Đàn ông không nên để testosteron suy giảm

05-08-2012 07:32 | Văn hóa – Giải trí
google news

Người nhạc sĩ lãng tử đất Hà thành sắp có một đêm nhạc của mình với khán giả Thủ đô với tên gọi Như chờ từng giấc mơ diễn ra vào 11&12/8/2012 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Nhân dịp này, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Trần Tiến.

(SKDS) - Người nhạc sĩ lãng tử đất Hà thành sắp có một đêm nhạc của mình với khán giả Thủ đô với tên gọi Như chờ từng giấc mơ diễn ra vào 11&12/8/2012 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Nhân dịp này, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Trần Tiến.

Phóng viên (PV):

Thưa nhạc sĩ, công chúng yêu âm nhạc, yêu nhạc Trần Tiến lâu lắm mới lại thấy nhạc sĩ tái xuất, duyên cớ nào khiến nhạc sĩ quyết định thực hiện đêm nhạc này?

Nhạc sĩ (NS) Trần Tiến: Đúng là cái duyên thật. Tôi gặp Tùng John một anh bạn của đám sinh viên thời SV96 chắc nổi tiếng lắm, khi tôi hỏi thì nhiều người biết. Anh ta mời tôi nhưng tôi không thích thú lắm việc làm đêm nhạc của tôi. Trong thâm tâm tôi nghĩ, làm đêm nhạc là tổng kết đời mình. Tôi còn đang trên đường đi nên chưa muốn dừng lại để nghĩ về con đường đã qua. Tôi chưa muốn làm album và liveshow là vậy. Nhưng lời mời là muốn để 8X và 9X hát nhạc tôi. Vì tò mò nên tôi nhận lời thôi.

 Nhạc sĩ Trần Tiến.

PV:

Nhạc sĩ có thể bật mí lý do khiến nhạc sĩ vắng bóng lâu nay tại các show diễn?

NS Trần Tiến: Tôi từ chối nhiều lời mời làm show chỉ vì tôi không muốn kinh doanh chính âm nhạc của mình. Lần kinh doanh âm nhạc duy nhất của tôi là làm chương trình bán vé vì trẻ em mồ côi. Kinh doanh âm nhạc không có gì là xấu, chỉ là mỗi người một tính thôi. Mặc dù tôi là nhạc sĩ có cátsê khủng về bài hát đặt hàng. Nhưng tôi tự tin tôi là người viết nhạc theo đơn đặt hàng hay nhì thế giới (còn người hay nhất tôi chưa được biết). Tôi viết về tôn mà ra Sen hồng hư không, viết về cọc nhồi mà ra Lắng nghe lòng đất, gạch ngói mà ra Biển xanh, rượu tím, môi hồng.

PV: Ở tuổi 65, tình yêu âm nhạc trong nhạc sĩ vẫn cháy bỏng, nhạc sĩ đã làm gì để giữ lửa cho tình yêu sâu nặng ấy?

NS Trần Tiến: Chẳng làm gì ngoài việc củng cố và giữ sức khoẻ. Con người dễ già nua trong tâm hồn chủ yếu là do sức khoẻ. Đàn ông không nên để testosteron suy giảm, mất hứng, sẽ cảm thấy chán chường trong cả tình yêu lẫn sự nghiệp, càng chẳng muốn làm gì, càng lười vận động càng chóng già, sống mà như đã chết từ lâu.

PV: Đâu là bí quyết giữ gìn sức khỏe để giúp nhạc sĩ sống trọn với niềm đam mê của đời mình và luôn giữ được vẻ lãng tử ở tuổi này?

NS Trần Tiến: Quẳng gánh lo đi và vui sống (theo tên một cuốn sách về sự lạc quan). Sống với chu kỳ đều đặn, mọi việc đều đừng quá khích, quá đà (vui, chơi, làm việc, nghỉ ngơi, yêu đương, đọc sách, tập thể thao...). Nếu suy giảm dinh dưỡng ở tuổi già, ráng tìm cách bù lại. Nên tự tìm hiểu cách chăm sóc bản thân để sống có chất lượng hơn. Không cần sống lâu, chỉ cần sống không bệnh tật và không quá nghèo.

