Dân kêu trời vì sông Sa Lung ô nhiễm, cá chết trắng bờ

07-10-2023 11:08 | Xã hội

SKĐS - Thời gian qua, người dân huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) phản ánh về việc nước sông Sa Lung bị ô nhiễm nặng, cá chết nổi trắng bờ sông. Mới đây, cơ quan chức năng xử phạt đối với một doanh nghiệp do vi phạm các quy định xả nước thải ra môi trường.

Theo tìm hiểu của PV, sông Sa Lung (tỉnh Quảng Trị) có chiều dài khoảng 59 km, đóng vai trò trong việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Long… thuộc huyện Vĩnh Linh.

Tuy nhiên, thời gian qua, nước sông này có dấu hiệu bị "bức tử" gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương. Trước thực trạng nước sông bị ô nhiễm, người dân nhiều lần phản ánh tới chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục.

Người dân phản ánh tình trạng sông Sa Lung bị ô nhiễm

Theo phản ánh của người dân, từ khoảng tháng 4 đến tháng 6, nhiều ao, hồ lấy nước từ sông Sa Lung ở xã Vĩnh Sơn có tôm chết hàng loạt khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Mới đây, sau đợt mưa lớn vào các ngày nửa cuối tháng 9, nước từ phía thượng nguồn sông Sa Lung chảy về bốc mùi, sau đó xảy ra tình trạng cá chết.

Có mặt tại khu vực sông Sa Lung đoạn chảy qua thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh những ngày đầu tháng 10, PV ghi nhận, số cá chết đã được người dân vớt lên và đem đi tiêu hủy. Bên cạnh đó, màu nước sông đỡ đen đục nhưng vẫn rất bẩn, lác đác vài con cá chết trôi.

Quảng Trị: Sông Sa Lung ô nhiễm, một doanh nghiệp bị xử phạt - Ảnh 2.

Cuối tháng 9, nước sông Sa Lung ô nhiễm gây nên tình trạng cá chết.

Ông Trương Đình Trị (SN 1942, trú thôn Quảng Xá) cho biết, những ngày gần đây số cá chết ít hơn nên nước sông đỡ bốc mùi. "Trước đó cá chết tấp vào ven bờ trắng cả sông. Mấy năm trước người dân ra đây để rửa tay rửa chân. Hiện nay nước quá bẩn nên mỗi lần rửa về bị nổi mẩn ngứa", ông Trị nói.

Canh đó, anh Trần Duy Cảm cho biết, gia đình nuôi tôm ở đây đã hơn 20 năm, trước đây nước đầu nguồn chảy về bình thường nhưng từ khi nhà máy xây dựng lên, nước nguồn về thì cá chết theo. Hiện tại cá chết trên sông được vớt lên đi tiêu hủy, nước sông cũng đỡ đen đục nhưng vẫn còn ô nhiễm nặng.

Quảng Trị: Sông Sa Lung ô nhiễm, một doanh nghiệp bị xử phạt - Ảnh 3.

Thời gian qua, việc sông Sa Lung bị ô nhiễm khiến cho các hộ nuôi tôm bị ảnh hưởng, thiệt hại.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho hay, sau khi nhận được phản ánh, huyện đề nghị UBND tỉnh và Sở Tài nguyên Môi trường có biện pháp kiểm tra toàn diện các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn có nguồn xả thải ra môi trường, để có biện pháp xử lý vừa đảm bảo sản xuất vừa đảm bảo môi trường.

Mới đây, UBND huyện Vĩnh Linh kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị (thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Long) và phát hiện có cống ngầm nối từ trong khu vực nhà máy xả nước thải ra sông Sa Lung. Tương tự, cơ quan chức năng cũng tiến hành kiểm tra đối với Công ty Cổ phần Bắc Trung Bộ (thôn Tân Lập, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh).

Quảng Trị: Sông Sa Lung ô nhiễm, một doanh nghiệp bị xử phạt - Ảnh 4.

Một đoạn sông Sa Lung đoạn chảy qua thôn Quảng Xã, xã Vĩnh Lâm.

"UBND huyện vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính 50 triệu đồng đối với Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị vì vi phạm các quy định xả nước thải ra môi trường. Đồng thời, thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định", Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết.

Khi PV đặt câu hỏi về kết quả kiểm tra, xử lý (nếu có) đối với Công ty Cổ phần Bắc Trung Bộ, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết đang đợi kết quả quan trắc, khi đó mới có cơ sở để xử lý.

Trước đó, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ký Công văn yêu cầu Công an tỉnh thành lập tổ công tác và tổ chức thực hiện chuyên đề để trinh sát thường xuyên, đấu tranh, phát hiện và xử lý/đề xuất xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi xả nước thải trái pháp luật vào môi trường.

Đồng thời, yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và Công an tỉnh, tăng cường kiểm tra xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước sông Sa Lung, thực hiện nghiêm việc quản lý nhà nước về quản lý môi trường.

Ngoài ra, giao UBND huyện Vĩnh Linh thành lập các tổ giám sát cộng đồng tại các xã tại các khu vực thuộc lưu vực sông Sa Lung, đặc biệt là các địa phương có các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm theo dõi, giám sát chặt chẽ, phát hiện và báo cáo kịp thời các hiện tượng bất thường có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…

Có nên lấy nước sông Hồng làm sạch ô nhiễm sông Nhuệ?Có nên lấy nước sông Hồng làm sạch ô nhiễm sông Nhuệ?

SKĐS - Đáy sông Hồng đã tụt xuống 2-6m so với trước đây, lượng nước không ổn định theo mùa, mực nước cũng không còn cao như trước đây do khai thác các công trình trên sông...


Hoàng Dũng - Văn Luân
Ý kiến của bạn