Hà Nội

Đàn ông nên cảnh giác với căn bệnh tưởng chỉ có ở phụ nữ này

02-06-2022 07:01 | Giới tính
google news

SKĐS - Phần lớn mọi người nghĩ rằng nhiễm trùng đường tiết niệu chỉ hay gặp ở nữ giới. Tuy nhiên căn bệnh này cũng xảy ra ở nam giới. Có nhiều nguyên nhân, trong đó một số nguyên nhân như nhiễm trùng lây qua đường tình dục và bệnh tuyến tiền liệt, sỏi tiết niệu… có thể làm tăng nguy cơ gây nhiễm trùng đường tiết niệu.

Để hiểu rõ thêm về nguyên nhân, triệu chứng, ảnh hưởng của bệnh, cách điều trị và phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới, mời bạn đọc tham khảo bài viết của TS.BS. Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng khoa Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện E về vấn đề này.

1. Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới

Nhiễm trùng đường tiết niệu (nhiễm trùng tiểu) có thể ảnh hưởng đến nam giới ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên bệnh phổ biến hơn ở nam giới lớn tuổi. Nguyên nhân thường do vi khuẩn, virus.

Có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến nhiễm trùng tiểu, bao gồm:

  • Nhiễm trùng lây qua đường tình dục
  • Bệnh tuyến tiền liệt
  • Sỏi tiết niệu
  • Dị tật bẩm sinh đường tiết niệu
  • Sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài
  • Mở rộng tuyến tiền liệt
  • Tắc nghẽn niệu đạo
  • Ung thư đường tiết niệu
  • Bệnh đái tháo đường
  • Các vấn đề về hệ thống miễn dịch

Viêm niệu đạo là hiện tượng niệu đạo bị viêm thường do các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Đây là loại nhiễm trùng tiểu phổ biến nhất vì niệu đạo là lỗ mở để các sinh vật lây nhiễm có thể xâm nhập vào cơ thể. Trong một số trường hợp, viêm niệu đạo có thể xảy ra mà không rõ lý do, một tình trạng được gọi là viêm niệu đạo không đặc hiệu.

Nam thanh niên bị nhiễm trùng đường tiết niệu có thể do bị dị tật bẩm sinh một phần của hệ tiết niệu.

Ngoài ra, việc có nhiều bạn tình và quan hệ tình dục không an toàn cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục.

Những bệnh nhiễm trùng này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ vị trí nào của hệ thống đường tiết niệu, bao gồm thận, niệu quản (nối thận với bàng quang), bàng quang và niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể qua dương vật).

2. Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau ở nam giới. Đôi khi không gây ra bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn đầu. Khi bệnh trầm trọng hơn có thể có những biểu hiện sau:

Đàn ông nên cảnh giác với căn bệnh khó chịu tưởng hay gặp ở phụ nữ này - Ảnh 1.

TS.BS. Nguyễn Minh Tuấn.

  • Khó tiểu, đau hoặc nóng rát khi đi tiểu.
  • Thường xuyên có cảm giác bị áp lực liên tục gần bàng quang (trung tâm của bụng dưới)
  • Bí tiểu
  • Tiểu gấp (cảm giác cần giải tỏa ngay lập tức)
  • Tiểu dắt, tăng tần suất đi tiểu, thường chỉ với một lượng nhỏ nước tiểu
  • Tiểu đêm
  • Nước tiểu đục
  • Tiết dịch từ dương vật
  • Nước tiểu có mùi hôi
  • Đau gần bàng quang
  • Tiểu ra máu
  • Tiểu không kiểm soát
  • Đau mạn sườn (đau ảnh hưởng đến thận, ở hai bên lưng dưới của cơ thể)
  • Sốt hoặc ớn lạnh
  • Khó chịu
  • Buồn nôn hoặc nôn

Trong một số trường hợp, các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu có thể biến mất trong nhiều tuần trước khi chúng đột ngột trở nên trầm trọng hơn.

Đàn ông nên cảnh giác với căn bệnh khó chịu tưởng hay gặp ở phụ nữ này - Ảnh 2.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu thường do vi khuẩn.

3. Ảnh hưởng của nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới

Nếu không được điều trị, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây tác động xấu đến sức khỏe. Nguy cơ biến chứng tăng hơn ở những người có hệ thống miễn dịch kém.

