Tối 11/4, phố Lý Nam Đế (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) – nơi được xem là “cửa hậu” quen thuộc của dân nhậu sau mỗi cuộc vui – bất ngờ trở thành điểm chốt kiểm tra nồng độ cồn của Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội).
Đây là tuyến đường nhỏ, nhiều ngõ thông, nằm sát khu vực phố cổ – nơi tập trung hàng loạt quán bia, hàng nhậu đêm – nên thường được các “tay lái bia” chọn làm đường rút lui sau khi “làm vài chai”.

Xe của tài xế vi phạm nồng độ cồn xếp hàng tại chốt kiểm tra của Đội CSGT số 1 tối 11/4.
Từ khoảng 20h30, tổ công tác bắt đầu "giăng lưới". Chưa đầy 10 phút sau, liên tiếp các trường hợp vi phạm sa lưới. Người đầu tiên là ông N.V.L (sinh năm 1968, trú tại quận Hai Bà Trưng) điều khiển xe máy biển kiểm soát 26H6-16XX, có biểu hiện nghi vấn và bị dừng xe kiểm tra. Kết quả đo nồng độ cồn cho thấy ông L. vi phạm ở mức 0,445 mg/L khí thở - mức kịch trần theo quy định. Ông L. thừa nhận vừa rời một quán nhậu gần đó. Với vi phạm này, ông bị lập biên bản xử phạt từ 8 - 10 triệu đồng, tước bằng lái từ 22 - 24 tháng.
Ngay sau đó, ông T.Đ.H (sinh năm 1960, trú tại quận Hoàng Mai) tiếp tục bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,142 mg/L khí thở. Người này khai đã “làm vài ly” trước khi lên xe.
Cá biệt, có tài xế khi thấy tổ công tác đã lập tức quay xe bỏ chạy, song không qua được vòng chốt “khoá đầu khóa đuôi” của lực lượng chức năng. Kết quả kiểm tra cho thấy người này vi phạm mức 0,135 mg/L. Người này trình bày lý do bỏ chạy là “vừa uống hai cốc bia nên sợ bị phạt”.
Trong thời gian ngắn, tổ công tác phát hiện khoảng 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có một trường hợp vi phạm ở mức cao nhất.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng – tổ trưởng tổ công tác – cho biết phố Lý Nam Đế vốn là điểm “ưu tiên” của dân nhậu khi tìm lối rút sau các cuộc nhậu đêm. Việc lập chốt tại đây nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia.
Theo Thiếu tá Nguyễn Hoàng Ninh – Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 – việc bố trí lực lượng vào các khung giờ nhạy cảm, đặc biệt dịp cuối tuần và lễ tết, là một trong những giải pháp chủ động phòng ngừa tai nạn giao thông, nhất là từ nhóm vi phạm nồng độ cồn – nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.
Xem thêm video được quan tâm:
CSGT kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn - 1 trong 6 nhóm hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông.