Đằng sau chuyện gián điệp Nga-Mỹ

01-07-2010 16:14 | Quốc tế
google news

Đúng một tuần sau chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hôm 27/6 vừa qua, phía Mỹ tuyên bố đã cất một mẻ lưới và tóm được mười trong một nhóm mười một người làm gián điệp cho Nga trên đất Mỹ.

Đúng một tuần sau chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hôm 27/6 vừa qua, phía Mỹ tuyên bố đã cất một mẻ lưới và tóm được mười trong một nhóm mười một người làm gián điệp cho Nga trên đất Mỹ.

Những vụ án gián điệp giữa Nga - Mỹ không phải là chuyện lạ, ngay cả trong và sau thời chiến tranh lạnh. Theo tờ Le Figaro, chỉ mới cách đây gần một tháng, người Nga cũng đã cất một "mẻ lưới" tóm Guenadi Sipatchev, một người vẽ bản đồ nghiệp dư ở Iekaterinbourg và kết án anh này bốn năm tù vì tội đã chuyển cho Bộ Quốc phòng Mỹ những bản đồ bí mật (không hiểu là mật đến mức nào và cũng khá lạ vì anh này chỉ là một người chơi bản đồ nghiệp dư chứ không có chân trong các cơ quan có liên quan đến các thứ "mật") mà theo đánh giá của phía Nga là có khả năng giúp dẫn đường cho các tên lửa hành trình của Mỹ nhắm đến các mục tiêu quân sự của Nga. Và chính bản án cũng là một điều khá lạ khi mà thông thường, với tội danh đó, anh chàng vẽ bản đồ này có thể "mục xương" với một bản án lên đến khoảng 20 năm tù. Rộng hơn, ngay cả những quốc gia vốn là "môi hở răng lạnh" như Mỹ và Israel thì lâu lâu, người Mỹ cũng lại vét được một mẻ các điệp viên Do Thái lần mò những thứ "tuyệt mật" mà người Mỹ không muốn trao cho người bạn nhỏ ở Trung Đông.

Nói vậy để thấy chuyện gián điệp không có gì phải quá ầm ĩ. Hơn nữa, vụ này lại là một vụ mà chắc chắn không phải là quá nguy hiểm. Tất cả nhóm này được người Mỹ cho là đã được Cơ quan tình báo hải ngoại của Nga tuyển mộ, cho thâm nhập vào Mỹ để "nằm im", "Mỹ hóa" thành công dân Mỹ rồi tạo các quan hệ với giới công quyền để moi tin. Và cho đến giờ, theo những nguồn chính thức từ phía Mỹ thì những thông tin mà những người này "moi được" chủ yếu là những thông tin đối ngoại về chính sách của Mỹ với Iran, về những nhân viên ngoại giao Mỹ tham gia đoàn đàm phán hiệp ước START mới... Và phương thức hoạt động của nhóm này cũng thuộc loại "cổ điển", "như thời những năm 50": sử dụng mực "tàng hình" để viết tài liệu, hẹn hò ngoài công viên để trao tiền, chôn cả vali tiền dưới đất đợi người đến lấy, làm giấy tờ giả... Tờ Le Figaro đã dẫn lại lời của ông Nikolai Kovalev, cựu giám đốc FSB (hậu thân của cơ quan tình báo khét tiếng KGB thời chiến tranh lạnh): "Bất cứ một người chuyên nghiệp nào cũng phải phá lên cười khi nghe chuyện có 10 hay 11 kẻ bất hợp pháp làm việc chung cùng nhau. Một điệp viên chỉ liên lạc với một người: đó là nguyên tắc vàng của tất cả mọi chiến dịch do bất cứ cơ quan tình báo của bất cứ quốc gia nào tiến hành".

 Anna Chapman, một trong những nghi can gián điệp.

Vậy, vấn đề là tại sao một vụ như thế lại có thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà quan hệ Nga - Mỹ đang có những dấu hiệu ấm lên hơn bất cứ lúc nào? Chỉ mới một tuần trước, Tổng thống Nga còn ở thăm Mỹ, đến thung lũng Silicon, gặp Steve Jobs, nhận quà tặng là máy Iphone 4 (rất có thể FSB đang "mổ xẻ" cái máy này xem có thiết bị gián điệp gì không) rồi sau đó, gặp gỡ hết sức thân mật ông Obama và sau đó hai tổng thống còn ngồi chung xe đi ăn hamburger ở gần Nhà Trắng và do ông Obama thanh toán tiền. Theo AFP dẫn lại nguồn từ Nhà Trắng, trong chuyến viếng thăm của ông Medvedev, ông Obama đã có đầy đủ thông tin từ FBI về vụ này và không hề "đả động" gì với ông Medvedev.

Vậy, hai giả thuyết có thể xảy ra. Thứ nhất, như tờ Le Figaro Les Echos bình luận, đây có thể là một cú đòn của giới bảo thủ Mỹ đánh vào chính sách đối ngoại của ông Obama. Chỉ mới tuần trước, ông Obama đã phải triệu hồi tư lệnh Mỹ ở chiến trường Afghanistan, tướng Stanley McChristan về nước chỉ vì ông này đã có những phát ngôn có tính "miệt thị" nặng nề Nhà Trắng. Ông này đã tuyên bố trên tờ The Rolling Stones là kẻ thù lớn nhất của Mỹ ở Afghanistan không phải là Taliban mà là "những kẻ hèn nhát ở Nhà Trắng". Sau đó, ông Obama đã làm một việc vô tiền khoáng hậu là thay ông tướng "chịu chơi" bằng tướng Petraeus. Vậy, phải chăng vụ gián điệp chính là một đòn của những con diều hâu nhắm vào chính sách đối ngoại của ông Obama. Và việc Tổng thống Mỹ biết mà không nói gì về vụ gián điệp trong cuộc gặp với Medvedev có thể là một sự chủ quan của ông này khi ông đánh giá rằng vụ "gián điệp" không trầm trọng đến mức "nên chuyện". Tất nhiên, vẫn cần để ngỏ một khả năng nữa là chính ông Obama định làm vụ này để lấy lại uy tín vốn đang bị "xuống" ở Mỹ vì bị đánh giá là quá ôn hòa, quá "tả".

Vấn đề là liệu vụ gián điệp này có thể làm tổn hại gì quan hệ song phương giữa Nga và Mỹ hay không. Tất nhiên phía Nga sẽ phải có những phản ứng mà tập trung nhất là của ông Sergei Lavrov, người đứng đầu ngoại giao Nga. Ông này đã khéo nhắc đến việc ông Medvedev và ông Obama mới có những bước tiến trong việc xích lại gần nhau và mỉa mai rằng đây là một "hành động lịch sự" từ phía Mỹ. Người Nga cũng chỉ thừa nhận những công dân bị bắt là có quốc tịch Nga nhưng phủ nhận mọi quan hệ có chỉ đạo từ những cơ quan chính quyền. Điều này cho thấy phản ứng từ phía Nga là có chừng mực. Quan sát kỹ những tuyên bố từ phía Nga và Mỹ sẽ thấy hai bên đều không muốn vụ này làm xấu đi mối quan hệ giữa hai nước. Điều này là dễ hiểu bởi lẽ cả Nga và Mỹ đều đang rất cần đến nhau để ổn định "trật tự thế giới" (nhu cầu của Mỹ) và để thúc đẩy kinh tế (phía Nga).

Xuân Thạch (Theo Le Figaro)


Ý kiến của bạn