Hà Nội

Dân số đạt mốc 100 triệu: Tận dụng lợi thế xây dựng một Việt Nam hùng cường

17-04-2023 15:21 | Thời sự

SKĐS - Dân số Việt Nam đạt mốc 100 triệu, đây là mốc quan trọng của quốc gia, không chỉ là một thị trường rộng lớn mà còn có là quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là lại đang trong thời kỳ dân số vàng với rất nhiều cơ hội để tăng tốc phát triển.

Khi Việt Nam sắp đạt mốc 100 triệu người, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) thông báo: "Đây nên được xem là cột mốc quan trọng đối với Việt Nam, và xin được chúc mừng Chính phủ Việt Nam bởi đây là minh chứng cho câu chuyện thành công". UNFPA nhấn mạnh dân số 100 triệu người, bên cạnh thách thức thì cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn, khả năng thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn với nguồn lao động khỏe mạnh, có trình độ học vấn và tay nghề cao, tư duy đổi mới sáng tạo và động lực mạnh mẽ của đất nước.

Nhân dịp đánh dấu dấu mốc đặc biệt này, Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với GS.TS Giang Thanh Long, Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, Chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dân số - phát triển và an sinh xã hội.

Dân số Việt Nam đạt mốc 100 triệu: Tận dụng lợi thế thoát bẫy 'chưa giàu đã già, chưa già đã bệnh' - Ảnh 1.

GS.TS Giang Thanh Long

-Xin chào GS. Giang Thanh Long, cảm ơn ông đã nhận lời tham gia phỏng vấn của Báo Sức khỏe & Đời sống, xin hỏi một câu về cảm xúc trước, ông có hào hứng với sự kiện dân số Việt Nam đạt dấu mốc 100 triệu người không?

GS.TS Giang Thanh Long: Tôi rất hào hứng với dấu mốc này. Với tư cách là người nghiên cứu về dân số - phát triển – an sinh xã hội, con số 100 triệu người có rất nhiều ý nghĩa và tôi mong chờ vì năm 2023 là năm đánh dấu bước ngoặt quan trọng về nhân khẩu ở Việt Nam với nhiều hàm ý chính sách kinh tế - xã hội – sức khỏe thúc đẩy đất nước Việt Nam đi lên.

- Như vậy là ông đang đón chờ điều này chứ không chỉ đơn thuần là một sự kiện, một dấu mốc đáng nhớ?

GS.TS Giang Thanh Long: Con số 100 triệu được coi là một sự kiện bởi nó cho thấy vị thế của Việt Nam về mặt nhân khẩu trên thế giới. Dân số Việt Nam xếp thứ 15 trên thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, nó cũng là lúc chúng ta phải làm rất nhiều việc để có "100 triệu hy vọng, 100 triệu giấc mơ và 100 triệu cơ hội" như thông điệp mà Quỹ dân số Liên Hợp Quốc nêu ra khi bàn về chính sách dân số - phát triển ở Việt Nam.

- Có thể nói đây là dấu mốc rất lớn mà các nước có quy mô dân số tương đương hoặc lớn hơn Việt Nam đều từng trải qua. So với các nước trong khu vực, sự kiện này có ý nghĩa thế nào với chúng ta và chúng ta có lợi thế gì hơn, thưa ông?

GS. TS Giang Thanh Long: Vâng, khi nói con số 100 triệu không nhìn thấy vấn đề gì cả, nhưng nếu nhìn góc độ phân tách theo nhóm dân số nó có mấy điểm thú vị

Thứ nhất với 100 triệu người, Việt Nam có hơn 2/3 dân số trong độ tuổi 15-64 (tương đương 67,4 triệu người) và và có gần 19% là thanh niên chiếm tỷ trọng gần 1/5 dân số. Điều này cho thấy một tiềm năng thị trường nội địa rộng lớn. Với dân số trẻ như vậy thì thu hút được đầu tư trong và ngoài nước cho tăng trưởng kinh tế với nhiều ngành nghề khác nhau. Mặt khác nếu dân số của mình tay nghề, trình độ học vấn ngày được cải thiện có tư duy sáng tạo thì đó là lợi thế rất lớn. Như vậy, trong bối cảnh này, việc tận dụng lợi thế về quy mô và chất lượng dân số sẽ giúp Việt Nam bứt phá, thực hiện tầm nhìn xây dựng một Việt Nam hùng cường, có thu nhập cao vào năm 2045.

