Đạn pháo thông minh Mỹ 'bất lực' với chiến thuật của Nga

13-04-2025 15:59 | Quốc tế
google news

SKĐS - Khi được đưa đến Ukraine, đạn pháo dẫn đường Excalibur từng được kỳ vọng sẽ thay đổi cục diện xung đột. Nhưng chưa đầy hai năm sau, nó bị loại bỏ, không phải vì hỏng hóc, mà vì Nga đã tìm ra cách vô hiệu hóa.

Mỗi quả đạn pháo Excalibur của Mỹ có giá lên đến 100.000 USD. Được ví như "mắt thần" của pháo binh hiện đại, loại đạn dẫn đường bằng GPS này từng được tung hô vì khả năng đánh trúng mục tiêu trong vòng vài mét, một kỳ tích mà pháo truyền thống không thể làm được.

Đạn pháo thông minh Mỹ 'bất lực' với chiến thuật của Nga- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc phòng của Quốc hội Ukraine Yegor Chernev chỉ trích đạn pháo chính xác cao M982 Excalibur.

Nhưng giờ đây, chính loại vũ khí đắt đỏ và công nghệ cao này lại đang thất thế ở Ukraine, trước một đối phương mà phương Tây không lường trước được: tác chiến điện tử.

"Không còn chính xác như trước", đó là lời thừa nhận của Yegor Chernev, Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc phòng của Quốc hội Ukraine. Ông công khai đặt dấu hỏi về hiệu quả của Excalibur, sau khi tỷ lệ trúng mục tiêu của loại đạn này giảm từ mức 70% xuống còn… 6%.

Nga đã triển khai hàng loạt hệ thống gây nhiễu GPS tinh vi như Krasukha-4, Zhitel và Pole-21, làm "mù mắt" những quả đạn tưởng như không thể bị cản phá. Khi tín hiệu GPS bị cắt, Excalibur rơi vào trạng thái mù phương hướng, bay lệch hàng chục mét, thậm chí không phát nổ đúng cách.

Từ vũ khí "thay đổi cuộc chơi" đến nỗi thất vọng trên tiền tuyến

Năm 2022, khi Mỹ bắt đầu viện trợ Excalibur cho Ukraine, nó được coi là đòn phản công lợi hại. Các đoạn video từ lực lượng Ukraine cho thấy Excalibur hạ gục xe tăng và pháo binh Nga với độ chính xác đáng kinh ngạc. Một phát bắn, một mục tiêu. Tiết kiệm đạn, tiết kiệm thời gian, giảm nguy cơ bị phản pháo.

Tướng Valeriy Zaluzhny, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine khi đó, từng ca ngợi loại đạn này là "vũ khí then chốt" giúp giữ vững Mykolaiv trước hỏa lực dữ dội từ phía Nga.

Nhưng xung đột không ngừng thay đổi. Nga nhanh chóng thích nghi, tăng cường các hệ thống tác chiến điện tử có thể làm nhiễu sóng GPS trên diện rộng. Excalibur, dù tinh vi đến đâu, vẫn không chống lại được một thực tế đơn giản: tín hiệu GPS rất yếu và dễ bị lấn át.

Khi công nghệ bị đánh bại bởi sóng radio

Excalibur không hoàn toàn phụ thuộc vào GPS, nó có hệ thống dẫn đường quán tính, dùng cảm biến để xác định vị trí. Nhưng hệ thống này kém chính xác hơn nhiều, nhất là ở khoảng cách xa. Trong một môi trường mà tín hiệu vệ tinh liên tục bị gây nhiễu, đạn pháo thông minh bỗng trở nên "ngớ ngẩn".

Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến Excalibur. Các loại vũ khí khác như bom JDAM-ER hay tên lửa HIMARS cũng đang bị tác động vì cùng dựa vào công nghệ dẫn đường bằng GPS. Điều này đang đặt ra một thách thức cho quân đội các nước phương Tây: Làm sao để vũ khí thông minh vẫn hoạt động trong môi trường tác chiến điện tử khốc liệt?

Excalibur từng là biểu tượng của sức mạnh công nghệ Mỹ, nhưng giờ lại trở thành ví dụ điển hình cho sự dễ tổn thương. Các kỹ sư quốc phòng Mỹ đang nghiên cứu các phương án thay thế: dẫn đường bằng laser, trí tuệ nhân tạo, hoặc các hệ thống đa chế độ có thể tự chuyển hướng khi bị gây nhiễu.

Tuy nhiên, các giải pháp thay thế cũng có mặt trái. Dẫn đường bằng laser cần người chiếu sáng mục tiêu, không phù hợp khi chiến đấu từ xa. Trí tuệ nhân tạo vẫn là công nghệ mới, chưa được thử nghiệm đủ trong thực chiến.

Nga phóng loạt tên lửa đạn đạo tấn công KievNga phóng loạt tên lửa đạn đạo tấn công Kiev

SKĐS - Ngày 6/4, thủ đô Kiev của Ukraine rung chuyển bởi hàng loạt tiếng nổ khi Nga tiến hành đợt tấn công quy mô lớn, sử dụng máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và đặc biệt là tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.


Xuân Minh
(Theo Bulgarian Military)
Ý kiến của bạn