phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thông tin, quá trình phân định dựa trên một số tiêu chí: những xã, thôn có 15% dân số trở lên là người dân tộc thiểu số thì xác định là xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xã có tỷ lệ hộ nghèo 15% trở lên thì là xã nghèo; Những xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 15% thì không còn là xã nghèo nữa, tuy nhiên, trong thực tế cũng xuất hiện một số bất cập.

Đang sửa đổi Nghị định 146 để hộ dân tộc thiểu số khó khăn tiếp tục hưởng các chính sách - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 6/6.

Về tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các xã không còn là vùng đặc biệt khó khăn nữa, không được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư của giai đoạn 2016-2020. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, Quyết định này đã có tác động, ảnh hưởng đến 12 chính sách. Chính phủ đã giao các bộ, ngành điều chỉnh, sửa đổi một số quy định, thông tư có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách BHYT với người dân tộc thiểu số.

Về giải pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thông tin, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam và các cơ quan đang sửa Nghị định 146 quy định chi tiết hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), đó có bổ sung, đưa các đối tượng thuộc diện không ở các xã đặc biệt khó khăn, nhưng vẫn là hộ dân tộc thiểu số khó khăn vào diện tiếp tục thụ hưởng. Dự thảo đang được xin ý kiến các cơ quan liên quan để trình Chính phủ trong thời gian tới.

Phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực dân tộc sẽ tập trung vào các nội dung: Trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn; Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng. Các nội dung trên sẽ được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, Nội vụ, NNPTNT, GTVT, Xây dựng, LĐ-TB&XH, VHTT&DL, TT&TT, TNMT; Thống đốc NHNN Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

‘Đặt lợi ích người lao động lên hàng đầu, cơ quan công quyền sai phải xin lỗi, xử lý’‘Đặt lợi ích người lao động lên hàng đầu, cơ quan công quyền sai phải xin lỗi, xử lý’

SKĐS - Nhấn mạnh liên quan đến vấn đề thu sai BHXH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu quan điểm “chúng ta đặt lợi ích người lao động lên hàng đầu, cơ quan công quyền sai phải xin lỗi, xử lý theo quy định”.


Nhóm PVQH
Ý kiến của bạn