Làng nghề có vị trí rất quan trọng, vừa góp phần phát triển kinh tế ở các địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, vừa đóng góp vào việc gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến đầu năm 2015, cả nước ta có hơn 5.000 làng nghề, trong đó, hơn 1.700 làng nghề được công nhận theo tiêu chí của Chính phủ, thu hút khoảng 10 triệu lao động. Tuy nhiên, môi trường ở làng nghề hiện nay là vấn đề rất bức xúc.
Ở đâu có làng nghề, ở đó có ô nhiễm
Theo số liệu điều tra, kiểm tra môi trường làng nghề của Bộ Tài nguyên và Môi trường 1 năm gần đây, đã xác định được 104 làng nghề ô nhiễm nhất trên phạm vi cả nước cần phải có kế hoạch xử lý triệt để cho đến 2020. Trong đó, có những địa phương, mức độ ô nhiễm kim loại nặng độc hại (Cr6 ) cao gấp hơn 3.000 lần quy chuẩn cho phép, đây thực sự là con số đáng báo động.
Làng Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì) dọc đoạn đường dẫn vào khu nghĩa trang Giò Gà, có 7 hộ dân làm nghề sản xuất lông vũ, đâu đâu cũng phơi đầy lông gà, lông vịt, ruồi nhặng bu kín. Xe máy qua lại làm lông bay tứ tung. Nước từ các cống rãnh đen ngòm, mùi hôi thối, ẩm mốc bốc lên, tỏa đi khắp làng.
Còn làng nghề đúc đồng Đại Bái ở xã Đại Bái, huyện Gia Bình, Bắc Ninh có từ rất lâu đời. Môi trường nơi đây ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng do các hộ làm nghề đúc đồng đổ bã nhôm bừa bãi ra môi trường, nước thải của các hộ làm nghề có hóa chất như axit, sút... không được quy hoạch vào khu tập trung để xử lý mà đổ trực tiếp ra các lòng sông, ao hồ, mương máng. Các hộ đúc, cô phế liệu chưa xây dựng được các ống khói đạt tiêu chuẩn đã làm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân trong làng.
Làng nghề gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội hiện nay cũng đang bị ô nhiễm nặng bởi khói bụi và khí CO2. Đại diện làng nghề gốm Bát Tràng cho biết, trung bình mỗi lò nung gốm bằng than ở Bát Tràng thải ra khoảng 2,5 tấn chất thải rắn cho mỗi mẻ nung. Cùng với đó, phế phẩm, phế liệu đất nung, gốm, sứ vỡ, hỏng chất thành những đống bên đường, mỗi khi mưa xuống, đường lầy lội, bẩn thỉu. Nếu không sớm áp dụng những phương pháp sản xuất sạch, nhằm giảm ô nhiễm môi trường, sự phát triển bền vững tại Bát Tràng ngày càng bị đe dọa.
Giải pháp có, nhưng chưa thực tế
GS. Đặng Kim Chi, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ môi trường cho biết, trong những năm qua, mặc dù rất nhiều mô hình xử lý nước thải đã được áp dụng với quy mô hộ sản xuất hay cụm hộ sản xuất gần nhau với mục đích nhân rộng, song tính bền vững của các mô hình này không cao. Người dân làng nghề rất ít hưởng ứng và tiếp nhận các mô hình mẫu nếu không được hỗ trợ kinh phí đầu tư và kinh phí vận hành. Việc áp dụng công nghệ chung để xử lý môi trường làng nghề là không khả thi mà phải phụ thuộc vào đặc thù riêng của chất thải sinh ra do hoạt động sản xuất của làng nghề ấy.
Vấn đề mấu chốt trong việc đưa ra các giải pháp xử lý nguồn nước thải của các làng nghề chính là phải tìm được những công nghệ thật đơn giản, tốn ít đầu tư, chi phí thấp và việc vận hành phải hết sức đơn giản.
Các chuyên gia về môi trường cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần khoanh vùng lại theo từng ngành nghề như nghề kim loại, nghề gỗ, nghề thực phẩm, nghề mây tre thì phương pháp giải quyết môi trường cho từng ngành nghề là gì, kỹ thuật ra sao, đầu tư như thế nào...; phải thí điểm từng cụm ngành nghề, phải giải quyết được vấn đề môi trường theo từng ngành nghề, gắn với đó là cho vay để giải quyết môi trường.
Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã có sự quan tâm đặc biệt tới công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó đã xác định ô nhiễm môi trường tại các làng nghề là vấn đề “nóng” trong giai đoạn hiện nay.
Thiết nghĩ, trước mắt, để thực hiện bảo vệ môi trường tại các làng nghề, cần triển khai từng bước cụ thể theo lộ trình đã được xác định tại đề án Bảo vệ môi trường làng nghề của Chính phủ. Với các làng nghề được công nhận, ngoài việc bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường, cần có chính sách hỗ trợ để duy trì hoạt động sản xuất, bảo tồn nét văn hóa, đầu tư bảo vệ môi trường, xử lý nước thải và sức khỏe cộng đồng. Với các địa phương có cơ sở sản xuất trên địa bàn dân cư nhưng không được coi là làng nghề, cần quản lý nghiêm khắc, chặt chẽ như đối với các cơ sở kinh doanh bình thường. Cần thiết phải di dời ra khỏi khu vực dân cư đối với các đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nếu không di dời thì phải chuyển đổi ngành nghề sản xuất... Đã đến lúc, chúng ta cần có các giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt với một nhóm đối tượng sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong xã hội.
Hữu Minh