Hà Nội

Đằng sau ca Ebola dương tính đầu tiên trên đất Mỹ

12-10-2014 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Không kể 4 người bị nhiễm virut Ebola từ vùng dịch trở về, cuối tháng 9 vừa qua, Mỹ đã phát hiện thấy ca nhiễm Ebola dương tính đầu tiên...

Không kể 4 người bị nhiễm virut Ebola từ vùng dịch trở về, cuối tháng 9 vừa qua, Mỹ đã phát hiện thấy ca nhiễm Ebola dương tính đầu tiên, đó là người đàn ông đến từ Liberia để thăm thân nhân tại bang Texas.

Người bệnh Ebola dương tính đầu tiên là ai?

Theo tờ Dailymai của Anh số ra ngày 2/10, thống đốc bang Texas Rick Perry đã xác nhận với báo giới về 5 học sinh của 4 trường tiểu học và 18 người khác của khu vực này có nguy cơ bị lây nhiễm Ebola từ một người đàn ông bị phát hiện dương tính với Ebola, Thomas Eric Duncan - người Liberia đến Mỹ hôm 20/9 để dự lễ tốt nghiệp đại học của con và thăm họ hàng. Người đàn ông này được chẩn đoán nhiễm Ebola, được cách ly theo dõi và sức khỏe đang nguy kịch.

Người Mỹ đang cảnh giác cao độ với dịch Ebola.

Người Mỹ đang cảnh giác cao độ với dịch Ebola.

Ngay sau khi phát hiện thấy ca bệnh nói trên, ngày 2/10, Tổng thống Mỹ Obama hứa sẽ hỗ trợ tối đa để giúp bang Texas dập tắt căn bệnh nguy hiểm này.

Theo tờ New York Times, ông Thomas Eric Duncan đến từ vùng tâm dịch Tây Phi. Trước khi đến Mỹ, ông Duncan đã từng làm công nhân vận chuyển hàng hóa cho Công ty Frdex ở Thủ đô Lineria, nhưng sau đó đã bỏ việc để đến Mỹ. Còn theo tờ Times thì ông Duncan có thể bị nhiễm Ebola trong khi giúp chủ nhà đưa con gái đang mang thai bị nhiễm Ebola đến bệnh viện. Người phụ nữ này tên là Marthalene Williams, 19 tuổi, nhập viện hôm 15/9 nhưng không qua khỏi do bệnh viện quá tải, lại thiếu thuốc nên đã tử vong sau đó một ngày. Ngoài ra, con trai và 3 người hàng xóm của vị chủ nhà nói trên, những người đã tiếp xúc với người phụ nữ mang thai nói trên cũng bị tử vong sau đó ít lâu.

Theo chính quyền Liberia, ông Thomas Eric Duncan không có dấu hiệu sốt Ebola khi rời Liberia sang Mỹ qua Brussel (Bỉ) hôm 19/9 và trong hành trình bay, ông Duncan cũng không có dấu hiệu phát bệnh.

Ông Duncan chính thức xuất hiện dấu hiệu Ebola từ ngày 24/9, tức 4 ngày tới Mỹ. Ngày 26/9 đến khám và lấy thuốc tại Bệnh viện Texas Health Pressbyterian (TPH), sau đó được bệnh viện cho về nhà. Đến ngày 28/9 phải đưa vào cấp cứu sau khi nôn ói và được kiểm dịch. Sự kiện trên làm dư luận Mỹ hú vía, bởi người bệnh mang virut Ebola nhưng lại “tự do” trong suốt 4 ngày liền, nguy cơ truyền bệnh là rất cao, kể cả tài xế đưa Duncan vào viện cũng như trên 400 người sống cùng dãy nhà với người bệnh hiện đang được theo dõi.

Theo các nhân viên ở Bệnh viện TPH, bệnh nhân được cách ly hôm 28/9 nhưng không được điều trị bằng huyết thanh ZMapp do bệnh viện không có vaccin này. TPH cũng thừa nhận họ không rõ cơ chế lây nhiễm của ông Duncan, còn theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) thì họ không biết cụ thể bao nhiêu người có thể bị nhiễm do tiếp xúc với ông Duncan, nhưng Giám đốc của CDC thì cho rằng, số người có nguy cơ cao không đáng kể bởi công tác phòng dịch của CDC tương đối tốt. Hiện tại, các mẫu vật phẩm của người bệnh đã được CDC thử nghiệm để có phương pháp điều trị cụ thể.

