Hà Nội

Đáng sợ nếu uống rượu bia thỏa thích!

14-08-2014 07:08 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia của Bộ Y tế gần đây có điểm cấm bán rượu bia sau 22 giờ đã gây dư luận nhiều chiều.

Đây cũng là điều dễ hiểu vì dự luật đụng chạm nhiều vấn đề, nhiều con người trong xã hội. Trước hết là nó chạm đến quyền lợi của những quán ăn thường bán vào giờ khuya, thậm chí suốt đêm đến sáng. Sau nữa, nó chạm đến hàng triệu người thích rượu bia, hoặc cần có rượu bia để giao tiếp; chạm đến các nhà sản xuất - cung cấp bia rượu. Có ý kiến còn cho rằng: “Uống bia hay không là quyền của người ta, sao cấm?”.

rước hết, không thể phủ nhận Luật phòng chống tác hại của rượu bia là một luật cần thiết, các nước tiên tiến trên thế giới đã có từ lâu và các điều luật trong đó hết sức khắt khe. Ví dụ: người chưa đủ tuổi quy định (thường là 18 - 22 tuổi trở lên) mà uống rượu say có thể bị phạt tù. Đơn giản, tuổi trẻ thần kinh non nớt uống rượu vào dễ kích động và làm hại người khác. (Như vậy, không thể nói uống rượu là việc tùy thích cá nhân chẳng ảnh hưởng đến ai).

Thứ nữa, chúng ta ai cũng biết tác hại của rượu bia đối với đời sống xã hội như thế nào. Đó là việc tiêu tốn lãng phí tiền của (người dân Việt Nam “uống” hết khoảng 3 tỉ USD tiền bia rượu mỗi năm). Đó là việc tệ nạn xã hội có liên quan đến bia rượu. Nhiều vụ “rượu vào… dao ra” làm rùng mình cộng đồng. Chưa kể, rượu vào, người điều khiển giao thông, nhất là vào đêm khuya, dễ gây tai nạn. Rượu làm thần kinh con người bị ảnh hưởng, nếu vào các bệnh viện tâm thần sẽ thấy rất nhiều người loạn thần vì rượu và rất khó điều trị. Rượu khiến cơ thể người uống yếu đi và qua đó ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống. Rượu gây ra nhiều bệnh tật, khiến người uống giảm thọ, dẫn đến tuổi thọ trung bình của một dân tộc, một quốc gia giảm. Sâu thẳm hơn, rượu có can dự vào từng gia đình - tế bào xã hội. Nhiều vụ ngoại tình, bạo lực gia đình… diễn ra có sự “giúp sức” của rượu. Một người làm vợ chia sẻ: “Mỗi đêm khi chồng có cuộc nhậu mà về khuya là tôi lo lắng vô cùng vì bao hiểm nguy rình rập: tai nạn xe cộ, cướp bóc, sa vào tệ nạn…”.

Sự thực, rượu bia đã tràn lan ở nước ta, không chỉ thấy được qua con số thống kê về số lượng lít rượu bia tiêu thụ, số tiền bỏ ra mua mà còn hiện diện ở từng khu phố, thôn làng. Nhiều nơi, như phản ánh của báo chí, cả làng gần như sống nhờ trợ cấp của nhà nước khi cả chồng lẫn vợ mất sức lao động do uống rượu suốt ngày. Đó là thảm họa cho cả một đất nước.

Vì vậy, một luật phòng chống tác hại của rượu bia ra đời là cần thiết, thậm chí là cần kíp, không nên để muộn hơn nữa. Trong đó, các điều luật cần bao quát được mọi khía cạnh của cuộc sống, các biện pháp chế tài cũng đòi hỏi nghiêm minh.

Uống rượu bia là một nét văn hóa, là một sở thích, lối sống do con người tạo ra. Nó có từ thời cổ đại và duy trì cho đến ngày nay, nâng lên một mức thưởng thức cao hơn. Tuy nhiên, nếu uống nó đến mức thỏa thích không có luật lệ để hạn chế (độ tuổi được uống, thời gian được uống và khu vực được uống) thì thật đáng sợ. Bởi lúc đó, rượu uống người chứ không phải người uống rượu nữa.

Thế Phong


Ý kiến của bạn