Dẫn nước từ sông Hồng có thể ảnh hưởng đến hoạt động tưới tiêu ở hạ nguồn
Ông Hoàng Đình Giáp, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Hà Nội (Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, Bộ Xây Dựng) cho biết, bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch là giải pháp đã được thành phố Hà Nội đề xuất, xin ý kiến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Ban đầu, thành phố Hà Nội đề cập tới phương án dẫn nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch.
Tuy nhiên, sau khi đi kiểm tra, nhận thấy nhu cầu bổ cập nước cho sông này rất lớn và lượng nước ở Hồ Tây cũng không đảm bảo về trữ lượng để đáp ứng (nếu "chia sẻ" quá nhiều nước sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ), nên thành phố đã đề xuất phương án bổ cập nước từ sông Hồng. Tuy nhiên, phương án này cũng mới chỉ đang dừng ở ý tưởng.

Dẫn nước từ sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch cần tính đến nhiều hệ lụy.
Về phương án, cách thức triển khai, thành phố Hà Nội đã xin, lấy ý kiến của các bộ liên quan và một số bộ cũng đã có ý kiến góp ý, phản hồi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quan tâm tới vấn đề đê điều, quản lý công trình lấy nước, việc khai thác và ứng xử với đê điều; Bộ Xây dựng quan tâm tới ví trí xây dựng công trình; Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm tới vấn đề quy hoạch quỹ đất xung quanh, cũng như môi trường, mực nước ở sông Hồng sau khi "chia sẻ" nước…
"Thực tế cho thấy, có những thời điểm, mực nước ở sông Hồng cũng hạ xuống rất thấp. Mặt khác, phương án bổ cập nước cũng cần phải có trách nhiệm với hạ lưu. Lý do bởi khi lấy nước sông Hồng vào sông Tô Lịch với trữ lượng lớn (nhất là vào mùa nước kiệt, nước cạn, mực nước xuống thấp), sẽ tác động, ảnh hưởng tới việc lấy nước để tưới tiêu cho rau màu, sản xuất nông nghiệp ở các khu vực hạ lưu. Vấn đề này hiện vẫn chưa tính toán được đầy đủ. Gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có ý kiến chỉ đạo Hà Nội nghiên cứu, nhưng chưa chốt phương án cụ thể. Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Hà Nội cũng đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu song song các phương án", ông Hoàng Đình Giáp chia sẻ.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho biết, việc Hà Nội chọn phương án bơm từ nước sông Hồng để tạo dòng chảy là một trong những biện pháp cần thiết để tạo dòng chảy môi trường, làm sạch sông Tô Lịch. Tuy nhiên, phương án bổ cập như thế nào thì cũng cần phải xem xét và nghiên cứu kỹ. Bởi khi bổ cập nước vào thì chúng ta cần phải chú ý đến những tác động đến hệ sinh thái dòng sông. Thứ nhất đó là phù sa. Thứ hai đó là trước khi bổ cập thì việc nạo vét dòng sông được thực hiện như thế nào? Thứ ba là, khi bơm nước vào sông Tô Lịch thì có bơm liên tục hay không?
Theo các chuyên gia, thực tế cho thấy sông Tô Lịch hiện nay gần như chỉ là một cái kênh thoát nước, không có ý nghĩa của một con sông. Vì thế, vào những ngày khô, ví dụ như từ sau khi xảy ra bão Yagi (cơn bão số 3) đến nay, ở Hà Nội dường như không có cơn mưa lớn. Vì vậy cần phải vận hành hiệu quả Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá ở phía Nam Hà Nội.
Sông sẽ tự sạch nếu nước thải được thu gom
Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Hà Nội cho biết, quy hoạch của Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, trong đó, khu vực sông Tô Lịch, quỹ đất ở 2 bên sông rất hạn chế. Các giải pháp xử lý phân tán còn thiếu khả thi như thiếu quỹ đất nên vẫn phải xử lý theo giải pháp thoát nước tập trung. Khi áp dụng phương án thoát nước tập trung thì nước thải được đưa về các trạm xử lý (như Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá), yêu cầu về nguồn lực rất lớn. Cũng bởi công trình lớn nên thời gian triển khai rất dài. Đơn cử là ngoài việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải, còn đòi hỏi phải xây dựng hệ thống cống bao thu gom ở 2 bên bờ sông để dẫn nước về nhà máy xử lý.
Tuy nhiên, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hiện gần như đã hoàn thành. Hệ thống cống bao ở 2 bên bờ sông hiện cũng đã hoàn thành khoảng 80 - 90%. Kỳ vọng trong năm 2025, khi Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động đồng bộ, có thể giải quyết được cơ bản vấn đề nước thải sinh hoạt xả xuống sông Tô Lịch.
Hơn nữa, để giải quyết được vấn đề ô nhiễm nguồn nước thải sông Tô Lịch, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để người dân thực sự có sự thay đổi (như sử dụng nước tiết kiệm, tái sử dụng nước thải nhiều hơn để giảm lượng nước thải ra sông), cũng cần có chế tài xử lý nghiêm đối với các hành vi xả thải, gây ô nhiễm.
Mỗi ngày, sông Tô Lịch tiếp nhận khoảng 150.000 - 200.000 m³ nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý từ các khu dân cư, cơ sở kinh doanh, và làng nghề. Đặc biệt, tại các điểm thoát nước chính như cống Kim Giang, cống Hoàng Quốc Việt, lượng lớn chất thải rắn và nước thải đổ thẳng xuống sông, không qua bất kỳ hệ thống lọc hoặc xử lý nào. Lòng sông hiện đang tích tụ một lượng lớn bùn lắng chứa kim loại nặng, chất hữu cơ độc hại, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, việc xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch là giải pháp tình thế, có thể thau rửa được sông Tô Lịch và thích hợp trong giai đoạn này.
Để giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm trên sông Tô Lịch, giải pháp căn cơ nhất vẫn là thành phố Hà Nội phải hoàn thiện hệ thống đường ống thu gom nước thải hai bên bờ sông bảo đảm đồng bộ, thực chất, tránh việc để nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông. Đồng thời cần phải nạo vét và dùng cơ học kết hợp.
Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá là nhiệm vụ cấp bách, nhằm triệt tiêu nguồn nước thải chảy vào hệ thống sông Tô Lịch. Sau đó, triển khai các biện pháp công trình khác bổ cập nước sạch, tạo dòng chảy cho dòng sông.
"Như vậy, chỉ cần Hà Nội giải quyết được vấn đề nước thải dọc 2 bên bờ thì dòng sông đã có khả năng tự làm sạch. Và nguồn nước được bổ cập từ sông Hồng vào sẽ đẩy nhanh quá trình làm sạch, giúp sông Tô Lịch trở nên xanh, sạch hơn", ông Hoàng Đình Giáp nhấn mạnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 24/2:“Ngứa mắt” nhóm thanh niên đi đường, gã trai vác điếu cày vụt túi bụi làm 1 người bất tỉnh