So với thế hệ của ông trước kia, vận động viên (VĐV) thời nay đi thi đấu quốc tế có tâm lý tự tin hơn không?
Về điều kiện vật chất, ngày nay các em sướng hơn gấp bao lần chúng tôi ngày xưa. Nhưng có điều không thay đổi nhiều là VĐV của ta khi ra đấu trường quốc tế vẫn tự ti khi nghe thấy danh hiệu của đội bạn. Có khi mới nhìn thấy đối thủ xuất hiện hùng dũng, tự tin thôi mình đã xuống tinh thần rồi. Không cần nói đến đối thủ ngoài nước, ngay giữa ta với ta cũng vậy. Nguyễn Thị Oanh đang sung sức, sở hữu nhiều HC Vàng ở các nội dung chạy cự ly ngắn, thế nhưng thấy Quách Thị Lan trẻ hơn một tuổi, chân dài “khủng” vào danh sách thi là Oanh cũng run. Kể cả VĐV ngôi sao cũng có tâm lý mong manh trong thi đấu.
Quách Thị Lan, một trong những gương mặt VĐV thành tích cao hiện nay.
Theo ông đâu là tố chất đang thiếu nhất của VĐV VN?
Kỹ năng. Trong đó bao gồm cả cân bằng tâm lý, kỷ luật, ứng xử khi thi đấu, giao tiếp tiếng Anh, cách nạp dinh dưỡng, giữ sức khỏe, tự bảo vệ quyền lợi. Tôi cho rằng mọi vấn đề nêu trên đều thuộc về kỹ năng mà mỗi VĐV cần được huấn luyện. Thiếu kỹ năng dẫn đến thiếu chuyên nghiệp và đương nhiên giảm cơ hội đạt thành tích. Nhiều người ra sân quên khóa đinh giày, vừa chạy được một lúc đã bung gần hết vít dưới đế hoặc đứt dây mà không mang dây giày dự phòng. Luật trên sân cấm dùng điện thoại, có người cứ mang theo. Lúc bị tạm giữ lại tưởng người ta lấy mất cái điện thoại đắt tiền nên chạy lung tung thắc mắc. Có nhiều chuyện bi hài khi VĐV không hiểu tiếng Anh.
Từng có hơn 40 năm kinh nghiệm thi đấu, huấn luyện, cùng 12 năm làm Trưởng bộ môn điền kinh Việt Nam, cá nhân ông coi trọng yếu tố nào khi trợ giúp cho VĐV?
Với tôi sức khỏe là điều đáng quan tâm số 1. Tôi coi chăm sóc sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần quan trọng ngang nhau. Chế độ dinh dưỡng quyết định thể chất. Mỗi năm tôi có vài lần đưa các nhóm đi tập huấn và thi đấu nước ngoài. Tôi thấy đa số các bạn vẫn giữ thói quen ăn uống theo bản năng. Khác biệt khẩu vị là một trở ngại lớn. Sữa tươi ở nước ngoài, các em chê nhạt, không béo và ngọt bằng của Việt Nam. Mua phomai loại hảo hạng thì kêu mùi nặng và nghi hết hạn sử dụng. Thế rồi vứt sọt rác. Hôm sau các em đi mua cá trích khô về để rim với dưa ăn cho dễ. Đưa cá hồi tươi thì lại đem rán và kho cho dễ ăn. Làm như thế mất hết vitamin và khoáng chất. Nhiều nhóm tự mua rau cải về muối dưa để rang cơm. Hậu quả là đến giờ ra sân bụng vẫn ậm ạch không tiêu. Do chủ quan, coi nhẹ việc nạp năng lượng, thường xuyên VĐV của ta nhai mì ăn liền sống để cầm hơi trên sân đấu nước ngoài. Nhiều khi phải nghỉ buổi tập chỉ vì no quá hoặc đói quá. Nếu đói sẽ có hiện tượng tụt đường huyết, hoa mắt, choáng váng. Không làm chủ được thăng bằng, động tác mất độ chuẩn xác, chân tay bủn rủn.
Ông có kinh nghiệm gì để rèn khả năng thích nghi ăn uống cho VĐV?
Năm 2011, tổ nhảy xa tập huấn một tháng tại Minsk (Belarusia). Ngay bữa ăn đầu tiên, cả ba VĐV đều không chịu uống sữa tươi và ăn bánh mỳ phết bơ. Tôi dùng kỷ luật bắt phải ăn, tất nhiên là nói nhẹ và từ từ. Sang tuần thứ hai, tất cả dần quen và cảm thấy có sức đảm bảo thể lực. Về Việt Nam, một thời gian sau, các VĐV nói: “Thầy ơi, về đây, buổi sáng em tẩn bốn bát cơm. Vậy mà mới hơn 9 giờ sáng đã đói rồi. Sao bên kia ăn ít mà không thấy đói, lại tập khỏe nữa. Năm sau thầy lại cho đi Belarusia nhé”.