Dân số Việt Nam đạt mốc 100 triệu: Tận dụng lợi thế thoát bẫy 'chưa giàu đã già, chưa già đã bệnh' - Ảnh 2.

Tận dụng lợi thế cơ cấu 'dân số vàng' đưa Việt Nam bứt phá (ảnh minh hoạ)

- Vậy còn thách thức, thưa ông?

GS.TS Giang Thanh Long: Theo dự báo dân số của Tổng cục Thống kê cho giai đoạn 2019-2069 thì hiện nay Việt Nam đang trong hai xu hướng dân số quan trọng, đó là đang có "cơ cấu dân số vàng" và kéo dài đến năm 2039, và xu hướng thứ 2 song hành là đang "già hóa" (aging) và sẽ chuyển sang dân số già (aged) vào năm 2036. Điều đó có nghĩa là chỉ khoảng 15 năm nữa, chúng ta kết thúc giai đoạn "vàng" và chuyển sang giai đoạn "già" về mặt nhân khẩu. Dân số vàng kết thúc thì dân số già bắt đầu.

Năm 2023 theo cấu trúc dân số thì là năm rất quan trọng, năm bản lề cho chúng ta tận dụng nốt thời gian dân số vàng và chuẩn bị cho dân số già rất nhanh.

Hơn nữa, Việt Nam đang là nước có thu nhập trung bình thì thách thức chung chính là làm sao để tận dụng "dân số vàng" cho tăng trưởng, phát triển kinh tế để có tích lũy đủ nguồn lực để chuẩn bị tốt nhất cho dân số "già". Theo đó có nhiều vấn đề liên quan, thách thức cần phải giải quyết đó là làm sao để nâng cao năng suất lao động, thay đổi hệ thống giáo dục đào tạo phù hợp trong bối cảnh khoa học công nghệ thay đổi như vũ bão…cùng lúc đó, cải thiện sức khỏe để nâng cao chất lượng cuộc sống và tuổi thọ khỏe mạnh… thoát bẫy 'chưa giàu đã già, chưa già đã bệnh'.

GS.TS Giang Thanh Long
Nâng cao năng suất lao động, thay đổi tư duy đào tạo phù hợp trong bối cảnh khoa học công nghệ thay đổi như vũ bão…cùng lúc đó, cải thiện sức khỏe để nâng cao chất lượng cuộc sống và tuổi thọ khỏe mạnh… thoát bẫy 'chưa giàu đã già, chưa già đã bệnh'

- Sự ra đời của công dân thứ 100 triệu là dấu mốc quan trọng, tạo cơ hội cho nước ta nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên với thực trạng hiện nay cho thấy lao động có trình độ chuyên môn cao còn đang thấp, ông nghĩ sao về điều này?

GS.TS Giang Thanh Long: Để trả lời câu hỏi này, chúng ta điểm lại một vài con số của Tổng cục Thống kê về lực lượng lao động (LLLĐ) quý I/2023 khi chúng ta chuẩn bị đón ngưỡng 100 triệu dân: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2023 là 52,2 triệu người; Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2023 là gần 69%, tỷ lệ này thấp vì chúng ta đang ở trong giai đoạn phục hồi sau COVID. Tiếp đến là Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý I năm 2023 là 26,4%. Nếu so với 10 năm trước đây con số này tăng rất chậm. Một điều đáng chú ý hơn nữa là số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông nghiệp) là 33,0 triệu người (chiếm gần 60% LLLĐ).

Về mặt lý thuyết, tốc độ tăng GDP đầu người bằng tốc độ tăng năng suất lao động + tốc độ tăng của số người có việc làm trong dân số. Thực tế ở Việt Nam cho thấy trong giai đoạn bùng nổ kinh tế trước COVID năng suất lao động vẫn chiếm tỷ trọng 90% trong tăng của GDP bình quân đầu người.

