Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đoàn Thị Huệ - khoa Điều trị nghiện chất, Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia là người đã từng tiếp xúc, điều trị cho nhiều nạn nhân của đồ uống có cồn cho biết, đa phần bệnh nhân đến điều trị nghiện rượu bia đều kể rằng, ban đầu họ uống rượu vì xã giao. Nhưng họ không hề biết rằng, rượu bia chính là chất gây nghiện, càng uống thì càng lệ thuộc vào nó và tăng dần số lần uống lên mỗi ngày.
"Họ bắt đầu uống vào bữa ăn chính xong dần dần uống sang bữa sáng rồi uống vào mọi bữa ăn trong ngày. Tình trạng này kéo dài 1-2 năm khiến họ trở nên thèm nhớ. Sau đó họ không chỉ sử dụng rượu bia trong bữa ăn mà sử dụng cả vào giờ giải lao. Quá trình sử dụng rượu khiến chất lượng làm việc giảm, tiền kiếm về ít. Khi không có tiền thì họ mua chịu, cầm đồ lấy tiền mua rượu rồi túng quẫn sinh ra trộm cắp.... Đó là cái vòng luẩn quẩn của người nghiện rượu bia"- bác sĩ Huệ nói.
Trong quá trình điều trị, bác sĩ Huệ gặp nhiều hoàn cảnh chua xót, người chồng vì nghiện rượu xuất hiện rối loạn tâm thần, sinh ra ghen tuông, hoang tưởng nghĩ rằng vợ mình đi ngoại tình với người này người kia. Chính sự hoang tưởng do rượu bia này đã phá vỡ nhiều cuộc hôn nhân, thậm chí khiến người vợ bỏ nhà ra đi, tự tử để giải thoát cuộc sống đầy mệt mỏi, khổ đau.
Bệnh nhân nghiện rượu thường gặp các triệu chứng sảng rượu, loạn thần.
Đặc biệt, với người đã nghiện rượu bia, bác sĩ dặn dò phải tuyệt đối không được uống rượu bia. Lập tức, bệnh nhân phản ứng: Không uống rượu bia thì thành... đàn bà à? Không uống thì sống không có anh em à?… Rồi họ lại lén lút uống, dần dần công khai tiếp tục lao vào ma men, nghiện rượu tái đi tái lại và vào viện điều trị vô cùng tốn kém, khiến gia đình lao đao.
Chuyên gia tâm thần học này cho rằng, chính sự sẵn có của rượu bia, mua rẻ và dễ dàng như mua rau ngoài chợ nên người bệnh sau khi cai nghiện vẫn uống, vẫn tái nghiện nhập viện bình thường. "Trong khi 1 lít rượu vài chục nghìn đồng uống thoải mái thì một viên thuốc cai nghiện lại đắt, chưa kể cần có thêm những thứ khác đi kèm”- bác sĩ Huệ bày tỏ.
Rượu bia - thức uống gây bệnh tật và nghèo đói
ThS. Nguyễn Thị Minh Hạnh - Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho biết: Rượu, bia là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, trong đó 20% ca tử vong do TNGT; 30% ca tử vong do ung thư thực quản, ung thư gan, động kinh, giết người; 50% ca tử vong do ung thư gan.
Đồng thời, sử dụng rượu, bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong số 10 yếu tố nguy cơ gây bệnh tật và tử vong hàng đầu (70% ca tử vong do xơ gan ở nam do sử dụng rượu bia; 15% số giường bệnh tại các BV tâm thần dành cho điều trị người bệnh loạn thần do rượu bia).
Cùng với gánh nặng bệnh tật, rượu bia còn gây nên gánh nặng kinh tế với cá nhân, gia đình và xã hội do các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm, mất năng suất lao động và chi phí giải quyết các hậu quả xã hội khác. Chi phí trực tiếp của Việt Nam năm 2017 cho tiêu thụ rượu bia là 4,37 tỷ đô la/năm. Năm 2018 là 4,67 tỷ lít chưa kể 70 triệu lít rượu công nghiệp và hàng trăm triệu lít rượu thủ công.
Việt Nam - "cường quốc" về sử dụng rượu bia làm gia tăng gánh nặng cho xã hội. Ảnh minh họa.
“Bình quân 420 đô la/người/năm, trong khi chi cho tiêu cho y tế năm 2013 chỉ có 113 đô la/người/năm-chưa kể chi phí gián tiếp cho giải quyết hậu quả do rượu bia. Đồng thời, năm 2017 ngành công nghiệp rượu bia nước giải khát nộp ngân sách Nhà nước là 50 nghìn tỷ đồng, tương đương 09,% GDP. Trong khi đó, tổn thất do rượu bia gây ra ở nước ta là 2% GDP và chi phí cho tiêu thụ rượu bia là hơn 4,3 tỷ, nhiều gấp 2 lần so với mức nộp ngân sách nhà nước” - ThS. Minh Hạnh phân tích.
Đối với từng hộ gia đình, sử dụng rượu, bia dẫn đến những hậu quả như thành viên trong gia đình bị chấn thương; tai nạn và thiệt hại về người/tài sản; mất thu nhập do dành thời gian chăm sóc người say rượu, bia; vi phạm hành chính; phải đền bù thiệt hại khi người thân gây tai nạn thương tích. Tổng thiệt hại kinh tế do các hậu quả này gây ra đối với hộ gia đình là 8.882 tỷ đồng trong năm 2017, gần 0,2% GDP.
Không chỉ gây thiệt hại kinh tế, gánh nặng bệnh tật cho từng hộ gia đình mà rượu, bia còn là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội-có đến 70% số vụ phạm pháp hình sự ở Việt Nam có nguyên nhân xuất phát từ sử dụng rượu bia ở nhóm trẻ dưới 30 tuổi; có tới 32,5% phụ nữ đã kết hôn hoặc đang chung sống với bạn tình cho biết đã chịu tác hại từ chồng/bạn tình uống rượu, bia-cao nhất trong số 9 nước khảo sát. Chưa kể đế những hậu quả từ lạm dụng tình dục với phụ nữ, trẻ em bên ngoài…
Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng: "Vấn đề là phải làm cho rượu bia trở nên khó tiếp cận hơn, không sẵn có, tràn lan như hiện nay bằng cách đánh thuế cao để giá cao, hạn chế/cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, hạn chế mật độ điểm bán, giờ bán, điểm uống, giờ uống, lái xe thì không uống và xử phạt nghiêm.
Đó mới là giải pháp gốc rễ để cho con người có thể còn đủ tỉnh táo mà nghĩ đến trách nhiệm sau mỗi cốc bia, chén rượu".