Hà Nội

Dân số tăng - Mất cân bằng giới tính nghiêm trọng

23-11-2008 08:05 | Thời sự
google news

45/63 tỉnh, thành có số con thứ 3 trở lên tăng cao, trong đó tỉnh Cà Mau dẫn đầu với tốc độ tăng 100%, Trà Vinh 97%, Bạc Liêu 87%...

45/63 tỉnh, thành có số con thứ 3 trở lên tăng cao, trong đó tỉnh Cà Mau dẫn đầu với tốc độ tăng 100%, Trà Vinh 97%, Bạc Liêu 87%... Tỷ số giới tính khi sinh vẫn tiếp tục chênh lệch và dao động ở khoảng 112 đến 113 nam/100 nữ trong những tháng đầu năm 2008. Đó là con số đáng báo động về mức sinh gia tăng, tình trạng mất cân bằng giới tính tại hội nghị giao ban công tác DS -KHHGĐ 31 tỉnh, thành phía Bắc.

Quy định cụ thể trường hợp sinh con thứ 3

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ cho biết, tỷ số giới tính khi sinh đang có xu hướng tăng nhanh ở nước ta, từ 105 trẻ trai/100 trẻ gái năm 1979 lên 107/100 năm 1999 và đã tăng mạnh lên 110/100 và trong những tháng đầu năm 2008, tỷ số giới tính khi sinh vẫn tiếp tục tăng và dao động ở khoảng 112 đến 113/100. Đặc biệt, tỷ số này ở 16 tỉnh thành phố rất cao, từ 115/100 đến 128 trẻ trai/100 trẻ gái.

Hướng dẫn phòng tránh thai tại trạm y tế phường. Ảnh: Trần Minh 
Ông Dương Quốc Trọng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ cho biết: "Chính phủ sẽ có Nghị định hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Điều 10 Pháp lệnh Dân số. Nhưng cơ bản là quy định mỗi gia đình chỉ có 1 - 2 con, quy định về thời gian, khoảng cách giữa 2 lần sinh. Đồng thời quy định những trường hợp cụ thể được phép sinh từ con thứ 3 trở lên mà không bị coi là vi phạm pháp luật. Đó là người dân tộc thiểu số ở những dân tộc có dưới 10.000 dân; sinh lần thứ 2 nhưng là sinh đôi hoặc sinh 3; có con bị dị tật; tái hôn có quyền được sinh thêm con với vợ (chồng) mới, trường hợp tái hôn lại với chính vợ (chồng) đã ly dị thì không được sinh thêm".

Như vậy, sau gần 6 năm ban hành, Điều 10 Pháp lệnh Dân số đã được sửa đổi - điều mà rất nhiều cán bộ làm công tác dân số mong đợi. Những thay đổi, sửa đổi liên tục những năm qua đã gây ra cú sốc đột biến về dân số. Và để đưa việc sinh đẻ có kế hoạch trở lại quỹ đạo mà cả nước đã từng đạt được trước đây, theo các địa phương phải mất nhiều năm kiên kỳ, ráo riết vận động "đến từng ngõ, gõ từng nhà".

Trung bình mất 3-5 năm mới ổn định

Ông Phạm Thanh Hải - Chi cục phó Chi cục Dân số Điện Biên cho biết: "Những năm qua, tỷ lệ con thứ 3 ở Điện Biên tăng liên tục. 9 tháng đầu năm 2008, trong số 7.778 cháu bé sinh ra thì có 1.415 cháu là con thứ 3 trở lên, chiếm tới 18,1%. Việc sửa đổi pháp lệnh là thật sự cần thiết, nhằm định hướng lại việc chỉ sinh 1-2 con là trách nhiệm của các cặp vợ chồng. Tuy nhiên, ông Hải băn khoăn, Điện Biên có 106 xã nhưng chỉ có 70 xã là có nữ hộ sinh. Còn lại phải nhờ chi viện từ tuyến huyện nên không thể thường xuyên, ổn định. Có những cặp vợ chồng bị "nhỡ", nhưng vì không dễ tiếp cận với dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nên họ lại đẻ, mặc dù đó là con thứ 3 hoặc thứ 4. Với Điện Biên, việc cần thiết nhất hiện nay là đào tạo được hệ thống các nữ hộ sinh là người dân tộc, sống ở ngay địa phương, nhưng việc này không dễ dàng. Cả nước đặt chỉ tiêu là đến năm 2010 giảm sinh, đặc biệt là con thứ 3, nhưng Điện Biên ít nhất phải mất 3 - 5 năm mới đạt được điều này".

Là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về mật độ dân số với 1.250 người/km, ThS. Hoàng Thị Khuyên, Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hưng Yên cho biết: "Tỷ lệ con thứ 3 ở Hưng Yên năm 2007 là 8,6%; nhưng năm 2008, dự kiến sẽ tăng 10%. Khó khăn ở đây được bà Khuyên chỉ ra là từ tháng 10/2007 đến nay, nhiều đảng viên ở Hưng Yên lại "lách" Quy định 94/QĐ-TW của Bộ Chính trị: Đảng viên có con thứ 3 thì cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ), khi sinh đến con thứ 4 thì mới bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng. Họ cho rằng các quy định xử phạt đối với việc sinh con thứ 3 là được nới nhẹ. Do đó, tỷ lệ con thứ 3 là con của đảng viên từ đầu năm 2008 đến nay đã chiếm tỷ lệ không nhỏ. Giờ đây, khi sửa đổi Điều 10, Pháp lệnh Dân số thì Hưng Yên sẽ mất ít nhất 1 năm để thực hiện việc tuyên truyền tới người dân, nhưng để có sự chuyển đổi từ nhận thức sang hành động, ngươì dân có thể quen lại với "nếp" mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con thì phải mất 1-3 năm nữa".

Thanh Mai


Ý kiến của bạn