Những ảnh hưởng nghiêm trọng của nhiễm trùng tiểu có thể phát triển ở nam giới bao gồm:

  • Viêm thận bể thận: Nhiễm trùng tại thận
  • Nhiễm trùng huyết: Một bệnh nhiễm trùng toàn thân nguy hiểm
  • Nhiễm trùng tiểu tái phát

Nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có thể cản trở quan hệ tình dục. Tuy nó ảnh hưởng nhiều hơn đối với nữ giới, đặc biệt gây đau nhiều khi giao hợp. Nhưng nam giới bị nhiễm trùng đường tiểu cũng cảm thấy rất khó chịu, điều này làm ảnh hưởng đến quan hệ thân mật với bạn tình.

Đàn ông nên cảnh giác với căn bệnh khó chịu tưởng hay gặp ở phụ nữ này - Ảnh 4.

4. Người bệnh cần làm gì khi có dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu?

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng đường tiết niệu, người bệnh nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp.

Để chẩn đoán xác định nhiễm trùng đường tiết niệu, người bệnh có thể cần phải làm một số xét nghiệm như xét nghiệm nước tiểu và các xét nghiệm chẩn đoán khác xem có các yếu tố nguy cơ như sỏi tiết niệu, bất thường về giải phẫu, u tuyến tiền liệt… có thể gây ra nhiễm trùng hay không.

Xét nghiệm nước tiểu có thể thấy bạch cầu tăng cao, nitrit dương tính, đây là dấu hiệu của nhiễm trùng. Đôi khi có thể xác định được loại vi khuẩn gây nhiễm trùng khi cấy nước tiểu.

Hồng cầu trong nước tiểu là dấu hiệu của nhiễm trùng nặng hoặc nghiêm trọng hơn do bệnh lý khác đường tiết niệu, cần được bác sĩ chuyên khoa tiết niệu theo dõi.

Có một số bệnh lý khác có thể gây ra một số triệu chứng tương tự như triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu. Cụ thể như bệnh đái tháo đường có thể gây ra tình trạng tiểu gấp và thường xuyên. Phân tích nước tiểu có thể phân biệt giữa bệnh đái tháo đường (gây ra mức độ cao của glucose trong nước tiểu) và nhiễm trùng đường tiết niệu.

Người bệnh có thể cần phải làm các xét nghiệm hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT), siêu âm ổ bụng, nội soi bàng quang… Các xét nghiệm này có thể phát hiện các vấn đề như ung thư hoặc dị tật có thể khiến người bệnh bị nhiễm trùng tiểu.

Đàn ông nên cảnh giác với căn bệnh khó chịu tưởng hay gặp ở phụ nữ này - Ảnh 5.

Nam giới nên đi khám bác sĩ chuyên khoa khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Ảnh: MH

5. Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

Thông thường, thuốc kháng sinh là cần thiết để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Đây là những loại thuốc kê đơn có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn. Để điều trị nhiễm trùng tiểu không biến chứng, kháng sinh đường uống thường là đủ. Tuy nhiên, đối với các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết hoặc viêm bể thận, thường cần dùng kháng sinh đường tiêm.

Người bệnh cần lưu ý: Không được ngừng thuốc khi bắt đầu cảm thấy dễ chịu trong vòng vài ngày sau khi dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Vì bệnh chưa khỏi hoàn toàn và ngừng thuốc có thể khiến bệnh tái phát trở lại ngay.

Nên uống nhiều nước. Uống nước giúp làm loãng nước tiểu và giúp bạn đi tiểu thường xuyên hơn. Nhờ đó cho phép loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu một cách dễ dàng. Hạn chế đồ uống có đường hoặc chứa caffein có thể gây mất nước.

Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới

- Giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt là bộ phận sinh dục luôn khô ráo: Mặc quần lót bằng vải cotton và thay hằng ngày hoặc thường xuyên hơn khi ra nhiều mồ hôi.

- Quan hệ tình dục an toàn. Hạn chế quan hệ tình dục qua đường hậu môn, tốt nhất nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn.

- Vệ sinh sạch sẽ bao quy đầu: Mô bên dưới bao quy đầu có thể là nơi sinh sản của vi khuẩn trừ khi được làm sạch hàng ngày để ngăn ngừa viêm niệu đạo và nguy cơ nhiễm trùng.

- Khám và điều trị dứt điểm khi có vấn đề về tuyến tiền liệt.

- Không nên nhịn tiểu.

- Uống nhiều nước giúp loại bỏ vi khuẩn trong đường tiết niệu, ngăn ngừa nhiễm trùng.

Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục có ngăn được nhiễm trùng tiết niệu?Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục có ngăn được nhiễm trùng tiết niệu?

SKĐS - Quan hệ tình dục không trực tiếp gây nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs), nhưng nó có thể làm tăng khả năng nhiễm khuẩn. Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục có thể làm giảm nguy cơ này.


TS.BS. Nguyễn Minh Tuấn
Phó Trưởng khoa Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện E
Ý kiến của bạn