“Dân tang” và vòng tròn bất tử

13-10-2013 8:59 PM | Xã hội

Trong mọi đám tang, người đến viếng chỉ có mặt tại nơi quàn linh cữu để vĩnh biệt người quá cố theo thông báo ngày giờ, địa điểm của Ban tổ chức lễ tang. Trong lúc chờ đến thời điểm lễ tang để đến viếng, những người thật thân thiết đến tận gia đình để thăm hỏi, chia buồn.

Trong mọi đám tang, người đến viếng chỉ có mặt tại nơi quàn linh cữu để vĩnh biệt người quá cố theo thông báo ngày giờ, địa điểm của Ban tổ chức lễ tang. Trong lúc chờ đến thời điểm lễ tang để đến viếng, những người thật thân thiết đến tận gia đình để thăm hỏi, chia buồn. Sự kiện hàng vạn người dân đến 30 Hoàng Diệu sau khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất trong mấy ngày qua không thể gọi là "đến viếng" mà là đến chia buồn với gia đình từ những trái tim, những tấm lòng. Đây là sự kiện độc nhất vô nhị phát sinh từ lòng dân trở thành một "Lễ" và nên gọi là "Lễ tưởng niệm" chứ không thể là "Lễ viếng".

Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lễ viếng, lễ truy điệu vào hai ngày 12-13/10/2013 nhưng sau khi biết tin Đại tướng ra đi, người dân theo sự thúc giục của trái tim đã đến trước nhà Đại tướng, được vào nơi Đại tướng sống và làm việc để tưởng niệm với hàng vạn người thì có thể gọi những ngày ấy là những ngày "Dân tang".

Càng gần cuối những ngày được vào nhà Đại tướng để tưởng niệm, dòng người càng đông thêm. Ngày cuối cùng, dòng người xếp hàng từ nhà Đại tướng kéo tới đường Điện Biên, chạy dọc theo Quảng trường Lăng Bác, vòng qua đường Hoàng Văn Thụ, ngoặt lại đường Hoàng Diệu tạo thành một vòng tròn lớn quanh ngôi nhà Đại tướng. Đó thật sự là vòng tròn bất tử trong lòng dân.

Trong ngày đưa tiễn Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng, hàng vạn người dân thức suốt đêm để chờ viếng và tiễn đưa Người. Linh xa chở người Anh hùng dân tộc về phía Nội Bài nhưng đường phố nơi Người đi qua vẫn còn đấy những dòng nước mắt dõi theo. Hàng vạn người không quen biết bỗng gần nhau hơn, trở nên thân thiết bởi sau mùa thu 1969, đất nước lại một lần triệu trái tim chung một nỗi đau thành vòng tròn bất tử trước mất mát này.

Trái tim Đại tướng như quả núi nam châm lớn hút nhân dân xích lại gần nhau trong vòng tròn bất tử ấy. Những dòng người xếp hàng chờ đợi từ đêm, suốt ngày nhưng chưa thấy chuyện chen lấn, xô đẩy. Sự yêu thương nhường nhịn trong dân bộc lộ rõ nhất trong những ngày "Dân tang" này khi dù suốt thời gian chờ đợi dài qua nắng, oi, bụi để "đến đích", người dân vẫn sẵn sàng nhường cho các cụ già, đoàn thương binh, đoàn trẻ mầm non vào trước. Nhiều cụ già vẫn đứng xếp hàng theo tấm gương "nhẫn" của Đại tướng. Những giờ phút đứng trong hàng tưởng niệm chờ đến lượt được vái lạy trước bàn thờ người Anh hùng dân tộc, lòng mỗi người như lắng lại, thấy trong sạch hơn.

Không một chỉ thị, một giấy chứng nhận nhưng nhiều người dân đã âm thầm tự nguyện mua nước, bánh mỳ, mũ, quạt dành tặng cho đồng bào mình đang đứng trong "Dòng tưởng niệm". Không có chuyện "chặt chém" giữ xe ngoài việc miễn phí. Lại càng không có chuyện mất cắp giữa đám đông như thường thấy. Không ai bảo ai nhưng mỗi người đều tự thấy mình là cháu con ruột thịt của Đại tướng. Cuộc đời và sự ra đi của Đại tướng đã làm mỗi con người nhìn lại mình trở nên thánh thiện hơn.

Có một chuyện thật cảm động là Đại tướng mất nhưng chưa "phát tang" song đội bóng đá U19 Việt Nam trước khi thi đấu tại nước ngoài đã có băng tang trên ngực. Lạ là cũng đối thủ ấy từng hạ U19 ta tới 4-0 và lần này tưởng hòa là may nào ngờ các em làm nên chiến tích 5-1 trước đối thủ. Tinh thần Võ Nguyên Giáp đã tiếp sức cho các em chăng. Khi thời gian tưởng niệm tại nhà riêng Đại tướng rút ngắn lại một ngày, U19 Việt Nam từ nhiều miền đất nước bay tới Nội Bài vào gần 22h ngày 10/10, cả đội lập tức tập trung và hướng thẳng tới địa chỉ 30 Hoàng Diệu. Đến muộn 1 tiếng, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đầu không cho phép U19 vào bên trong do lực lượng bảo vệ, cảnh sát thiếu và bà con tập trung quá đông trước cửa. Người dân đã đồng thanh hứa là sẽ không ùn đẩy, chen lấn để vào và xin gia đình mở cửa để U19 có thể vào tưởng niệm. Và ngoại lệ đã thành. Những chàng trai 18-19 tuổi ấy như biểu tượng của thế hệ trẻ Việt đã hứa trước ban thờ NGƯỜI và chúng ta có thể tin vào hồng phúc của dân tộc.

Dòng tưởng niệm trong dân trong những ngày "Dân tang" và hai ngày tiễn đưa Đại tướng đã thành vòng tròn bất tử như sự đoàn kết của cả một dân tộc. Vòng tròn ấy không ai có thể tạo dựng được ngoài sự yêu thương kính trọng từ mỗi trái tim con dân nước Việt. Vòng tròn ấy khiến tất cả những ai đang sống phải tự soi lại mình để sống cho xứng với dân.

"Dân tang" không bao giờ thờ nhầm bất cứ ai. Sự sáng suốt trong triệu con tim ấy cũng chính là vòng tròn bất tử tạo thành sức mạnh trước mọi thử thách, bởi khi dân đã đồng lòng thì không trở ngại nào có thể cản nổi bước đi của dân tộc.

Lê Quý Hiền


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH