Như những người tiền nhiệm, dù ở trong Nhà Trắng hoặc trên xe chuyên dụng, hoặc trên chuyên cơ Air Force One hoặc công tác nước ngoài, ông Donald Trump sẽ luôn phải đi sát ban cố vấn quân sự và chiếc cặp hạt nhân. “Ngài phải sẵn sàng mọi lúc, mọi thời điểm. Thời gian rất ngắn từ lúc cảnh báo cho đến thực hiện tấn công”, Thông tấn CNN nhắc lại lời cố vấn Pete Metzger khi giao chiếc cặp hạt nhân cho cựu Tổng thống Ronald Reagan.
Chiếc cặp hạt nhân "football” mà Tổng thống mới đắc cử Donald Trump khi nắm quyền sẽ phải luôn mang theo bên mình
Donald Trump như những tổng thống tiền nhiệm, chỉ có khoảng 15 phút trong mọi tình huống khẩn cấp để họp cùng ban cố vấn quân sự và đưa quyết định liệu có thực hiện một vụ tấn công hạt nhân hay không.
“Donald Trump sẽ có khả năng không bị trói buộc để thực hiện chiến tranh hạt nhân. Ông có thể phóng một hoặc ngàn loại vũ khí và không ai có thể ngăn cản ông, ngoại trừ có đảo chính quân sự”, ông Joseph Cirincione, chuyên gia của tổ chức Ploughshares Fund, một tổ chức chống vũ khí hạt nhân bày tỏ quan ngại.
Trái với “huyền thoại” được phổ biến, chiếc cặp hạt nhân sẽ không có một nút bấm, nhưng thay vào đó là thiết bị cùng với giấy tờ văn bản mà ông Donald Trump sẽ sử dụng quyền lực khởi động một vụ tấn công.
Cặp Satchel để tổng thống sử dụng trong tình huống khẩn cấp có chứa 4 loại thiết bị và tư liệu, theo cựu giám đốc Văn phòng Quân lực Nhà Trắng Bill Gulley. Có một cuốn sách bìa đen, dày 2,54 cm liệt kê danh sách lựa chọn mục tiêu tấn công, chứa mã số xác thực để Tổng thống xác minh danh tính, một danh sách hầm trú ẩn sẽ bảo vệ an toàn cho lãnh đạo cấp cao và hướng dẫn sử dụng hệ thống phát sóng khẩn cấp.
Người dân Mỹ lo ngại khi ông Donald Trump được quyền tối cao sử dụng chiếc cặp hạt nhân trong nhiệm kỳ ông làm Tổng thống
Vào ngày nhậm chức, ban cố vấn quân sự sẽ tháp tùng Tổng thống Barack Obama đến bàn giao chiếc cặp cho Tân Tổng thống Donald Trump. Không phải ai cũng thấy thoải mái với viễn cảnh ông Donald Trump nắm trong tay chiếc cặp “football”.
“Người dân có thể tin tưởng ông ấy nắm trong tay mật mã hạt nhân?”, ông Obama phát biểu trước hàng ngàn người dân ủng hộ ở Bắc Carolina vào đầu tháng 11. Và ông Bruce Blair, một cựu quan chức phụ trách chương trình phát triển tên lửa hạt nhân, người ủng hộ bà Hillary Clinton cho biết ông thật sự lo lắng về tính cố chấp của ông Donald Trump.
“Ông ấy đã tự bộc lộ là người nhanh nổi nóng, ngang bướng và cố chấp. Nếu một cuộc khủng hoảng hạt nhân phát sinh, tính khí thất thường, không ổn định của Trump sẽ khiến ông không thể đưa ra quyết định đúng đắn”, Bruce Blair viết trên tạp chí chính luận Politico.
“Lệnh của tổng thống chỉ có thể bị ngăn lại vì binh biến, và phải có hơn một quan chức cấp cao quốc phòng bất tuân lệnh”, ông Kingston Reiff, một quan chức của Tổ chức Kiểm soát Vũ khí Mỹ cho biết thêm - “Tổng thống có quyền lực tối thượng để quyết định liệu có sử dụng vũ khí hạt nhân”.
Nhóm cố vấn của ông Donald Trump chưa có phản ứng với bất kỳ câu hỏi nhằm làm rõ chính sách hạt nhân dưới thời Tân Tổng thống. Nhưng những phát biểu của ông trong chiến dịch tranh cử đã khiến người dân lo lắng về an ninh quốc gia. Đặc biệt khi ông tuyên bố “sẽ là người cuối cùng sử dụng chiếc cặp hạt nhân”.
Hơn thế, thái độ khinh thị của Donald Trump về thỏa thuận với Iran để hạn chế chương trình hạt nhân còn khiến các chuyên gia Mỹ lo lắng hơn. Ông cũng thẳng thắn yêu cầu các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc cần phải có vũ khí hạt nhân và Washington sẽ không còn “bao trọn gói”.
“Theo nghĩa nào đó, Triều Tiên có vũ khí hạt nhân thì chẳng nhẽ các bạn không có?”, Donald Trump từng phát biểu khi đến Tokyo và Seoul vào tháng 3 trong một cuộc phỏng vấn với CNN.