Tiêu chí dinh dưỡng cho VĐV cốt yếu là tinh (giàu năng lượng) - gọn (ăn ít) - nhẹ (tiêu hóa nhanh). Nếu thói quen ăn quá sâu vào tiềm thức, ép buộc có thể gây phản ứng tâm lý tiêu cực. Trường hợp này, chuyên gia dinh dưỡng sẽ tư vấn thêm cho các VĐV thay thế bằng các thực phẩm khác đảm bảo đủ dinh dưỡng cho họ.
Quan sát VĐV nước ngoài thi đấu, ông học được gì ở cách nạp năng lượng của họ?
Họ rất chuyên nghiệp và có kỹ năng trong việc lựa chọn số lượng cũng như nguồn năng lượng nạp cho cơ thể. Với các VĐV, bao giờ cũng có sự phân nhóm năng lượng. Các VĐV cự ly ngắn hoặc nhảy cần ăn nhiều thịt bò, cừu. Các VĐV cự ly dài cần ăn nhiều đường bột như gạo, ngô, bánh mỳ hoặc các loại bổ sung dinh dưỡng cao năng lượng (high energy) chứa trong các túi nhỏ phù hợp đem theo khi thi đấu.
Năm 2011, tại cuộc thi đi bộ châu Á ở thành phố Nomi (Nhật Bản), tôi dẫn một huấn luyện viên (HLV) môn đi bộ 20km trong đoàn của ta vào một cửa hàng và chỉ cho anh thấy những túi nhỏ (khoảng 15 - 20gr) năng lượng cao. Tôi đề xuất nên mua các túi nhỏ đó cho VĐV thi đấu hôm sau. Bạn đồng nghiệp nói: “Tụi nó không quen anh ơi. Mình mua rồi tụi nó lại vứt bỏ không dùng đâu”. Lúc chúng tôi quay ra, gặp một nhóm VĐV Hàn Quốc, Đài Loan đi vào. Họ vơ sạch không còn gói nào. Ngày hôm sau, trong tiết trời 1 - 3oC lạnh giá, các VĐV nước ngoài sử dụng các gói cao năng lượng vẫn thi đấu ổn định. Còn các VĐV ta chịu không được, phải tiếp bằng nước chè nóng.
Ở ta không nhiều VĐV có may mắn gặp được HLV am hiểu về sức khỏe như Nguyễn Thị Ánh Viên. Xem cách Ánh Viên hào hứng nạp dinh dưỡng theo bài bản cũng có thể lý giải phần nào vì sao em có sự nghiệp thành tích đáng nể đến vậy. Mong muốn có chuyên gia dinh dưỡng đi theo đoàn còn quá xa vời với điều kiện của ta hiện nay.
Ánh Viên tuân thủ chế độ dinh dưỡng bài bản nên luôn đạt thành tích cao.
Trở lại câu chuyện tâm lý mong manh khi thi đấu. Vậy VĐV phải làm thế nào và trông vào đâu để cân bằng tinh thần?
Vực tinh thần, cân bằng tâm trạng cho VĐV là công việc của HLV ngoài trách nhiệm huấn luyện chuyên môn. Sự hỗ trợ tinh thần này không chỉ cần trong giải đấu mà phải được xây dựng từ ngày đầu thầy trò làm quen. Đối với những VĐV quá lo lắng trước đối thủ, họ ủ rũ, thiếu tập trung, thầy nên cùng trò phân tích ưu, khuyết của đối thủ qua clip thi đấu. Đồng thời thầy tìm ra thế mạnh của VĐV đó để động viên và khai thác. Khi VĐV quá hưng phấn, họ phung phí sức, gây hấn, mất ngủ ảnh hưởng đến chất lượng thi đấu. Với đối tượng này cần phải tìm cách phân tán năng lượng vào một số bài tập. Ở thời điểm rơi vào trầm cảm, chán nản, chấn thương, họ cần nhận được thái độ thấu hiểu, chia sẻ và biện pháp giải tỏa tâm trạng bi quan tiêu cực.
Vậy nguyên nhân sâu sa của xuống tinh thần là gì?
Đôi khi áp lực đoạt và giữ HC chính là một trong những nguyên nhân khiến VĐV lo lắng thái quá. Trước giờ thi đấu mà thấy em nào buồn tiểu liên tục là biết ngay em đó đang căng thẳng. Biết rằng đã theo nghề thì phải sống chung với áp lực HC nhưng nếu VĐV được trang bị kỹ năng, kiến thức cơ bản họ sẽ bình tĩnh và chuyên nghiệp hơn khi đối diện hoàn cảnh. Khi hiểu biết mọi người sẽ tự tin hơn, đánh giá tình huống và bản thân đúng hơn. Duy trì trạng thái cân bằng là biện pháp bảo vệ tinh thần cơ bản nhất.
Ông có lời chúc nào cho thể thao Việt Nam nói chung và điền kinh Việt Nam nói riêng nhân dịp năm mới?
Tôi chúc các VĐV có được sức khỏe thể chất cũng như tinh thần thật chuyên nghiệp. Chúc các em thu nạp đầy đủ mọi kỹ năng chuyên môn cũng như ứng xử để có thể thăng hoa trong các giải đấu lớn.