Thấy gì sau ca dương tính Ebola đầu tiên tại Mỹ?

Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm Ebola dương tính nói trên, Tổng thống Barack Obama đã cam kết sẽ hỗ trợ chính quyền liên bang mọi thứ cần thiết để ngăn chặn dịch lây lan. Còn CDC thì yêu cầu mọi người nên bình tĩnh, chấp hành tốt các quy định về phòng chống bệnh do các cơ quan chức năng quy định, đồng thời nâng cao cảnh giác đề phòng khi virut Ebola đột biến có thể lây lan qua những tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc virut Ebola đột biến gây lan truyền qua đường không khí. Cũng theo CDC, ngoài ca nhiễm Ebola dương tính nói trên, còn có 4 người Mỹ bị nhiễm Ebola. Phần lớn là những người đến làm việc tại những vùng có dịch. Trường hợp nhiễm bệnh thứ tư là nhà quay phim người Mỹ (33 tuổi, làm việc cho hãng NBC) bị nhiễm khi đến công tác tại Liberia, vừa được đưa bằng máy bay về Mỹ để điều trị. Theo NBC, họ thuê nhà quay phim này hôm 30/9 và chỉ một ngày sau anh ta đã xuất hiện các triệu chứng lâm bệnh, kể cả sốt và đau nhức. 3 người còn lại đều là nhân viên cứu trợ, đã được đưa về Mỹ chữa trị và đến nay đều bình phục.

Liên quan đến ca nhiễm Ebola dương tính đầu tiên nói trên tại Mỹ, hãng BBC cho biết, giới chức Liberia sẽ truy tố ông Duncan vì khai báo gian dối trên tờ khai hỏi - đáp kiểm dịch trước khi bay sang Mỹ. Cụ thể, Duncan đã khai không một ai trong số họ hàng của ông bị ốm và trả lời “không” cho tất cả các câu hỏi có trong tờ khai về Ebola nhưng thực tế ông Duncan đã trực tiếp đưa một phụ nữ mang thai nhiễm Ebola vào viện bằng xe đẩy và tiếp sau là hàng loạt ca tử vong như đề cập ở trên nhưng lại giấu nhẹm các thông tin nguy hiểm nói trên. Chưa hết, khi tới Mỹ, Duncan đã tiếp xúc với nhiều người trước khi nhập viện. Tất cả những hành vi không trung thực này đã dẫn đến hàng loạt sự cố chết người, chỉ riêng tại Texas đã có hàng trăm người được xem là đã tiếp xúc với người bệnh và hiện đang được giám sát chặt chẽ.

Robot tiêu diệt virut Ebola

“Little Moe” là tên của robot diệt virut Ebola đang được sử dụng tại một bệnh viện ở Dallas (Mỹ), nơi mà ca bệnh Ebola đầu tiên được phát hiện và điều trị. Little Moe tưởng như vừa bước ra khỏi một bộ phim viễn tưởng, nhưng hiện được sử dụng tại 250 bệnh viện xuyên suốt nước Mỹ. Được gắn cho cái tên là robot hạ gục mầm bệnh, thiết bị y tế này phát ra những tia cực tím mạnh gấp 25.000 lần- sáng hơn tia mặt trời. Nó phát ra 1,5 nhịp trên 1 giây, trong khi bao phủ bán kính trên 3m để tiêu diệt ADN của virut từ bất kể bề mặt nào mà nó tiếp xúc. Tiêu diệt mầm bệnh trong các buồng bệnh là cách nhanh nhất và đơn giản nhất để giảm nguy cơ lây lan bệnh. Bằng cách này, Little Moe tiêu diệt ADN của các bệnh truyền nhiễm khác chỉ trong vòng 5 phút và Ebola trong 2 phút.

NV (Theo Medical Daily)

(Theo DM/BBC, 10/2014)

Khắc Nam

 


Ý kiến của bạn