Đến dự Buổi Lễ có các vị chức sắc tôn giáo, Lãnh đạo ngành y tế, Đại diện các cơ quan chính quyền, đoàn thể, và các tầng lớp nhân dân, tăng ni, phật tử đang tu tập tại chùa tại Chùa.
Buổi Lễ đăng ký hiến tặng mô, tạng tại Chùa Giác Ngộ là chương trình tuyên truyền, vận động và tiếp nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng đầu tiên được tổ chức với hình thức sinh hoạt Phật giáo cho các tầng lớp nhân dân, tăng ni, phật tử. Buổi Lễ vừa là nơi giao lưu, chia sẻ của những tấm lòng vàng đã hiến máu, đăng ký hiến xác, giác mạc sau khi chết, vừa là nơi các tầng lớp nhân dân, tăng ni, phật tử có thể giãi bày những thắc mắc của mình xung quanh vấn đề hiến tặng mô, tạng cho y học và được các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành, các bậc tu hành trả lời. Đặc biệt, mọi người có thể đăng ký và cấp thẻ hiến tạng tại Buổi Lễ.
Hơn 20 năm phát triển, ngành ghép tạng ở Việt Nam đã có những bước tiến dài về mặt công nghệ, kỹ thuật, đạt trình độ tương đương với các nước trong khu vực và thế giới. Mạng lưới cơ sở y tế có đủ năng lực ghép tạng cũng đã phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, có 17 cơ sở y tế có đầy đủ về kỹ thuật để thực hiện ghép tạng.
Theo đó, kể từ khi ca ghép thận đầu tiên thành công tại Quân y viện 103 vào năm 1992. Tính đến ngày 15/6/2016, Việt Nam đã thực hiện được 1.281 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 16 ca ghép tim, 08 ca ghép tủy, 01 ca ghép khối Thận - Tụy và 01 ca ghép khối Tim - Phổi. Đáng chú ý, Việt Nam đã thực hiện được các ca ghép đa tạng và vận chuyển tạng đi xa hàng nghìn km để thực hiện cấy ghép như đã thực hiện trong những năm vừa qua.
GS. Trịnh Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, ghép tạng tại Việt Nam tuy có những bước tiến vượt bậc nhưng cũng đang gặp phải khó khăn lớn nhất là vấn đề khan hiếm nguồn tạng. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, có hơn 6.000 người bị suy thận mãn đang cần được ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội), khoảng 300.000 người bị mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc; hàng trăm người đang chờ được ghép tim, phổi...
GS. Trịnh Hồng Sơn cho biết, nhiều bệnh nhân đã phải chết trong thời gian chờ ghép tạng. Trong khi đó, nguồn mô, tạng từ hàng chục ngàn ca chết não, chết ngừng tim vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa người bệnh. Đây là một sự lãng phí vô cùng lớn.