Đăng kiểm “rởm”, tai nạn... thật!

11-02-2014 06:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Đăng kiểm xe (ĐKX) thường kỳ vốn là một trong những khâu quan trọng trong việc giám sát, đảm bảo an toàn kỹ thuật cho các phương tiện khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, trong hoạt động ĐKX còn tồn tại nhiều lỗ hổng, đặc biệt đối với đăng kiểm tư nhân.

Đăng kiểm xe (ĐKX) thường kỳ vốn là một trong những khâu quan trọng trong việc giám sát, đảm bảo an toàn kỹ thuật cho các phương tiện khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, trong hoạt động ĐKX còn tồn tại nhiều lỗ hổng, đặc biệt đối với đăng kiểm tư nhân. Vì lợi nhuận, các doanh nghiệp này thường sử dụng các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh như hạ thấp tiêu chuẩn, bỏ bớt hạng mục kiểm định... Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều xe mắc lỗi kỹ thuật vẫn được lưu thông trên đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Đăng kiểm xe rất cần sự kiểm định công tâm để đảm bảo an toàn (ảnh có tính minh họa).

Đăng kiểm xe rất cần sự kiểm định công tâm để đảm bảo an toàn (ảnh có tính minh họa).

Còn tồn tại nạn “bôi trơn” khi ĐKX

Mới đây, sau khi kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã quyết định đình chỉ chức danh đăng kiểm viên đối với 3 nhân viên đăng kiểm, trong đó có 2 nhân viên thuộc Trung tâm Đăng kiểm 9001S - Hà Nam và 1 nhân viên thuộc Trung tâm Đăng kiểm 7801S - Phú Yên. Lý do bị đình chỉ là do các đăng kiểm viên này đã vi phạm quy định, tiêu chuẩn trong công tác kiểm định, đánh giá sai kết quả kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho một số xe tải tự độ thùng hàng lớn để chở hàng vượt quá tải trọng cho phép, gây mất an toàn và làm hư hỏng cầu đường. Thực tế, trong hoạt động ĐKX ở không ít trung tâm đăng kiểm còn nhiều “lỗ hổng”, “dễ dãi”, chỉ cần chủ xe “bôi trơn” thì các xe dù không đảm bảo kỹ thuật, quá tải trọng vẫn “lọt lưới” kiểm định. Mặt khác, tại một số trung tâm, các kiểm định viên thực hiện nhiều kỹ thuật “bắt lỗi” xe khiến các chủ xe nếu không chịu “bôi trơn” thì cũng khó nhận được giấy ĐKX. Đơn cử như tại Trung tâm Đăng kiểm quận Ba Đình, Hà Nội, xe vào “khám” thường được các đăng kiểm viên “bắt bệnh” trên hai nội dung chính: xe và giấy tờ. Nhưng thường là xe, bởi có quá nhiều cách để tạm dừng đăng kiểm hoặc chờ vì thiếu các chi tiết kỹ thuật. Trong đó, các “phụ đồ” như phanh, xi lanh, vỏ, thùng, lốp, vòng quay vô lăng, kính, hộp số, hộp đen kỹ thuật... thường được thông báo “thiếu hoặc yếu” để chủ xe tính “phương án”. Tất nhiên, ai cũng hiểu “phương án” chính là phí qua cửa và nếu muốn hoàn tất xe ngay, số tiền bồi dưỡng sẽ tương ứng với “phụ đồ” cần kiểm tra. Tại không ít trung tâm đăng kiểm, nhiều chủ xe cho biết, khi đăng kiểm xe tại đây chỉ những lỗi rất nhỏ như phanh không đủ dầu bơm, côn sâu, còi yếu, bình phanh hơi không đủ tiêu chuẩn, lốp mòn... nếu không “lót tay” chắc chắn xe sẽ bị đánh trượt, thậm chí “hành” từ ngày này qua ngày khác, đến lúc buộc phải xuất tiền mới thôi.

Giám sát để hạn chế tiêu cực?

Tại Hội nghị Nâng cao chất lượng đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa tổ chức mới đây, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy còn tồn tại những hành vi tiêu cực trong công tác đăng kiểm, đặc biệt đối với các cơ sở đăng kiểm tư nhân. Các lỗi thường gặp là không kiểm tra vẫn cấp giấy chứng nhận đăng kiểm; đăng kiểm viên không nắm vững quy trình, thao tác kiểm tra; cấp sai chu kỳ kiểm định, tải trọng cho phép; kiểm tra không đúng hạng mục công trình, bỏ hạng mục; sai phạm về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường... Để hạn chế tình trạng này, Cục sẽ lắp camera theo dõi tại các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc nhằm giám sát, phát hiện xử lý tiêu cực trong công tác đăng kiểm. Theo khảo sát của PV, hiện một số trạm đăng kiểm vẫn sử dụng các dây chuyền kiểm định xe đã quá cũ, đặc biệt tại khối đăng kiểm tư nhân; hệ thống camera giám sát các khâu kiểm định chưa có hoặc chưa được kết nối với Cục. Để hạn chế tình trạng trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, thời gian tới sẽ thay thế các dây chuyền kiểm định cũ, không có khả năng kết nối với mạng máy tính bằng những dây chuyền kiểm định hiện đại. Tại từng trạm phải trang bị hệ thống camera giám sát hoạt động của từng dây chuyền kiểm định xe. Hình ảnh sẽ truyền trực tiếp tới Phòng Giám đốc trạm, Phòng chờ kết quả và Phòng quản lý của Cục (đặt tại Hà Nội), được lưu giữ tối thiểu 30 ngày. TS. Nguyễn Trường Nguyên, giảng viên trường Đại học Giao thông Vận tải chia sẻ: Nếu không hạn chế tiêu cực thì với sự gia tăng chóng mặt của lượng phương tiện, tương ứng với nó là lượng phương tiện “quá đát” theo năm tháng, tai nạn giao thông sẽ không thể kiểm soát khi còn rất nhiều xe không đủ tiêu chuẩn vẫn được lưu hành. Lắp camera để hạn chế tiêu cực nhưng để hạn chế tối đa tiêu cực, chính ngành đăng kiểm phải có sự “thanh lọc” mạnh mẽ. Camera rốt cuộc chỉ là công cụ, phương pháp xử lý mới là điều quan trọng. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Trạm đăng kiểm 50-02S chia sẻ: Các giao dịch, thỏa thuận tiêu cực giữa đăng kiểm viên và chủ xe vẫn có thể diễn ra bên ngoài trạm đăng kiểm. Vì thế, nâng cao nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đăng kiểm viên là việc vẫn phải làm thường xuyên.

“Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng xe” được xác định là chủ đề của Năm An toàn giao thông 2014 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổng kết công tác trật tự ATGT năm 2013 và nhiệm vụ năm 2014 với các tỉnh, thành phố do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì.

Vi Hoàng Minh

 


Ý kiến của bạn