Đan sâm được coi là vị thuốc bảo vệ cơ tim. Đan sâm chứa hợp chất phenol, diterpen, tanin, vitamin E... Có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn, xúc tiến tái sinh tái tạo tổ chức, chống thiếu máu cơ tim, làm giảm huyết áp, đường huyết; phục hồi chức năng gan và dự phòng xơ hóa gan, giảm mỡ máu.
Theo Đông y, đan sâm vị đắng, tính hơi hàn; vào kinh tâm, can. Có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, lương huyết, tiêu ung, dưỡng huyết an thần, thanh nhiệt trừ phiền. Dùng cho các trường hợp đau tức ngực (hung tý tâm thống), có các khối tích kết (trưng hà tích tụ), kinh nguyệt không đều, thống kinh, bế kinh.
Hằng ngày dùng 10 - 30g; có thể lên đến 60g. Nấu, sắc, ngâm ướp.
Một số thực đơn chữa bệnh có đan sâm:
Rượu đan sâm: đan sâm 30g, rượu trắng 500ml, ngâm trong 7 ngày. Mỗi ngày uống 20 - 30ml; ngày 2 - 3 lần. Khi bị mất ngủ, đau đầu do động kinh, thần kinh suy nhược, di chứng chấn thương não.
Gà hầm tam thất đan sâm: gà mái 1 con (1 kg), đan sâm 30g, tam thất 15g. Gà làm sạch, cho hai vị thuốc vào trong bụng gà khâu buộc lại, hầm cách thủy cho chín nhừ, thêm gia vị ăn. Dùng cho các trường hợp đau vùng liên sườn, hạ sườn, đau lưng, thắt lưng, đau quặn bụng do co cứng cơ, chấn thương đụng giập gây huyết ứ bầm dập.
Ếch hầm đan sâm: ếch 1 con, đan sâm 15g. Ếch làm sạch, cho đan sâm trong bụng ếch buộc lại, thêm ít nước cho hầm cách thủy chín nhừ, thêm gia vị. Ngày ăn 1 lần. Dùng cho các trường hợp xơ gan cổ trướng có ứ huyết xuất huyết.
Cháo đan sâm đào nhân: đan sâm 30g, gạo tẻ 60g, đào nhân 10g. Đan sâm sắc lấy nước, đem nấu cháo với gạo và đào nhân. Mỗi ngày ăn 1 lần, liên tục trong 4 tuần. Dùng cho bệnh nhân viêm tắc động mạch đầu chi.
Siro đan sâm hồng táo: đan sâm 30g, hồng táo 5 quả (tách bỏ hột). Cả hai dược liệu cùng nghiền nát vụn, mỗi lần lấy 10g (khoảng 1/4) khuấy với nước sôi cho thêm chút đường uống, ngày làm 4 lần. Liên tục 4 tuần. Dùng cho bệnh nhân viêm tắc động mạch đầu chi.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai dùng phải cẩn thận. Không dùng chung với lê lô (hoa hiên).
TS. Nguyễn Đức Quang