Hà Nội

Dân số Việt Nam già hóa nhanh chóng, thách thức mới cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

08-12-2022 22:23 | Xã hội
google news

SKĐS - Già hóa dân số là hiện tượng mang tính toàn cầu và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tình trạng này đặt ra thách thức mới cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của lớp người đáng kính này.

Số người cao tuổi ở Việt Nam liên tục tăng nhanh

Theo TS. Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự báo sẽ kéo dài đến năm 2038. Đồng thời, nước ta cũng đang trong giai đoạn già hóa dân số, bắt đầu từ năm 2011 và dự kiến sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già cũng vào năm 2038.

Cơ cấu dân số chuyển dịch theo hướng tăng dân số trong độ tuổi lao động góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, già hóa dân số cũng sẽ đặt ra thách thức khi tốc độ già hóa nhanh trong bối cảnh nước ta vẫn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình.

PGS.TS. Nguyễn Trung Anh – Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn so với các dự báo trước đó là vào năm 2017.

Số người cao tuổi ở Việt Nam liên tục tăng nhanh trong những năm trở lại đây, hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 11,86% dân số). Tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số.

Tỷ lệ dân số trên 60 tuổi ở Việt Nam năm 2022 là 12% và đến năm 2050 là 28%. Trong khi Australia mất 72 năm thì Việt Nam mất 16 năm để chuyển từ nước sắp già sang nước đã già (tỷ lệ dân số trên 65 tuổi gia tăng).

Theo nghiên cứu trên người cao tuổi tại cộng đồng của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, các hội chứng lão khoa thường gặp ở người cao tuổi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thúc đẩy và gây suy giảm chức năng và khuyết tật. Các hội chứng lão khoa phổ biến nhất là: ngã, hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, suy dinh dưỡng, tình trạng đa bệnh lý.

Bên cạnh đó, chi phí y tế tăng cao, khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn hạn chế, thiếu nhân lực được đào tạo – thiếu người chăm sóc, việc thực thi các chính sách dành cho người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn như thiếu các văn bản hướng dẫn, thiếu nguồn lực về kinh tế, con người… cũng là những thách thức trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu chăm sóc dài hạn của người cao tuổi ngày càng tăng cao trong những năm tới do dân số Việt Nam vẫn đang già hóa nhanh và người cao tuổi đối mặt với các khó khăn trong hoạt động hàng ngày cũng như các khuyết tật về nhìn, nghe, vận động, nhớ hoặc tập trung và giao tiếp...

Trung bình mỗi người cao tuổi ở Việt Nam mắc trên 3 bệnh phối hợp - Ảnh 2.

Chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi là yêu cầu cấp thiết. Ảnh: M.Nhâm

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác dân số và luôn có sự điều chỉnh trong chính sách để phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tế Việt Nam. Trong bối cảnh quốc tế và các vấn đề dân số trong nước đòi hỏi phải có những đổi mới công tác dân số để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề về dân số góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành TW Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới với quan điểm "tiếp tục chuyển trọng tâm công tác dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển". Đây là "kim chỉ nam" của công tác dân số trong tình hình mới.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 137/NQ-CP của Chính phủ giao 11 bộ, ngành xây dựng và thực hiện 39 nhiệm vụ, đề án nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 21-NQ/TW của Đảng. Hiện nay, 27/39 chương trình, đề án và nhiệm vụ đã được Chính phủ ban hành phê duyệt để triển khai trên phạm vi cả nước đến năm 2030. Các cấp ủy đảng, chính quyền ở địa phương đã và đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW.

Tại các tỉnh/thành phố, 63/63 cấp ủy đảng đã xây dựng và ban hành Chương trình/Kế hoạch của Tỉnh ủy hành động thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW phù hợp với bối cảnh và các vấn đề dân số tại địa phương, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đã ban hành các Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động. Trong đó, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là việc quán triệt sâu sắc, đầy đủ nội dung của Nghị quyết 21-NQ/TW; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đẩy mạnh công tác truyền thông để thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng thời, cũng xác định rõ trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động; tổ chức triển khai, đánh giá và giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW và Nghị quyết 137/NQ-CP, từ đó làm chuyển biến mạnh mẽ công tác dân số tại địa phương bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW đã đề ra.

Dân số Việt Nam già hóa nhanh chóng, thách thức mới cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi - Ảnh 3.

Nhiều chủ trương, chính sách đã đi vào cuộc sống nhằm giúp cho người cao tuổi "sống vui, sống khỏe, sống có ích". Ảnh: T.L

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chủ trương, chính sách đã đi vào cuộc sống nhằm giúp cho người cao tuổi "sống vui, sống khỏe, sống có ích". Hệ thống luật pháp, chính sách chăm sóc người cao tuổi tương đối đồng bộ và ngày càng được hoàn thiện. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 có tới 70% người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi và đạt 85% vào năm 2030.

Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025, 100% năm 2030; người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm đạt 70% năm 2025, 90% năm 2030.

100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

Ngoài những chính sách mang tầm vĩ mô, để thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, các chuyên gia cho rằng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng lao động là người cao tuổi... Về kinh tế, phải nâng cao năng suất lao động để bù đắp cho người già. Về chăm sóc sức khỏe, phải giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh. Doanh nghiệp cần cung cấp hàng hóa và dịch vụ thích hợp với người cao tuổi; tạo việc làm, sử dụng lao động cao tuổi; hỗ trợ nguồn lực đóng góp cho việc chăm sóc người cao tuổi.

Rõ ràng, già hóa dân số tạo ra những thách thức lớn về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa, song cũng mang đến nhiều cơ hội. Vấn đề là cách thức mà chúng ta lựa chọn để giải quyết các thách thức, cũng như tận dụng tối đa các cơ hội mà dân số già hóa nhanh chóng mang lại nhằm xác định liệu xã hội có được hưởng lợi hay không từ "cơ hội dân số già".

Người cao tuổi nâng cao kỹ năng tự chăm sóc, bảo đảm thích ứng già hóa dân số          Người cao tuổi nâng cao kỹ năng tự chăm sóc, bảo đảm thích ứng già hóa dân số

SKĐS - Trước thực trạng già hóa dân số đang diễn ra ở nước ta, việc nâng cao kỹ năng tự chăm sóc của người cao tuổi rất quan trọng giúp cuộc sống chủ động, khỏe mạnh…


Mai Hồ
Ý kiến của bạn