Hà Nội

Đang rốt ráo điều tra vụ sập cầu tại Lai Châu

27-02-2014 08:55 | Thời sự
google news

Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, tổ điều tra đang rà soát lại hồ sơ xây dựng và kiểm định mẫu để có kết luận chính thức nguyên nhân vụ sập cầu Lai Châu vào tuần tới.

Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, tổ điều tra đang rà soát lại hồ sơ xây dựng và kiểm định mẫu để có kết luận chính thức nguyên nhân vụ sập cầu Lai Châu vào tuần tới.

Ông Sanh khẳng định, đây là vụ sập cầu treo đầu tiên trong lịch sử ngành giao thông Việt Nam. Theo ông Sanh , vụ việc đã gây những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, 2 tổ công tác có tại địa phương (1 tổ của tỉnh Lai Châu, 1 tổ của Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) đang gấp rút điều tra mọi yếu tố có liên quan.

Chiếc cầu treo Chu Va 6 bị sập hôm 24/2.
Chiếc cầu treo Chu Va 6 bị sập hôm 24/2.

“Cáp cầu treo có thể chịu được tải trọng 79 tấn, tức là tăng đơ cũng phải chịu được tải trọng 79 tấn, tuy nhiên ở vụ sập cầu Chu Va 6, kết cấu neo lại không đồng bộ với cáp, tăng đơ không tương thích với hạng mục cầu. Kiểm tra trực tiếp tại hiện trường cho thấy ốc neo tăng đơ bị đứt dẫn tới sập cầu.

"Nguyên nhân ban đầu đượ xác định do tăng đơ và hướng điều tra cũng đang tập trung vào phần neo. Tôi đã yêu cầu tổ điều tra mang vật mẫu về Hà Nội để kiểm định. Cùng với đó, rà soát lại toàn bộ quy trình xây dựng cây cầu này, lật giở lại bản vẽ thiết kế, hoàn công, hồ sơ giám sát, nghiệm thu và đưa vào khai thác sử dụng.” - ông Sanh cho hay.

Lý giải về nguyên nhân được địa phương nhận định vào thời điểm mới xảy ra vụ tai nạn là do cầu quá tải trọng, tức là tải trọng cầu 1,5 tấn trong khi tải trọng thời điểm xảy ra sập cầu khoảng 2 tấn, ông Sanh cho biết 1,5 tấn chỉ là hoạt tải chứ không phải là tải trọng của toàn bộ cầu, không thể căn cứ làm cơ sở để nhận định nguyên nhân do quá tải dẫn đến sập cầu.

Về mặt kỹ thuật, tải trọng công trình có 2 loại là tĩnh tải và hoạt tải, trong đó tĩnh tải là trọng lực của chính kết cấu công trình, còn hoạt tải là lực gây ra do các vật thể bên ngoài kết cấu tác động vào kết cấu công trình (ví dụ: gió, độ rung, sự chuyển động trên công trình).

Cũng theo ông Sanh, tổ điều tra độc lập của Bộ GTVT sẽ tham gia kiểm định và làm rõ sự cố, đồng thời giám sát hoạt động điều tra nói chung. Sang tuần tới, việc điều tra sẽ hoàn thành và sẽ có kết luận chính thức về tình trạng cầu trước đó và nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn sập cầu.

Được biết, đầu cầu treo bị sập hiện đã được rào lại. Việc xây dựng đường tạm cho nhân dân sống trong khu vực đi lại cũng đang được triển khai. Theo thiết kế sơ bộ, con đường tạm có chiều rộng khoảng 2m, kè rọ thép, mặt lát gỗ, có kè để xe máy qua lại an toàn. Đường tạm cách cầu cũ khoảng hơn 10m và thấp hơn cầu treo Chu Va 6 vừa sập. Dự kiến, ngày 29/2 tới đường tạm sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Cầu sập, đường tạm đang được gấp rút làm để phục vụ việc đi lại của bà con

Cầu sập, đường tạm đang được gấp rút làm để phục vụ việc đi lại của bà con

Trước đó, vụ tai nạn sập cầu treo Chu Va 6 đã xảy ra khi một đoàn khoảng 50 người đang đưa tang Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu hôm 24/2. Vụ việc đã khiến 8 người tử vong, 38 người bị thương, trong đó có 10 người bị thương nặng.

2 chiếc trực thăng quân sự đã được điều động để đưa 25 bác sỹ giỏi cùng trang thiết bị y tế của BV Việt Đức và BV Bạch Mai từ Hà Nội tăng cường lên Lai Châu hỗ trợ công tác cứu chữa các nạn nhân.

Bộ GTVT đã ra công điện khẩn yêu cầu rà soát lại toàn bộ cầu treo, cầu yếu trên toàn quốc để tránh xảy ra sự cố thương tâm tương tự.


Ý kiến của bạn