Hoang mang khi nhận được tin con bị bắt cóc và cũng chưa kịp vui khi biết con mình vừa được lực lượng công an giải cứu thành công, những bậc làm cha, làm mẹ lại ngất lịm trước lời khai của con em họ khi biết chúng chính là những kẻ tự bắt cóc mình nhằm tống tiền cha mẹ!
Những kịch bản tống tiền… dang dở
Mới đây nhất, các trinh sát đặc nhiệm của Đội Phòng chống tội phạm có tổ chức (đội 2), phòng Cảnh sát điều tra tội phạm trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM giải cứu thành công cô bé 13 tuổi tại một khách sạn sau khi nhận được tin báo từ gia đình cô bị 1 nhóm đối tượng bắt cóc và đòi tiền chuộc lên đến 500 triệu đồng. Theo đơn trình báo của gia đình bà T., chiều ngày 29/9, khi thấy con gái xin phép ra ngoài mua nước chanh mà không trở về nhà, gia đình hoảng loạn, đổ xô đi tìm. Trong lúc đang tìm kiếm thì bà nhận được điện thoại của một thanh niên nói đang bắt giữ Lan (con gái bà T.), yêu cầu bà chuẩn bị 500 triệu đồng để chuộc con, nếu không thì sẽ giết nạn nhân. Nhận thấy đây là vụ bắt cóc có tính chất đặc biệt nguy hiểm Phòng PC45 (Công an TP.HCM) đã tung các trinh sát đặc nhiệm rà soát, khoanh vùng các đối tượng.
Tang vật công an thu giữ được của Mai Văn Linh (đối tượng lên kế hoạch tống tiền gia đình bạn gái) ; Đối tượng Mai Văn Linh tại cơ quan điều tra (ảnh nhỏ).Ảnh: P.A |
Nhanh chóng sau đó, các trinh sát phá cửa đột nhập vào khách sạn An Phú Mỹ (P. Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương) khống chế đối tượng bắt cóc. Tuy nhiên, khi đó, nạn nhân đang ngủ ngon lành bên kẻ bắt cóc!? Tại trụ sở công an, Lan khai nhận có tình cảm với Mai Văn Linh (25 tuổi, ngụ Ninh Bình, làm thợ hồ ở gần nhà bà T.). Sau một thời gian nhắn tin qua lại bằng điện thoại và chat trên mạng, Lan đã bỏ nhà đi theo Linh và sống như vợ chồng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, do không còn tiền tiêu xài nên cả hai lên kế hoạch giả bị bắt cóc để tống tiền. Theo đó, Lan cho số điện thoại của mẹ để Linh gọi về thông báo Lan bị bắt cóc, yêu cầu chuẩn bị 500 triệu đồng chuộc con, nếu không sẽ giết cô bé.
Cùng thời gian trên, cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh đã ra quyết định khởi tố 2 đối tượng thực hiện vụ bắt cóc tống tiền cũng bằng hình thức như trên. Thủ phạm chính gây ra vụ tống tiền là Phạm Thị Hồng T., nữ sinh lớp 11 của một trường phổ thông trung học trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội. Sau một thời gian mất tích, Phạm Thị Hồng T. đột ngột trở về nhà và màn kịch dần hé lộ. Trước đó, T. có tình cảm với chàng trai trong xóm, tuy nhiên, bị gia đình ngăn cản, T. đã bỏ trốn với người yêu. Sau khi hết tiền tiêu xài, T. nảy ý định tống tiền gia đình. Để thực hiện ý định, T. thuê Phạm Phú Mạnh (25 tuổi, trú huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Văn Sáng (26 tuổi, trú tại Mê Linh, Hà Nội) thực hiện kế hoạch. Tuy nhiên, trong thời gian gia đình chuẩn bị tiền, các đối tượng trên liên tục hối thúc nên gia đình sinh nghi đã báo công an.
Đắng lòng cho các đấng sinh thành
Theo lời lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm trật tự xã hội (PC45), Công an TP. Hà Nội: Khi tiếp nhận thông tin các vụ án này, cơ quan công an tốn rất nhiều công sức xác minh, làm rõ vụ việc. 2 vụ án trên nằm trong số không nhiều các vụ án cơ quan công an có đủ căn cứ khởi tố hình sự. Các vụ con tống tiền cha mẹ xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn cả nước cho thấy đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hiện nay đều còn rất trẻ, nguyên nhân phần lớn là do cần tiền tiêu xài. Nhiều trong số các đối tượng là những thanh niên đua đòi, không được học hành đến nơi đến chốn, song lại lười lao động và thích hưởng thụ.
Nhóm đối tượng tống tiền gia đình bị công an bắt giữ. Ảnh: D. Trí |
Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, đa số những thanh, thiếu niên này đều không am hiểu pháp luật, chỉ nghĩ rằng mình vòi tiền cha mẹ thì thế nào cũng được phụ huynh bảo lãnh trở về. Họ hành động trong lúc bị bạn bè thúc ép nên suy nghĩ không chín chắn mà đâu biết rằng hành vi của mình như thế là vi phạm pháp luật. Việc dựng chuyện bị bắt cóc để tống tiền không có giới hạn về tuổi tác, đôi khi những phụ nữ có gia đình, vì nợ nần đã tự bắt cóc mình, bắt cóc con để ép chồng phải chi tiền để trả nợ. Nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm của các em xuất phát từ chính sự ích kỷ của bản thân, sự lệch lạc về suy nghĩ và lối sống hưởng thụ của một bộ phận thiếu bản lĩnh. Ngoài ra còn do ảnh hưởng của những bộ phim mang tính chất bạo lực, các trang web thiếu tính giáo dục cùng các trò chơi trực tuyến trên mạng internet.
Luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Trưởng văn phòng luật sư Việt Lý cho rằng: Chế tài hiện nay đối với những kẻ tự bắt cóc, tống tiền này còn quá nhẹ, đa số mới chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính vì tội trình báo, đưa thông tin giả, nếu có nặng thì chỉ là xử phạt án tù treo nên chưa đủ sức răn đe. Khi bị bắt đều được gia đình bảo lãnh nên mức độ xử lý cũng nhẹ. Để hạn chế các vụ việc có thủ đoạn tương tự, trước hết cần phải giáo dục lối sống lành mạnh, kiến thức về pháp luật cho thanh thiếu niên. Nhà trường không chỉ dừng lại ở việc dạy văn hóa mà cần có sự phối hợp, trao đổi thường xuyên về thông tin để nắm bắt các biểu hiện tâm lý của học sinh.