Việc dẫn lưu não thất là một trong những thủ thuật cứu sống phổ biến nhất và quan trọng nhất trong chăm sóc đặc biệt về thần kinh.
Ngày 28/7/2024, chị D. L.P.D (trú tại Thanh Ba – Phú Thọ) bất ngờ có dấu hiệu chuyển dạ sinh non, khi đó thai nhi mới được 28 tuần tuổi. Sau sinh, cân nặng của trẻ chỉ đạt 1.1kg, xuất hiện tình trạng suy hô hấp, được các bác sĩ Nhi sơ sinh đặt ống nội khí quản cấp cứu ngay tại phòng sinh. Sau đó trẻ được chuyển đến Đơn nguyên Hồi sức tích cực, Khoa Sơ sinh để tiếp tục điều trị.
Tại Khoa Nhi Sơ sinh, trẻ được thở máy, nuôi dưỡng tĩnh mạch, bơm Surfactant 2 lần (Surfactant - Chất hoạt động bề mặt phổi nhằm làm giảm sức căng bề mặt phế nang, ngăn ngừa xẹp phổi, cải thiện độ đàn hồi của phổi) và dùng kháng sinh phòng bội nhiễm. 2 ngày sau khi sinh, trẻ xuất hiện tình trạng chảy máu phổi, được chuyển sang thở máy cao tần, tiếp tục duy trì các phương pháp điều trị, chăm sóc tích cực.
Đến ngày 1/8/2024 (4 ngày sau khi sinh), qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện trẻ có tình trạng giãn não thất 2 bên. Tuy nhiên, giai đoạn này trẻ chưa được can thiệp giãn não thất do tình trạng sức khoẻ chưa cho phép.
Sau 2 tháng điều trị, chăm sóc tích cực, trẻ cai được máy thở, cân nặng đạt 2.2 kg, trẻ có thể tự thở và không có tình trạng nhiễm trùng. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn với các bác sĩ Khoa Ngoại Nhi tổng hợp, trẻ được chỉ định thực hiện dẫn lưu não thất - ổ bụng để điều trị tình trạng giãn não thất.
ThS.BS Nguyễn Đức Lân – Trưởng khoa Ngoại nhi tổng hợp cho biết, ca phẫu thuật được đánh giá là rất khó khăn do trẻ sinh non, nhẹ cân, thể trạng yếu. Tuy nhiên với hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng sự nỗ lực của cả ê-kip phẫu thuật, sự hỗ trợ rất lớn của ê-kip gây mê hồi sức, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp.
Sau phẫu thuật, trẻ được chuyển trở lại đơn nguyên Hồi sức tích cực, Khoa Sơ sinh để tiếp tục điều trị. Theo BSCKII. Nguyễn Đức Hậu – Trưởng khoa Nhi Sơ sinh, giai đoạn hồi sức sau thực hiện kỹ thuật dẫn lưu rất quan trọng, trẻ cần được lập một kế hoạch chăm sóc điều trị chi tiết, đánh giá toàn trạng, hô hấp, tuần hoàn, huyết áp, để xác định dấu hiệu suy hô hấp, suy tuần hoàn, tăng áp lực nội sọ. Đặc biệt, trẻ cần được kiểm soát rất chặt chẽ vấn đề nhiễm khuẩn bởi nếu trẻ có tình trạng nhiễm khuẩn thì thời gian điều trị sẽ kéo dài và rất phức tạp.
Sau gần 4 tháng được chăm sóc, điều trị tích cực, trẻ có thể tự thở tốt, tăng cân tốt, bú tốt, não thất không giãn thêm, vết mổ khô liền và được cho xuất viện. Sau khi ra viện, các bác sĩ cho biết trẻ cẩn thực hiện khám định kỳ từ 3-6 tháng/lần để theo dõi, kiểm soát tình trạng giãn não thất.
Giãn não thất (hay còn gọi là não úng thuỷ) là tình trạng mất cân xứng giữa sản xuất và hấp thụ dịch não tuỷ não. Dẫn lưu não thất - ổ bụng là kỹ thuật được thực hiện nhằm duy trì áp lực nội sọ cho trẻ. Việc thành công thực hiện kỹ thuật này ở trẻ sinh non mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhi mắc bệnh lý này tại tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận.
Xem thêm video đang được quan tâm
Bé trai 7 tuổi bị chó nhà tấn công tổn thương bộ phận sinh dục.