 Nhạc sĩ Trần Tiến tham gia Chương trình Giai điệu yêu thương. Ảnh: Trần Minh

PV:

Nhạc sĩ chờ đợi gì ở đêm nhạc Như chờ từng giấc mơlần này, phải chăng đêm nhạc dành chủ yếu cho đối tượng là các em thiếu nhi (vì tên gọi chính là lời của bài hát Mặt trời bé thơ)?

NS Trần Tiến: Bạn nhầm rồi. Chương trình này cho người lớn từ 3X đến 9X. Bài Mặt trời bé con không chỉ dành cho thiếu nhi mà cho tuổi thơ của loài người. Đặc biệt không dành cho việc giải trí của người quen với dòng nhạc thị trường.

PV: Trong cuộc đời của mình, nhạc sĩ đã làm rất nhiều đêm nhạc cho riêng mình hay cùng chung với các nghệ sĩ khác, nhưng dẫu sao cũng khá lâu rồi mới có đêm nhạc như thế này, vậy cảm xúc của nhạc sĩ khi thực hiện đêm nhạc lần này thế nào, thưa nhạc sĩ?

NS Trần Tiến: Bình thường thôi. Tuy nhiên, lần này tôi có một chút tò mò: Xem người trẻ tuổi hiểu nhạc của mình theo cách nào. Trong đêm nhạc này, các bạn sẽ không thấy một Trần Tiến cầm đàn ghita hát mà sẽ thấy một Trần Tiến với những lời tâm sự rất thật của mình về cuộc đời, về con người, về số phận, về sự sống và cái chết..., đặc biệt là những giấc mơ như tên gọi của chương trình. Đó là những giấc mơ về tuổi thơ, giấc mơ về một thời chiến tranh đã qua đi, giấc mơ về một cuộc sống bình yên... Tất cả được thể hiện bởi các ca sĩ trẻ như cô cháu gái tôi Trần Thu Hà, Tấn Minh, Đinh Mạnh Ninh, Tô Minh Đức...

PV: Nhạc sĩ đã tham gia sáng tác ca khúc cho ngành y. Nhạc sĩ có thể cho biết cảm xúc của mình khi sáng tác ca khúc đó?

NS Trần Tiến: Cảm xúc là… rất sợ không viết được. Lần nào nhận viết đặt hàng ca khúc tôi đều như ngồi trước pháp trường trắng, là tờ giấy nhạc trắng với những dòng kẻ như những chấn song sắt đen ngòm của nhà tù. May mà trong nỗi sợ hãi ấy, tôi nhớ ra những ngày đi học nghèo khó, tôi đã từng đứng máy dập thuốc ở xưởng dược (khúc Hàng Bột và Đoàn Thị Điểm gì đó ở Hà Nội những năm 60). Rồi ký ức chợt về, trộn lẫn với những ngày nằm chờ mổ ở các bệnh viện, cùng với bóng những chiếc chai thuốc lộn ngược, mùi thuốc mê và vầng sáng chói cuối đường hầm tới cõi thiên thu… Viết không hay là mất danh dự, là nhục vì bài hát sẽ bốc mùi tiền thù lao. Vì thế, viết hợp đồng khó gấp trăm lần những ca khúc viết tự do theo hứng. Làm sao cho người nghe thấy hay và không biết là mình viết cho nghề nào, trong khi đó người trong cuộc lại thấy rất đúng những tâm tư tình cảm và ước mơ nghề nghiệp. Họ phải cảm thấy hãnh diện với công việc thật nhàm chán hàng ngày, không chút thơ ca nào của mình:

... Áo trắng mong manh, năm canh trằn trọc,

Và như thế,

Nhân gian bay lên từ những giấc mơ.

Quê hương bay lên từ những trái tim

Lặng lẽ - ân tình”.

(Lời trích trong bài hát Lặng lẽ, ân tình trong cuộc thi sáng tác ca khúc về ngành y chủ đề Giai điệu yêu thương của báo SK&ĐS).

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ về những chia sẻ chân thành. Chúc nhạc sĩ có được đêm nhạc thành công!

Thu Mai (thực hiện)


Ý kiến của bạn