Kịch bản đã được dự liệu
Hàng triệu cử tri Mỹ đã đi bầu lại toàn bộ Hạ viện và hơn 1/3 Thượng viện. Trước thềm cuộc bầu cử, dư luận cùng các cuộc thăm dò đều cho rằng kịch bản dễ xảy ra nhất là đảng Dân chủ sẽ giành được Hạ viện, trong khi đảng Cộng hòa vẫn giữ vai trò chủ chốt ở Thượng viện. Kết quả lần này cũng không quá khó đoán định vì trong cuộc bầu cử lần này tại Thượng viện số ghế của đảng Cộng hòa phải bầu lại chỉ chiếm khoảng 1/3 so với đảng Dân chủ, như vậy khả năng để đảng Dân chủ giành thêm ghế để kiểm soát Thượng viện là khá thấp.
Cuộc bầu cử giữa kỳ này được đánh giá không khác gì một cuộc chạy đua vào chức Tổng thống khi các ứng viên như Tổng thống đương nhiệm hay cựu Tổng thống Obama có các chuyến vận động không ngừng nghỉ cho đảng của mình. Người dân Mỹ đã hồi hộp theo dõi bảng cập nhật kết quả, điều này cũng đủ thấy cuộc đua vào Hạ viện năm nay gay cấn và căng thẳng đến nhường nào. Khi kết quả sơ bộ được công bố, cảm xúc đã vỡ òa trong hàng triệu cử tri Mỹ. Từ đây, một chặng đường mới trong lịch sử nước Mỹ đã được mở ra. Lần đầu tiên sau 8 năm, đảng Dân chủ giành đủ số ghế để kiểm soát Hạ viện trong nhiệm kỳ Quốc hội Mỹ khóa 116 sẽ bắt đầu vào ngày 20/1/2019.
Kỳ bầu cử này được xem như một cuộc trưng cầu dân ý về những gì Tổng thống D.Trump đã làm trong suốt 2 năm qua. Và kết quả cho thấy, đảng Dân chủ, đảng đã từng trắng tay ra về trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016 giờ “lội ngược dòng” nắm thế thượng phong ở Hạ viện. Chiến thắng mà phe Dân chủ giành được chủ yếu nhờ số cử tri ở những điểm bỏ phiếu ở vùng ngoại ô bang Washington DC., Miami, Detroit, Denver…
Khó khăn sẽ bủa vây nhà lãnh đạo Mỹ?
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này có ý nghĩa quyết định đến tương lai chính trị, kinh tế và vai trò của nước Mỹ trên thế giới. Sự kiểm soát tuyệt đối của đảng Cộng hòa ở cả 2 viện Quốc hội và ngay cả Tổng thống Mỹ cũng là người của đảng Cộng hòa trong suốt 2 năm qua đã khiến nước Mỹ có nhiều thay đổi. Tổng thống không gặp nhiều khó khăn khi thông qua các chính sách khi mà lưỡng viện Quốc hội đều nằm trong tay phe Cộng hòa. Tuy nhiên điều này sẽ không còn nữa.
Bà Nancy Pelosy, từng là Chủ tịch Hạ viện Mỹ năm 2007 nói: “Ngày mai sẽ là một ngày mới ở nước Mỹ. Hôm nay, người dân Mỹ đã lên tiếng để lấy lại tương lai của mình”. Bà còn thẳng thừng tuyên bố, các thành viên của đảng Dân chủ sẽ kiềm chế Tổng thống Mỹ. Họ có thể chuẩn bị một chương trình nghị sự cho một đất nước đã có quá nhiều “sự chia rẽ”.
Điều mà có lẽ chính quyền của Tổng thống Mỹ lo sợ là phe Dân chủ có thể mở lại các cuộc điều tra nhằm vào cá nhân Tổng thống như xem xét cáo buộc Tổng thống có mối liên hệ với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016, hoặc xem xét lại các chính sách gây tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ về vấn đề người nhập cư, chăm sóc sức khỏe hay bảo vệ môi trường…. Đơn cử như ý định của Tổng thống Trump muốn bãi bỏ Đạo luật chăm sóc sức khỏe ObamaCare của người tiền nhiệm mà Tổng thống cho là gây tốn kém, tuy nhiên để làm được điều này, Tổng thống sẽ phải thông qua Hạ viện với đa số phiếu tán thành.
Tông thống D.Trump cho biết ông sẽ cải tổ nội các sau cuộc bầu cử. Tuy nhiên việc giành chiến thắng ở Thượng viện – cơ quan phê chuẩn các vị trí mới trong chính quyền Mỹ được xem là có lợi cho Tổng thống trong điều hành đất nước trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống.
Kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ không chỉ tác động tới chính sách, vai trò của Mỹ trên thế giới mà còn tác động lớn tới cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2020.