Tham nhũng ngày nay không thể một cá nhân đơn độc vơ vét mà thường có sự liên kết nhiều cá nhân lại nhân danh “tập thể”, “quy định” để lách mà dư luận đã chỉ thẳng ra là những “nhóm lợi ích”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - như lời ông tâm sự - tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng quyết tâm chống giặc nội xâm của ông không hề giảm, đã có những chỉ đạo quyết liệt: “Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần chỉ đạo chặt chẽ các đoàn kiểm tra xem xét, kết luận bảo đảm đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tâm, khách quan, trong sáng, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”. Nhân dân hy vọng muốn được góp sức cùng ông chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến này.
Nói thẳng ra là chống tham nhũng không hề đơn giản. Hiện tượng tréo ngoe trên bảo dưới không nghe, cùng một sự việc, người nói thế này, người nói ngược lại không còn là cá biệt trong mọi hoạt động xã hội đang là nỗi nhức nhối khiến dư luận quan tâm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, vô cùng khó khăn, phức tạp, vẫn là vấn đề nhức nhối, xã hội chưa yên tâm”.
Khi vụ dân phát hiện chuyện cá chết hàng loạt và nghi ngờ nguyên nhân từ Formosa, cùng một Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ trưởng nói: “Đối với pháp luật Việt Nam thì hệ thống ống xả thải ngầm là không được phép” còn ông Thứ trưởng thì kêu: “Đặt ống xả thải ngầm là được phép, không có gì là lén lút cả”. Vẫn vụ này khi những ngày đầu có những phát hiện, Bộ trưởng Bộ này nói: “Formosa phải chịu trách nhiệm gián tiếp” và Thứ trưởng thì lại nói: “Chưa có bằng chứng kết luận Formosa gây cá chết hàng loạt”.
Đấy là những phát ngôn từ người có trách nhiệm. Còn cơ quan có trách nhiệm? Từ kết quả điều tra vụ ống nước Sông Đà vỡ 18 lần, cơ quan công an xác định: 5 người (Phí Thái Bình, Nguyễn Văn Tuân, Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm) “đã có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 229 Bộ luật Hình sự”. Thế nhưng Quyết định liên ngành của cơ quan tư pháp lại miễn khởi tố hình sự vì các ông trên nhân thân tốt, mới vi phạm lần đầu!?
Đến tổ chức lớn hơn là cấp tỉnh cũng có chuyện tréo ngoe, “phép vua thua lệ làng”. Trước quyết tâm giảm biên chế mà bộ máy của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang hàng ngày hàng giờ đau đáu tìm giải pháp và thực thi thì Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa bổ nhiệm tới 8 Phó Giám đốc và ông Đầu Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nội vụ thản nhiên, tự tin khẳng định: “Có sự chấp thuận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy”. Hóa ra Tỉnh to hơn Trung ương khiến Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đặt vấn đề về phát triển kinh tế đã phải chỉ ra: “Cần phải khắc phục tình trạng 63 tỉnh, 63 nền kinh tế” cho thấy tình trạng cục bộ tại các địa phương đang là một thực tế không thể phủ nhận.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ có thể kỷ luật về Đảng nhưng xử lý nghiêm theo luật lại phải là các cơ quan bảo vệ pháp luật theo hệ thống chính quyền. Khi nhóm lợi ích cố kết và hoành hành qua những quan hệ qua lại lằng nhằng thì công cuộc chống tham nhũng gặp khó khăn bội phần. Những chuyện tréo ngoe trên khiến luật mất “thiêng”, uy tín của Đảng, Nhà nước bị giảm sút và niềm tin của dân cũng bị sứt mẻ.
Trước nạn nội xâm, người dân hoàn toàn ủng hộ quyết tâm của Tổng Bí thư truy quét tận gốc những kẻ nhân danh Đảng, nhân danh Nhà nước nhưng lại ngầm phá hoại uy tín của Đảng, phá hoại kinh tế, an ninh quốc gia… chỉ vì “quyền lợi nhóm thân hữu” của mình!
Chống tham nhũng phải bắt đầu từ cơ chế trao quyền nhưng có hạn với hàng rào quy định của pháp luật, không thể để người đứng đầu bất cứ cơ quan, tổ chức nào như ông vua con trong phạm vi mình quản lý. Bên cạnh đó là sự giám sát của dân với tiếng nói của quần chúng, của truyền thông vẫn cần được coi trọng đúng mức.
Ngoài biển Đông vẫn đang dậy sóng, việc giữ chủ quyền, an ninh quốc gia phải bắt đầu từ nội lực với hệ thống cán bộ sạch sẽ tạo ra được sức mạnh vượt qua mọi thác ghềnh, thử thách.