Điều này cho thấy, việc làm chiếm tỷ trọng rất ít. Như vậy là tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào việc cải thiện hay không cải thiện hiệu xuất lao động. Với một lực lượng lao động mà qua đào tạo với tỷ lên thấp như thế này thì đó là một thách thức cực lớn để chúng ta thực hiện năng suất lao động ở mức cao hơn. Mặt khác trong bối cảnh dân số ngày càng già. Bài học mà chúng ta phải nhìn thấy cái chết trước mắt là Nhật Bản, Hàn Quốc đều cho thấy phải dựa vào năng suất lao động mới duy trì được tăng GDP đầu người.

Việt Nam cần phải cải thiện nâng cao năng suất lao động, đặc biệt là thông qua việc cải thiện về tay nghề, trình độ. Phải cải thiện nâng cao trình độ mới cải thiện được năng suất lao động, với lao động nhiều mà trình độ thấp không tận dụng được cơ cấu dân số vàng.

- Như chúng ta vừa thừa nhận ở trên, nguồn lao động cho dù có dồi dào nhưng nếu không có nghề, tay nghề thấp thì sẽ khó có chỗ đứng khi mà máy móc ngày càng phát triển, vậy theo ông chìa khóa cho vấn đề này sẽ phải bắt đầu đâu? Chính sách trước mắt là gì?

GS.TS Giang Thanh Long: Thực tế cho thấy, các ngành sản xuất ở Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đảm bảo tăng trưởng, cải thiện thu nhập cho nền kinh tế. Theo thống kê GDP năm 2022 tỷ trọng của của các ngành sản xuất như công nghiệp, xây dựng chiếm tới 50% tỷ trọng giá trị gia tăng. Tuy nhiên, nhiều ngành sản xuất của mình hướng tới xuất khẩu thì lại thâm dụng lao động. Ngành thâm dụng lao động lớn như dệt may, giày da…) và nằm ở vùng thấp của chuỗi giá trị. Tức là chúng ta chỉ lắp ráp, hoàn thiện gia công sản xuất chứ chưa sáng tạo, thiết kế độc lập…Chính vì thế chúng ta bị phụ thuộc, nói cách khác nếu có cú sốc kinh tế thì lao động rất dễ gặp tổn thương.

Do đó, trước mắt là thay đổi trình độ kỹ năng người lao động cùng với đó là thay đổi cấu trúc của nền kinh tế. Ví dụ bây giờ mình dịch chuyển kinh tế sang dịch vụ nhiều hơn thì vấn đề đào tạo cũng phải theo đó cho phù hợp.

- 100 triệu người không đơn thuần là câu chuyện sẵn người làm việc. Ở góc độ kinh tế học, tham chiếu với các quốc gia phát triển hơn chúng ta, ông có thể giúp độc giả có một cái nhìn tổng quát nhất về tương lai của Việt Nam chúng ta?

GS.TS Giang Thanh Long: Như tôi đã nói ở trên, 100 triệu chỉ là con số và những vấn đề chính sách kinh tế - xã hội - sức khỏe đều gắn liền với việc làm thế nào tận dụng được dân số có "cơ cấu vàng" để chuẩn bị và thích ứng với dân số "già" trong một thời gian ngắn. Nếu tận dụng tốt, chúng ta được "thưởng" (bonus) khi lao động trẻ có năng suất cao, có việc làm, thu nhập tốt nên có tiết kiệm, "của để dành" cho tuổi già; ngược lại, nếu không tận dụng được thì sẽ là "gánh nặng" (burden) khi lao động trẻ có ít việc làm, thu nhập thấp khiến tiết kiệm thấp, không đủ chuẩn bị cho tuổi già và tạo gánh nặng lớn cho hệ thống an sinh xã hội và thuế trong tương lai.

Xin trân trọng cảm ơn GS!

Công dân Việt Nam thứ 100 triệu - những thách thức về chăm sóc y tế liên tụcCông dân Việt Nam thứ 100 triệu - những thách thức về chăm sóc y tế liên tục

SKĐS - Con số trong truyền thuyết 100 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ là một con số quá nhỏ bé, khiêm tốn so với việc Việt Nam chào đón công dân thứ 100 triệu. Đây không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức và cả 'sức ép' nặng nề lên 'đôi vai' y tế.

Nguyễn Hồng (thực hiện)
Ý kiến của bạn