Dân số Việt Nam hơn 96 triệu người, là nước đông dân thứ 15 thế giới

11-07-2019 22:06 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 11/7 là Ngày Dân số Thế giới cũng là ngày Việt Nam công bố kết quả sơ bộ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc.

Tính đến 0h ngày 1/4/2019, dân số Việt Nam đạt 96.208.984 người, trở thành quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines.

Dân số cả nước đạt 96,2 triệu người

Số liệu công bố cho thấy trong tổng dân số 96.208.984 người, nam giới 47.881.061 người (49,8%), nữ giới 48.327.923 người (50,2%). Sau 10 năm (2009-2019) quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1989-2009, tăng khoảng 1,18 triệu người/năm. Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cũng cho thấy Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Năm 2019, mật độ dân số cả nước đạt 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. 2 thành phố có mật độ dân số cao trong cả nước là Hà Nội 2.398 người/km2 và TP.HCM 4.363 người/km2. Mật độ dân số của 2 trung tâm kinh tế xã hội này cao gấp hơn 10 lần so với mật độ chung của cả nước.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kết quả Tổng điều tra ghi nhận cả nước có khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học không đi học giảm từ 16,4% (năm 2009) xuống 8,3% (năm 2019). Tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học hiện không đi học ở khu vực nông thôn cao gấp 1,7 lần so với thành thị. Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long là các vùng có tỷ lệ dân số thuộc nhóm này cao nhất cả nước, tỷ lệ trẻ em không đi học mỗi vùng là 13,3%. Cũng theo ông Lâm, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học nhưng không đến trường ở vùng Đồng bằng sông Hồng thấp nhất cả nước, khoảng 3,2%. Tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên năm 2019 là 95,8%, tăng 1,8 % so với năm 2009.

Dân số Việt Nam hơn 96 triệu người, là nước đông dân thứ 15 thế giới91,7% dân số trong độ tuổi đi học hiện đang đi học tại các trường.  Ảnh: TM

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở cả nước cũng cho thấy tổng số hộ gia đình cả nước đạt 26.870.079 hộ, tăng 4,4 triệu hộ sau 10 năm. Tỷ lệ tăng số hộ dân cư giai đoạn 2009 - 2019 là 18,0%, bình quân tăng 1,8%/năm. Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, trong 20 năm qua, điều kiện nhà ở của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở khu vực thành thị. Có 93,1% hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố.

Nâng cao vị thế của thống kê Việt Nam trong cộng đồng thống kê

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng - Phó Trưởng ban Chỉ đạo cho biết, đây là cuộc Tổng điều tra có quy mô lớn nhất nhưng thời gian thực hiện ngắn nhất (hơn 3 tháng) và tiết kiệm kinh phí, nguồn lực thực hiện nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp về công nghệ thông tin trong tác nghiệp. “Không phải in phiếu điều tra, không phải nhập số liệu hoặc quét số liệu nên tiết kiệm được kinh phí in ấn, vận chuyển, chương trình phần mềm chuyển đổi dữ liệu từ phiếu giấy sang dạng số hóa và các chi phí liên quan khác... Ngoài ra, với việc không đầu tư máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh tập trung mà huy động sử dụng thiết bị của điều tra viên thống kê, do vậy đã tiết kiệm được ngân sách nhà nước trong đầu tư thiết bị”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Cuộc Tổng điều tra đã nâng cao vị thế của thống kê Việt Nam trong cộng đồng thống kê thế giới khi là một trong ít quốc gia thực hiện phiếu điện tử di động (CAPI) trong điều tra, chiếm 99,9%, còn lại chỉ sử dụng phương pháp điều tra phiếu giấy truyền thống và webform. Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá, Tổng điều tra năm 2019 này đã tuân thủ hoàn toàn các quy định, quy chuẩn điều tra dân số, nhà ở của quốc tế nên các thông tin thu được là đầy đủ và chính xác.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh, cuộc Tổng điều tra vào 0h ngày 1/4/2019 đã diễn ra theo đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn và thành công tốt đẹp. Kết quả của Tổng điều tra là nguồn thông tin chủ yếu và tin cậy về tình hình dân số, nhân khẩu học, tình trạng nhà ở của dân cư nhằm đáp ứng mục tiêu để tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu trong hệ thống thống kê quốc gia, phục vụ nhu cầu thông tin của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, cả ở Trung ương và địa phương trong đánh giá tình hình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế-xã hội nói chung, đặc biệt là vấn đề dân số và nhà ở.

Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần này cũng có ý nghĩa phục vụ dữ liệu cho các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xem xét, cơ cấu và hoạch định đường lối, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, hệ thống pháp luật, chính sách về dân số và nhà ở đến năm 2030 - thời điểm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045 - 100 năm thành lập nước.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn