Hà Nội

Dân vùng 'rốn lũ' mong khơi thông hang thoát nước để lũ không dâng lên tận nóc nhà

12-03-2023 16:08 | Thời sự
google news

SKĐS - Mùa mưa bão, nước từ các con sông, suối đổ về vùng lòng chảo Tân Hóa rồi bị ứ đọng. Người dân mong muốn một số hang thoát nước chính được khơi thông để lũ không còn dâng quá cao.

Xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) nằm trong vùng lòng chảo, bao quanh bởi những dãy núi đá. Địa phương này được xem là "túi đựng nước", vùng "rốn lũ" của huyện miền núi Minh Hóa. Bởi hầu hết sông, suối của huyện này đều tập trung về Tân Hóa, sau đó đổ xuống thượng nguồn sông Rào Nan qua các hang động đá vôi nằm trong Hệ thống hang động Tú Làn. Khi lũ về, vị trí thoát nước thường bị cây cối, đất đá gây tắc nghẽn nên nước rút chậm, gây ngập sâu.
Người dân vùng "rốn lũ" mong khơi thông hang thoát nước để lũ không dâng lên tận nóc nhà - Ảnh 1.

Xã tân Hóa nằm trong khu vực lòng chảo, bao quanh là các dãy núi đá.

Cứ đến mùa mưa bão, người dân xã Tân Hóa lại tất tả cùng nhau "chạy lũ". Người dân di chuyển người và tài sản lên sườn núi dựng lều, căng bạt để tạm qua những ngày nước ngập. Từ việc chấp nhận đi "chạy lũ" thì người dân xã Tân Hóa đã có sáng kiến làm nhà phao để "sống chung với lũ". 

Nhà phao được dựng trên 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng kết lại, khi nước dâng cao, nhờ các thùng phi rỗng này mà nhà nổi theo nước. 

Ngôi nhà đặc biệt sẽ là nơi cư trú cho cả gia đình và còn chứa thêm các vật dụng thiết yếu, lương thực...

Dù đã có những sáng kiến để mùa lũ bớt khó khăn, nguy hiểm hơn, người dân ở xã Tân Hóa vẫn luôn mong được sự quan tâm từ các cấp để khơi thông một số hang động, nơi thoát nước chính tránh tình trạng tắc nghẽn khiến nước ngập sâu trong mùa mưa, bão.

Người dân vùng "rốn lũ" mong khơi thông hang thoát nước để lũ không dâng lên tận nóc nhà - Ảnh 2.

Để "sống chung với lũ", người dân Tân Hóa xây dựng nhiều nhà phao có thể nổi trong lũ.

Bà Đinh Thị Son (63 tuổi) xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, xã Tân Hóa là nơi đón nước từ các sông, suối chảy về. Để ra khỏi Tân Hóa, lượng nước này phải chảy qua nhiều hang động, nhưng chủ yếu là qua hang Rục Cái (hang Chuột) và hang Rục On (hang Sơng).

"Mùa mưa đến nhiều cây cối, đất đá và rác chảy theo vào làm tắc một số hang, nước nguồn về nhiều mà rút rất chậm nên lũ dâng rất cao. Như đợt lũ 2020, nước dâng lên tận nóc nhà. Dù có nhà phao trú tạm nhưng chúng tôi cũng lo sợ lắm. Chỉ mong các đơn vị tìm phương án khơi thông các hang thoát nước để mùa mưa lũ thoát nhanh không. Khi đó nước lũ không bị dâng quá cao gây nguy hiểm và thiệt hại cho người dân", bà Son cho biết.

Người dân vùng "rốn lũ" mong khơi thông hang thoát nước để lũ không dâng lên tận nóc nhà - Ảnh 3.

Người dân vùng "rốn lũ" Tân Hóa mong khơi thông hang thoát nước để lũ không dâng lên tận nóc nhà.

Ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, việc khơi thông một số hang thoát lũ chính cho xã Tân Hóa sẽ góp phần giảm tình trạng lụt lớn và kéo dài.

"Tuy không thể chấm dứt tình trạng lũ khi mùa mưa, bão tới nhưng nếu hang được khơi thông thì lũ thoát nhanh khiến mực nước ngập không quá sâu. Bình thường có thể lũ tới 3-4m, khi hang được khơi thông mực nước lũ có thể giảm còn 1-2m. Điều này cũng góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân", ông Duẩn cho biết.

Người dân xã Tân Hóa luôn mong muốn và đã có kiến nghị tới chính quyền, các ban ngành, tổ chức để lên phương án khơi thông hang. Chính quyền xã Tân Hóa cũng đã có những đề xuất lên cấp trên liên quân đến kiến nghị của người dân địa phương.

Về phía UBND huyện Minh Hóa (Quảng Bình), sau khi nhận kiến nghị của người dân đơn vị này sẽ chỉ đạo các phòng, ban kiểm tra, xem xét và căn cứ vào tình hình thực tế, có biện pháp xử lý nhằm giảm thiểu ngập lụt tại xã Tân Hóa.

"Rốn lũ" Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) trong trận lũ lịch sử 2020.



Hùng Trần
Ý kiến của bạn